Vì sao Samsung là 'cơn ác mộng' với thái tử 46 tuổi Lee Jae-yong?

16/06/2015 08:37 AM | Kinh doanh

Triều đại nhà họ Lee đang đối mặt với một thử thách vô cùng lớn kể từ khi tạo lập nên Samsung – “3 ngôi sao” của Hàn Quốc từ gần 80 năm trước.

Nội dung nổi bật:

- Tập đoàn Samsung có 67 công ty lớn nhỏ, tất cả liên kết với nhau thông qua hình thức cổ phần chéo và tạo ra doanh thu hàng năm lên tới 300 tỷ USD.

- Rõ ràng đây là một tổ chức quá phức tạp và với riêng người thừa kế 46 tuổi Lee Jae-yong của tập đoàn này thì rõ ràng nó là một "cơn ác mộng".


Hàn Quốc là quốc gia nổi tiếng với sự thống trị của 4 chaebol (tập đoàn kinh tế), kiểm soát gần như toàn bộ kinh tế đất nước. Quyền lực nhất trong số đó phải kể đến Samsung, tập đoàn này ngày càng trở nên lớn mạnh kể từ sau chiến tranh liên Triều, với ước tính chiếm từ 1/5 – 1/4 GDP của Hàn Quốc, vượt xa các chaebol, đồng thời là đối thủ cạnh tranh của họ gồm Hyundai, LG và SK.

Kể từ sau khi ra đời vào năm 1938 tại tỉnh Gyeongsang cho đến nay, cỗ máy đồ sộ Samsung chịu sự kiểm soát của gia tộc nhà họ Lee. Tuy nhiên, triều đại nhà họ Lee đang đối mặt với một thử thách vô cùng lớn kể từ khi tạo lập nên Samsung – “3 ngôi sao” (Samsung nghĩa là Tam Tinh, 3 ngôi sao - PV) của Hàn Quốc từ gần 80 năm trước.

Thật không may cho gia đình này, vị “tộc trưởng” Lee Kun-hee hiện không còn đủ sức khỏe để chèo lái con thuyền Samsung nữa. Thay vào đó, nhiệm vụ được giao cho người con trai duy nhất của ông là Lee Jae-yong – người phải bất đắc dĩ cáng đáng vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của Samsung không lâu sau khi người cha bị đột quỵ vào hồi tháng 5 năm ngoái.

Trong khi người cha được xem như “vị vua” với khối tài sản trị giá 11 tỷ USD khiến ông trở thành người giàu nhất Hàn Quốc thì rất ít người biết thông tin về người thừa kế ngôi vị của ông. Lee Jae-yong hiện buộc phải gánh vác trách nhiệm tái cấu trúc lại một trong những tập đoàn lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới do gia đình anh nắm quyền kiểm soát.

Những công ty thuộc Tập đoàn Samsung bao gồm:

- Samsung Electronics (công ty điện tử lớn nhất thế giới theo doanh thu, và lớn thứ 4 thế giới theo giá trị thị trường năm 2012)

- Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu lớn thứ 2 thế giới theo doanh thu năm 2010)

- Samsung Engineering và Samsung C&T (lần lượt là công ty xây dựng lớn thứ 13 và 36 thế giới)

- Samsung Life Insurance (công ty bảo hiểm lớn thứ 14 thế giới)

- Samsung Everland (quản lý Everland Resort, công viên chủ đề lâu đời nhất Hàn Quốc)

- Samsung Techwin (công ty không gian vũ trụ, thiết bị giám sát, bảo vệ)

- Cheil Worldwide (công ty quảng cáo lớn thứ 16 thế giới theo doanh thu năm 2011)

Samsung được biết đến như một gã khổng lồ về hàng điện tử. Đây là công ty công nghệ lớn nhất thế giới trên rất nhiều phương diện khác nhau. Cụ thể, họ trở thành nhà sản xuất ti vi số 1 thế giới kể từ năm 2006, là nhà sản xuất màn hình hiển thị LCD lớn nhất và là công ty có thị phần lớn nhất trong thị trường chip nhớ toàn cầu.

Với sự ra đời của chiến điện thoại Galaxy S, Samsung cũng dẫn đầu thế giới về doanh số bán điện thoại thông minh vào năm 2011. Trong 3 tháng đầu năm 2014, Samsung đã bán được nhiều điện thoại thông minh hơn cả 4 đối thủ cạnh tranh lớn của họ cộng lại gồm Apple (43,7 triệu chiếc), Huawei (13,7 triệu chiếc), Lenovo (12,9 triệu chiếc) và LG (12,3 triệu chiếc).

Tuy nhiên, thiết bị và tiện ích chỉ là một phần nhỏ trong đế chế Samsung khổng lồ. Còn có hàng loạt bộ phận khác của công ty đang tác động tới mọi mặt đời sống xã hội của người dân Hàn Quốc. Cụ thể, mỗi người Hàn Quốc rất có thể sẽ sử dụng bảo hiểm nhân thọ hay ở trong một căn nhà do công ty xây dựng Samsung xây. Họ cũng có thể sử dụng thiết bị y tế, nghỉ tại khách sạn thuộc sở hữu của tập đoàn này và chơi trong công viên của Samsung. Samsung cũng sở hữu công ty đóng tàu biển, phà, nhà máy tinh chế dầu, sản xuất thép…

Tổng cộng, tập đoàn Samsung có 67 công ty lớn nhỏ, tất cả được kết nối với nhau thông qua hình thức cổ phần chéo và tạo ra doanh thu hàng năm lên tới 300 tỷ USD.

Rõ ràng, một mạng lưới phức tạp như vậy là quá sức với ngay cả một ông chủ ngân hàng đầu tư dày dạn kinh nghiệm. Chính vì vậy, với riêng “thái tử” Lee mà nói, nó thật sự là một cơn ác mộng.

Lee “nhỏ” được đánh giá cao về mặt học thức, tốt nghiệp từ trường đại học Harvard và nói thành thạo tiếng Nhật và Anh. Anh cũng tỏ ra là người giỏi ngoại giao và kết giao với những người bạn quyền lực như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, CEO Facebook Mark Zuckerberg và CEO Tim Cook của Apple.

Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều câu hỏi về khả năng điều hành một trong những công ty có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc vượt qua những giai đoạn khó khăn của vị “thái tử” 46 tuổi này. Trước đó, chủ tịch Lee đã khéo léo luân chuyển để anh nắm giữ nhiều vị trí khác nhau trong công ty ngoại trừ e-Samsung – mảng kinh doanh Internet vốn đang trên bờ vực phá sản của gia đình.

Có thể nói, tương lai của Samsung - chaebol lớn nhất và quyền lực nhất Hàn Quốc đang nằm trên vai nhà lãnh đạo trẻ trong một tình huống đầy bất ngờ.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM