Việt Nam tăng trưởng nhanh, nhưng các quốc gia khác đang tăng trưởng nhanh hơn!

23/11/2015 14:30 PM | Kinh doanh

Ngay các nước có thể coi là “tụt hậu” như Campuchia, Lào và Myanmar cũng đang có chuyển động mạnh, với tốc độ tăng trưởng mấy năm nay đều cao hơn Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Thái, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Hội Kinh tế Việt Nam chia sẻ, trong 30 năm đổi mới, kinh tế xã hội đã tiến vượt bậc trên nhiều phương diện và cũng được thế giới ghi nhận. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP khá nhanh qua các năm, một số chỉ tiêu vĩ mô được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Quang Thái, trong điều kiện Việt Nam có tiến bước ngoạn mục từ trình độ phát triển thấp, thì các nước hầu hết có mức xuất phát điểm cao hơn đã phát triển cùng kỳ cao hơn Việt Nam  và phát triển cũng khá nhanh. Ngay các nước có thể coi là “tụt hậu” như Campuchia, Lào và Myanmar cũng đang có chuyển động mạnh, với tốc độ tăng trưởng mấy năm nay đều cao hơn Việt Nam.

Dưới đây là bảng so sánh trong các lĩnh vực cụ thể:

Giáo dục: Theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Không có trường đại học được lọt vào danh sách đại học có danh tiếng và có chất lượng.

Bằng sáng chế: Theo International Property Rights Index , Việt Nam đứng hàng 108/130 tính theo giá trị trí tuệ, có nghĩa là gần đội sổ thế giới.

Ô nhiễm: Theo chỉ số ô nhiễm, Việt Nam đứng ở vị trí 102/124.

Thu nhập tính theo đầu người: Tuy thu nhập quốc gia của Việt Nam đứng hàng 57/193 song Việt Nam lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Có nghĩa là Việt Nam đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.

Mức độ tham nhũng: Theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177.

Tình hình phát triển xã hội: Theo chỉ số phát triển xã hội, Việt Nam không có trong bảng vì không đủ số liệu để thống kê. Trong khi đó, theo chỉ số chất lượng sống (Quality of Life) thì Việt Nam  có điểm là 22.58, đứng hàng 72/76, có nghĩa là gần chót bảng.

Dịch vụ y tế: Theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia, có nghĩa Việt Nam đứng trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất thế giới.

Năm 1990, khoảng cách Việt Nam so với trung bình thế giới khoảng 4.000 USD, thì sau hơn 20 năm, khi GDP bình quân của Việt nam đạt 2.000 USD. Trong khi đó, GDP bình quân thế giới đã vượt 10.000USD, khoảng cách phát triển đã tăng lên gấp 2 lần.

Theo GS Nguyễn Quang Thái, nguyên nhân chủ chốt khiến Việt Nam "tụt hạng" so với các nước trên thế giới là do chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển. Kinh tế Việt Nam trong nhiều năm dân số chủ yếu sống ở nông thôn, lao động nông nghiệp nhiều năm trên dưới 2/3, đến nay vẫn còn chiếm 45%, nhưng ngành nông nghiệp có NSLĐ rất thấp, không phát huy được thế mạnh của nông nghiệp nhiệt đới.

Mặc dù ngành công nghiệp sau nhiều năm phấn đấu đang có tốc độ tăng trưởng gần 10%, nhưng Việt Nam không có ngành năng lượng bản địa vững vàng, trừ ngành khai thác năng lượng, dựa vào khai thác tài nguyên. Các ngành công nghiệp công nghệ cao chủ yếu là FDI chiếm phần lớn, nhưng lại không thực hiện được chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ có dấu hiệu được phát triển, nhưng ngành du lịch lại chưa tận dụng được thế mạnh “trời cho” là các thắng cảnh, với bãi biển trải dài 3000km, nắng ấm quanh năm,...

"GDP và GNI tuy có cao trên 2.000USD/người, nhưng chủ yếu dựa vào quảng canh còn tay nghề và công nghệ thì thường là thấp. Do đó, một số lĩnh vực đang bị các nước kế cận “đuổi kịp và vượt” đáng tiếc...", GS Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM