Bí quyết trường thọ nghìn tuổi của công ty Nhật: Không chọn con ruột nhưng có thể chọn con rể

21/12/2015 09:13 AM | Kinh doanh

Có một số lượng không nhỏ những công ty của Nhật Bản đã tồn tại và hoạt động liên tục được cả nghìn năm.

Những công ty trăm năm tuổi ở Mỹ như General Electric hay Ford trở thành “cây đai thụ” dưới con mắt Google hay Facebook. Tuy nhiên, thực tế có một số lượng không nhỏ những công ty của Nhật Bản - đã tồn tại và hoạt động liên tục được cả nghìn năm.

Quốc gia này là quê hương của không ít doanh nghiệp hoạt động liên tục lâu đời nhất trên thế giới. Một trong số đó phải để đến hệ thống khách sạn suối nước nóng Nishiyama Onsen Keiunkan 1.300 năm tuổi hay nhà sản xuất bia Sudohonke 900 năm tuổi.

Trong khi nhà sản xuất súng lâu đời của Ý là Beretta hoạt động từ năm 1526 hay hãng sản xuất mũ Zildjian được thành lập năm 1623 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thì những công ty lâu đời như vậy lại tương đối phổ biến tại Nhật Bản.

Đất nước này hiện là quê hương của hơn 50.000 doanh nghiệp có tuổi đời trên 100 năm. Trong số đó, có 3.886 doanh nghiệp đã hoạt động được trên 200 năm. Đối lập lại, theo số liệu thống kê chỉ có 1 trong 4 công ty ở Mỹ được thành lập từ năm 1994 vẫn hoạt động cho tới năm 2004.

Bí quyết để tồn tại tới hàng nghìn năm là gì?

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao những công ty kể trên lại có thể tồn tại lâu đến vậy. Lý do đầu tiên có thể kể đến là bởi những công ty này có xu hướng tập trung vào những ngành công nghiệp gần như không bao giờ lỗi thời.

Kongo Gumi - công ty từng hoạt động trong suốt 1.429 năm trước khi đóng cửa vào năm 2007 chuyên xây dựng các ngôi đền Phật giáo. Rõ ràng, đây là mảng kinh doanh hứa hẹn trong mọi thời kỳ ở một đất nước có lịch sử Phật giáo lâu đời như Nhật Bản.

Ngôi đền đầu tiên mà Kongo Gumi xây dựng gần Osaka được hoàn thành vào năm 593. Kể từ sau đó, cũng chính công ty này đã đảm đương công việc tu sửa công trình này tới 6 lần.

Theo tác giả cuốn sách “Centuries of Succes” là William O’Hara thì: “Có một mô hình thành công chung. Hoạt động của những công ty gia đình lâu đời nhất tại Nhật Bản thường liên quan tới những lĩnh vực cơ bản của con người như ăn uống, vận chuyển, xây dựng”.

Bên cạnh đó, còn một lý do khác khiến số lượng những công ty “trường thọ” tại Nhật Bản cao bậc nhất thế giới là bởi cách các doanh nghiệp gia đình ở đây kế thừa và truyền lại cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo đó, chủ sở hữu của các doanh nghiệp gia đình Nhật Bản thường trao tại toàn bộ công ty cho người con trai cả của họ. Tuy nhiên, bí mật khiến công việc kinh doanh của những doanh nghiệp kiểu này vẫn suôn sẻ là bởi khi người chủ sở hữu doanh nghiệp không tin tưởng trao ngai vàng cho thế hệ sau thì họ có thể tìm người thay thế bằng cách nhận con trai nuôi. Và người này thường là con rể trong gia đình.

“Việc duy trì công việc kinh doanh liên tục được đảm bảo bởi việc tuỳ chỉnh để một người con trai nuôi thay thế người con ruột điều hành công ty nếu cảm thấy không phù hợp”, theo Mike Smitka - một giáo sư kinh tế tại Đại học Washington and Lee.

Các công ty lâu đời nhất tại Nhật Bản thường được cho là công ty gia đình trị tuy nhiên thực tế đây là một nhận định chưa chuẩn xác.

Một nghiên cứu vào năm 2011 tại Nhật Bản chỉ ra rằng các doanh nghiệp được điều hành bởi những người thừa kế là con nuôi thường làm tốt hơn những người thừa kế có quan hệ máu mủ.

Điều này cũng lý giải được phần nào số liệu thống kê khá kỳ lạ về các gia đình tại Nhật Bản: Không giống với Mỹ - nơi hầu hết người được nhận nuôi là trẻ con thì 98% những người được nhận nuôi ở Nhật Bản khi họ từ 25 - 30 tuổi. Đúng như câu tục ngữ của người Nhật: “Không thể chọn con ruột nhưng có thể chọn con rể”.

