"Việt Nam nhiều tài nguyên nên cản trở sáng tạo"

20/05/2015 17:14 PM | Kinh doanh

Mỗi nước đều có đặc thù riêng của mình. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam là gì? Làm thế nào để tận dụng xây dựng hệ sinh thái ở đây?

Nội dung nổi bật:

-   “Việt Nam tuyệt vời, có thị trường, có tài nguyên, con người. Nhưng những gì bạn có chính là những gì bạn thiếu, là hiểm hoạ của bạn. Tại sao phải dành nhiều tiền để khởi nghiệp”

-    “Cách tốt nhất là hãy bắt tay làm ngay, và đừng sợ thất bại”

-    Mỗi doanh nghiệp phải tạo được một đội ngũ, những “tay chơi” thực sự để thực hiện đổi mới sáng tạo. Có thể tìm được lợi nhuận từ những ý tưởng nhỏ, không cần quá to tát.


Tại Diễn đàn quốc tế về Kinh doanh sáng tạo lần 2 (IIBF 2) với chủ đề Đổi mới sáng tạo: Lợi thế cạnh tranh thời kỳ mới  mới đây, chia sẻ kinh nghiệm thiết lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, “Doanh nhân của doanh nhân”, ông Oren Simanian, nhà sáng lập trung tâm khởi nghiệp StarTAU, ĐH Tel Aviv mà bạn bè vẫn gọi là “siêu nhân” cho biết hiên có ba luồng tư tưởng thúc đẩy tinh thần DN thế giới.

Thứ nhất là thực nghiệm, chúng ta phải tạo môi trường để tuổi trẻ sáng tạo.

Thứ hai là sự thành công. Ở Israel có hơn 300 DN lớn của thế giới. Những trung tâm mới của Intel, eBay, Apple, Microsoft đều nằm ở đây, họ thấy ở đây có nhiều tiềm năng về nhân lực sáng tạo. Họ biết tương lai nằm ở đây, từ đó tạo ra hệ sinh thái cho sáng tạo phát triển mạnh mẽ.

Thứ ba là giới hàn lâm sẽ tiếp cận thị trường, đưa ra những công trình đổi mới sáng tạo cho DN áp dụng. Chính phủ sẽ là người tạo điều kiện, thúc đẩy các trường đại học đưa ra những công trình có thể phát triển trong tương lai, kết hợp với khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra môi trường dưỡng dục đổi mới sáng tạo. Sáu giải Nobel trong mười năm của Israel là kết quả của một quá trình, Thủ tướng Israel rất quan tâm đến đổi mới sáng tạo, vì không có chọn lựa nào khác ngoài sáng tạo.

Ông Oren Simanian cho rằng: “Mỗi nước đều có đặc thù riêng của mình. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam là gì? Làm thế nào để tận dụng xây dựng hệ sinh thái ở đây? Việt Nam tuyệt vời, có thị trường, có tài nguyên, con người. Nhưng những gì bạn có chính là những gì bạn thiếu, là hiểm hoạ của bạn. Tại sao phải dành nhiều tiền để khởi nghiệp? Hãy cứ thất bại đi, thất bại cũng cần để giúp ta hình dung ra bức tranh rõ rệt hơn, giúp ta thành công, kiếm được tiền. Cách tốt nhất là hãy bắt tay làm ngay, và đừng sợ thất bại”.

Bà Camilla Mellander, đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam nhấn mạnh đến tư duy tự do, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ: “Thuỵ Điển cũng là một nước nhỏ, dân số thấp, nhưng lúc nào cũng đi đầu nhờ xuất khẩu, mở cửa cho DN nước ngoài vào để chuyển giao công nghệ, kiến thức của họ. Thúc đẩy lớn nhất của Thuỵ Điển là giải thưởng hàn lâm cao quý nhất, giải Nobel trong tất cả các lĩnh vực từ y tế, văn chương, khoa học… Giải thưởng là nguồn động lực cho những người nghiên cứu và nguồn tài nguyên  cho Thuỵ Điển để có những bộ não tốt nhất.

Stockholm có những công ty thành lập mười năm được đánh giá cả tỉ USD. 3,5% GDP dành cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đó là lý do Thuỵ Điển trở thành quốc gia chuyên thử những sản phẩm mới. Ericsson, công ty viễn thông muốn kết nối mọi người trên toàn cầu với nhau đã sử dụng 33.000 bằng sáng chế cho mạng di động không dây lớn nhất thế giới này. Một công ty đầy sáng tạo khác là IKEA, năm 1943 đã làm ra những thiết kế đẹp để mọi người đều có thể mua được, với chi phí rẻ, gọn gàng hơn để dễ vận chuyển. Hiện IKEA đã có hơn 700.000 cửa hàng trên thế giới, và đã có mặt tại Việt Nam.

Doanh nghiệp phải có “tay chơi”

Trong môi trường cạnh tranh quyết liệt, doanh nghiệp không còn cách nào khác là tự cứu mình, TS Dương Như Hùng - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM đề cập đến những công ty đã áp dụng rất linh hoạt công nghệ đổi mới sáng tạo. Ví dụ như Công ty Điện Quang  để cạnh tranh luôn phải đưa ra sản phẩm mới, công nghệ mới, nhiều đến mức phải có hệ thống để quản lý công nghệ này.

Viettel sử dụng chiến lược nông thôn bao vây thành thị, cạnh tranh về giá, chiếm được thị phần lớn trong thời gian ngắn, dùng thị trường nông thôn để khẳng định chất lượng, sau một năm đã mở sang thị trường Mozambique.  TH True Milk năm 2008 quyết định sản xuất sữa tươi sạch, tập trung xây dựng trang trại bò sữa lớn nhất châu Á, nuôi theo chu trình khép kín, thay đổi mô hình đầu tư công ngh…

Ông Trần Đức Huy, CEO công ty công nghiệp Vĩnh Tường chia sẻ năm 2009, ngành xây dựng vô cùng khó khăn, mỗi ngày khách hàng điện thoại không biết bao nhiêu lần đòi Vĩnh Tường cung cấp hàng rẻ hơn, không cần tốt. Nhưng hàng giá rẻ không phải thế mạnh của Vĩnh Tường.  Liên hệ với các chủ nhà, họ sẵn sàng trả tiền cho hàng tốt với giá đắt hơn.

Làm thế nào cho người chủ nhà biết được sản phẩm Vĩnh Tường? Phải trực tiếp tiếp cận khách hàng bằng chi phí thấp nhất. Ngoài trang web Vĩnh Tường, công ty tạo trang web về trần nhà đẹp, cung cấp rất nhiều dịch vụ khác nhau, cho khách hàng tính được chi phí, cho kiến trúc sư nhiều giải pháp, cho người thi công nhiều sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn…bằng cách tiếp cận thân thiện hơn. Bên cạnh đó là phát động phong trào trao đổi sản phẩm lấy ý tưởng, ý tưởng nào mới, hay đều được tập trung nguồn lực để phát triển, nếu thành công được khen thưởng. Hơn 20% doanh thu của Vĩnh Tường nhờ những cải tiến này.

TS Dương Như Hùng cho rằng bài học rút ra các công ty trên là: Thách thức những cách làm và suy nghĩ truyền thống và chấp nhận rủi ro. Lợi thế của người đi đầu rất lớn, vươn lên nhờ có những chiến lược sáng tạo, tạo ra giá trị tuyệt vời cho khách hàng… Muốn làm được điều đó, mỗi doanh nghiệp phải tạo được một đội ngũ, những “tay chơi” thực sự để thực hiện đổi mới sáng tạo. Có thể tìm được lợi nhuận từ những ý tưởng nhỏ, không cần quá to tát.

>> Đừng chỉ cổ vũ cho DN bằng huân chương, huy chương

Duy Khánh

Duy KHánh

Cùng chuyên mục
XEM