“Vietnam Airlines, Vinalines sẽ phải niêm yết sau cổ phần hóa”

05/05/2015 14:55 PM | Kinh doanh

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Hồng Trường, cho biết bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, nếu đủ điều kiện sẽ niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán mà không qua sàn Upcom.

Theo đó, bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam niêm yết thẳng lên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Thứ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của bộ là doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa nếu đủ điều kiện theo quy định của luật Chứng khoán thì phải thực hiện niêm yết trên sàn Upcom và Sở giao dịch chứng khoán.

“Thời gian được bộ xác định chậm nhất trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp phải lên sàn Upcom. Thời gian niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung không quá 2 năm nếu đủ điều kiện niêm yết theo quy định. Vietnam Airlines và Vinalines cũng không ngoại lệ”, thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp thuộc bộ quản lý trong thời gian vừa qua?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua bộ GTVT đã triển khai thực hiện cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa. Giai đoạn 2011 – 2014 Bộ đã thực hiện cổ phần hóa 107 doanh nghiệp, năm 2015 tiếp tục triển khai 29 doanh nghiệp, trong đó có 16 công ty mẹ - Tổng công ty (các doanh nghiệp lớn Vinalines, Vietnam Airlines, ACV…).

Theo đó, việc triển khai được chia thành hai nhóm. Đối với nhóm doanh nghiệp nhà nước không giữ cổ phần chi phối, quan điểm của Bộ là cổ phần hóa triệt để, xây dựng phương án vốn điều lệ trong đó nhà nước nắm giữ khoảng 35% vốn điều lệ hoặc có thể bán toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia sâu vào hoạt động, quản trị của doanh nghiệp.

Đối với nhóm doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối như Vietnam Airlines, ACV, bộ trình Thủ tướng Chính phủ phương án trước mắt nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ và giảm dần tỷ lệ nắm giữ xuống 65% vốn điều lệ khi phù hợp.

Vấn đề hiện đang thu hút sự quan tâm của thị trường, đó là vấn đề tìm đối tác chiến lược của những doanh nghiệp lớn như Vinalines, Vietnam Airlines…, thưa Thứ trưởng?

Việc lựa chọn được cổ đông chiến lược và thực hiện bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trước IPO có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư, góp phần thực hiện thành công phương án cổ phần hóa. Trong 10 công ty mẹ , tổng công ty thực hiện IPO năm 2014, có 07 tổng công ty lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược và 07 tổng công ty này đều thực hiện thành công phương án cổ phần hóa.

Đối với Vietnam Airlines, hiện nay tổng công ty đang tiếp tục đàm phán với các đối tác chiến lược, tôi hy vọng với tỷ lệ bán cổ phần 20% vốn điều lệ, Vietnam Airlines sẽ tìm được cổ đông chiến lược phù hợp.

Đối với Vinalines, hiện bộ đang trình Chính phủ theo hướng nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ, bán 0,25% cho cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn, 33,75% bán ra bên ngoài và 30% bán cho cổ đông chiến lược. Hiện Vinalines đang đàm phán với các nhà đầu tư để lựa chọn được cổ đông chiến lược

Nhiều ý kiến quan ngại về việc Vinalines đang thua lỗ có thể sẽ bị đối tác nước ngoài ép giá khi đàm phán để mua cổ phần. Làm thế nào để có thể bán cổ phần của Vinalines cho đối tác nước ngoài đúng với giá trị của doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?

Vinalines hoạt đông 03 lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, trong đó, lĩnh vực dịch vụ hàng hải và khai thác cảng biển đang hoạt động có lãi, riêng lĩnh vực vận tải biển thua lỗ.

Bên cạnh những khó khăn, Vinalines cũng có nhiều lợi thế nhất định. Năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đã đạt được kết quả rất tích cực. Ngoài ra, Vinalines đang phối hợp với DATC nỗ lực đàm phán tái cơ cấu nợ với các tổ chức tín dụng để cơ cấu lại nợ nhằm giảm chi phí tài chính, xóa nợ, giảm lãi và kéo dài thời gian trả nợ, các thông tin này sẽ được cáo bạch công khai để các nhà đầu tư nghiên cứu, quyết định đầu tư.

Cùng với đó, bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinalines thoái vốn tại một số cảng biển như Quy Nhơn, Nha Trang, Quảng Ninh, đây sẽ là nguồn tiền để Vinalines cơ cấu nợ, bổ sung vốn lưu động, giảm áp lực dòng tiền trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

Đồng thời, việc lựa chọn, bán cổ phần cho các nhà đầu tư sẽ được thực hiện đúng quy định pháp luật, do vậy, Vinalines sẽ không thể bán thấp hơn giá khởi điểm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phương án.

Thực tế, cổ phần hóa doanh nghiệp luôn là bài toán phức tạp. Thứ trưởng có thể cho biết những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa và bộ đã có những giải pháp tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

Trong suốt quá trình triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số các cơ chế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình cổ phần hóa. Đến nay, cơ bản không còn vướng mắc, các cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật.

Ví như vấn đề lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ Giao thông vận tải lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Hay như về việc chỉ định thầu lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Để đảm bảo tiến độ thực hiện, bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Hay như vấn đề về tỷ lệ đối chiếu công nợ để cổ phần hóa. Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp, Bộ đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đối chiếu được tối thiểu 90% tổng số nợ phải thu, nợ phải trả thì cơ quan quyết định cổ phần hóa xem xét phê duyệt giá trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp cổ phần hóa. Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đối chiếu đầy đủ công nợ phải thu, phải trả.

Hay vấn đề tài sản đất đai của doanh nghiệp. Bộ đề xuất trước cổ phần hóa chuyển tài sản đất đai sang hình thức thuê đất dài hạn, trả tiền hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độc cổ phần hóa (vì việc xác định giá trị đất đai gặp rất nhiều khó khăn).

Hay vấn đề Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp cổ phần hóa. Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện thẩm định để công bố giá trị doanh nghiệp đối với 10 Công ty mẹ - Tổng công ty thuộc Bộ (không chuyển hồ sơ qua Kiểm toán Nhà nước) để kịp tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2 sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm thoái vốn, bán tiếp vốn nhà nước theo phương án cổ phần hóa, Bộ đã trỉ đạo các doanh nghiệp quyết liệt thực hiện theo đúng kế hoạch, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép phương thức bán trọn lô cổ phần nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Hiện bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng đối với Cienco 5, Cienco 6, Vinamotor, Cảng Quảng Ninh, Cảng Hải Phòng, 1 công ty thuộc Vietnam Airlines, 1 công ty thuộc Cienco 6, 4 công ty thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 2 công ty thuộc Vinamotor.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, tổng công ty sau khi cổ phần hóa một thời gian đều xin thoái hết vốn Nhà nước để doanh nghiệp được chủ động quyết định chiến lược, kế hoạch cũng như điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với 10 Công ty mẹ - Tổng công ty, sau khi chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần được 06 tháng tính đến thời điểm 31/12/2014, theo báo cáo tạm tính, tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của 10 doanh nghiệp trên so với năm 2013 được tổng hợp như sau:

- Vốn chủ sở hữu tăng 17,21%;

- Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm 18,3%;

- Doanh thu tăng 7,2%;

- Lợi nhuận trước thuế tăng 43,29%;

- Thu nhập bình quân người lao động tăng 18,64%.

Như vậy, sau khi các doanh nghiệp chuyển từ sở hữu nhà nước sang đa sở hữu toàn bộ tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã thay đổi toàn diện, tích cực.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

>> Vinalines được định giá gần 3000 tỷ đồng

Theo MINH HUỆ

Cùng chuyên mục
XEM