Những dấu hiệu thoái trào

Nổi tiếng là vậy nhưng trong thập kỷ vừa qua, một vài doanh nghiệp lâu đời nhất của Nhật Bản cuối cùng đã phải đóng cửa. Tháng 1 năm nay, thương hiệu bán đồ hải sản 465 năm tuổi là Minoya Kichibee đã nộp đơn xin phá sản. Trước đó, nhà sản xuất kẹo 533 tuổi Surugaya cũng chứng kiến số phận tương tự.

Trong năm 2007, sau 1.429 năm hoạt động, công ty xây dựng đền chùa Konga Gumi cũng tuyên bố phá sản và sau đó bị thâu tóm bởi một công ty lớn hơn.

Dĩ nhiên, việc 3 công ty kể trên phá sản không đủ để nói rằng đang có một trào lưu thoái trào của những doanh nghiệp kỳ cựu tại Nhật Bản. Tuy nhiên rõ ràng nó đang cho thấy có một điều gì đó không ổn diễn ra khiến ngay cả những công ty đã hoạt động trong suốt hàng nghìn năm đột nhiên bị đóng cửa.

Vì vậy lý do có thể khiến những doanh nghiệp “lão làng” này phá sản là gì?

Hầu hết mọi người bị thuyết phục bởi lập luận của giáo sư Ulrike Schaede đến từ đại học U.C. San Diego khi cho rằng chính phủ Nhật Bản đã thay đổi luật đối với những công ty đang gặp khó khăn.

Trên phương diện lịch sử, giáo sư Schaede nói rằng trước đây các ngân hàng Nhật Bản thường ra tay giúp đỡ đối với ngay cả những doanh nghiệp túng quẫn nhất mà không cần mảy may suy nghĩ. “Khoảng giữa năm 1955 và 1990, chỉ 72 công ty của Nhật Bản phá sản. Lý do là bởi các ngân hàng từ chối cho họ vay tiền”.

Sau đó tới năm 2000 - thời điểm Nhật Bản thông qua luật phá sản và 4 năm sau đó, bộ luật này tiếp tục được sửa đổi đã khiến những công ty đang gặp khó khăn trở nên khốn khổ. “Những công ty làm ăn thua lỗ sẽ không còn nhận được sự giúp đỡ từ các ngân hàng nữa trừ khi họ có kế hoạch thay đổi cụ thể”.

Những hãng lâu đời như công ty thực phẩm Minoya Kichibee thậm chí vẫn sử dụng công thức từ 350 năm trước một phần là bởi họ vẫn nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng ngay cả khi sản phẩm của công ty không còn khả quan trong thế giới hiện đại.

Ngoài ra Schaede nhận định rằng sở dĩ những công ty lâu đời của Nhật Bản vẫn có thể tồn tại được thêm 15 năm sau khi bộ luật mới được công bố là bởi các ngân hàng vẫn chưa kịp thích ứng với những thay đổi ngay lập tức. “Việc chuyển từ hệ thống cũ sang mới không thể chỉ được thực hiện qua một đêm”.

Dù luật mới là nguyên nhân chủ yếu khiến những công ty lâu đời này phá sản nhưng đó chưa phải là tất cả. Cần phải nói thêm rằng chuẩn mực văn hoá Nhật Bản cũng đã thay đổi rất nhiều trong những thập kỷ gần đây. Chỉ có điều, ít người biết hoá ra nó lại gây tổn thương không nhỏ cho các công ty bán đồ truyền thống.

“Giới trẻ Nhật Bản không còn thích thú với văn hoá truyền thống Nhật Bản so với bố mẹ và ông bà chúng. Khi lớp người già mất, nhu cầu cũng theo đó mà giảm đi đối với các sản phẩm của những công ty kể trên”.

Xã hội Nhật Bản cũng bắt đầu xuất hiện những lập trường khác nhau về hôn nhân, nhận con nuôi và thừa kế.

Rất nhiều nhà báo và học giả thường xuyên theo dõi các doanh nghiệp lâu đời ở Nhật Bản đã cố gắng đúc kết bí quyết kinh doanh trường tồn của họ. Như một bài viết trên tờ BusinessWeek vào năm 2007 nói rằng: "Câu chuyện của Kongo Gumi cho thấy các doanh nghiệp cần phải hài hoà được giữa yếu tố bảo thủ và linh hoạt”.

Nhìn chung, với những công ty kể trên, hoàn cảnh thường quan trọng hơn là kế hoạch kinh doanh. Và như vị chủ tịch đời cuối cùng của Kongo Gumi đã nói khi được hỏi về bí quyết thành công của công ty ông: Một quy tắc không thể chối bỏ để có thể sống thọ đó là "Đừng uống quá nhiều!"

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM