Việt Nam đối mặt với rủi ro "già trước khi giàu"

10/12/2015 13:39 PM | Kinh doanh

Theo Ngân hàng Thế giới, các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan, và Việt Nam đã bắt đầu già hóa nhanh và sẽ phải đối mặt với một số thách thức khó khăn nhất định.

Báo cáo "Sống lâu và giàu có: Hiện tượng già hóa dân số Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương" của Ngân Hàng Thế Giới - World Bank (WB) chỉ ra rằng, khu vực Đông Á đang có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới từ trước tới nay; một số nước thu nhập trung bình và trên trung bình có thể sẽ bị giảm 15% lực lượng lao động từ nay tới năm 2040.

Cụ thể, 36% dân số độ tuổi trên 65 của thế giới, khoảng 211 triệu người, đang sống trong khu vực Đông Á, và đây là con số lớn nhất so với tất cả các khu vực khác trên thế giới.

Đến năm 2040, hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm trên 15% tại Hàn Quốc và trên 10% tại Trung Quốc, Thái Lan, và Nhật Bản.

Chỉ riêng tại Trung Quốc, con số đó tương đương với con số giảm sút ròng trên 90 triệu lao động. Trung Quốc hiện đang có tới 130 triệu người trên 65 tuổi.

Về tốc độ, theo WB tốc độ già hóa tại mỗi nước lại khác nhau. Các nước thuộc nhóm như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc là các nước đi đầu với trên 14% dân số trên 65 tuổi.

Các nước trẻ hơn và nghèo hơn gồm Cam-pu-chia, Lào, và Papua New Guinea chỉ có 4% dân số trên 65 tuổi nhưng trong vòng 20-30 năm tới các nước này sẽ già hóa với tốc độ cao.

Các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan, và Việt Nam đã bắt đầu già hóa nhanh và sẽ phải đối mặt với một số thách thức khó khăn nhất định.

Tốc độ già hóa nhanh trên tạo ra thách thức chính sách, áp lực kinh tế và tài khoá cũng như các rủi ro xã hội khác. Nếu không cải cách thì chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức 8-10% GDP vào năm 2070.

Đồng thời, hệ thống y tế các nước chưa được chuẩn bị để đối mặt với những khoản chi chữa bệnh, vì các như bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí khám chữa bệnh vào năm 2030.

Vì vậy, WB đưa ra các khuyến nghị như Nhật Bản, Malaysia, Fiji có thể khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là thông qua các chương trình chăm sóc con cái.

Các nước khác như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan có thể xem xét loại bỏ các ưu đãi trong hệ thống hưu trí hiện đang khuyến khích một số nhóm. "Ví dụ phụ nữ tại khu vực đô thị, nghỉ hưu quá sớm", báo cáo chỉ rõ.

Trong khi đó, các nước có trình độ phát triển cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản có thể mở cửa thị trường lao động nhằm thu hút lao động trẻ từ các nước khác. Tất cả các nước, thuộc mọi nhóm thu nhập, đều cần cải thiện chất lượng lực lượng lao động thông qua giáo dục và học tập suốt đời.

Ông Axel van Trotsenburg, Phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho hay, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang trong giai đoạn chuyển tiếp dân số kịch tính nhất từng chứng kiến từ trước tới nay, và tất cả các nước đang phát triển trong khu vực đều chịu rủi ro già trước khi giàu.

“Quản lí hiện tượng già hóa nhanh chóng không chỉ là vấn đề người cao tuổi mà nó đòi hỏi một cách tiếp cận chính sách toàn diện, đề cập mọi giai đoạn trong cuộc đời nhắm đến tăng cường khả năng tham gia của lực lượng lao động, khuyến khích cách sống lành mạnh dựa trên đổi mới dịch vụ chăm sóc trẻ em, giáo dục, y tế, hưu trí, chăm sóc dài hạn và các vấn đề khác.”, vị này nhấn mạnh.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM