Vì sao ngân hàng chưa xung phong đổ tiền vào ATM lưu động?

06/10/2014 11:49 AM | Kinh doanh

Hệ thống máy ATM của các ngân hàng gần như đã kết nối hoàn toàn, nay có thêm ATM lưu động khiến không ít người kỳ vọng Tết năm nay sẽ khác.

Trên thực tế, ATM lưu động xuất hiện vào năm 2009, xuất phát từ ý tưởng của DongA Bank. Khi mới ra đời, hệ thống này đã sớm nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân, vì đã hỗ trợ giảm bớt tình trạng quá tải của các điểm rút tiền tại các KCX, KCN. Sau khi triển khai bước đầu tại TP.HCM, hệ thống ATM lưu động của DongA Bank được mở rộng, đưa vào phục vụ tại các Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Đến tháng 2/2010, ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức chấp thuận triển khai thí điểm trong thời gian 6 tháng.

Sau đó, NHNN đã khuyến khích các NHTM khác thực hiện và vừa qua, VietinBank đã được phép triển khai dịch vụ này. Theo đó, VietinBank sẽ triển khai ATM lưu động tại KCN Thăng Long (Hà Nội) và KCN Bình Chiểu (TP.HCM), số lượng triển khai là 5 xe, mỗi xe trang bị 2 máy ATM; thời gian triển khai đến hết ngày 31/3/2015.

Thừa nhận tiện ích của ATM lưu động, các chuyên gia tài chính khẳng định, dịch vụ ATM lưu động rất hữu ích trong việc hỗ trợ giảm tải cho các máy ATM cố định, nhất là vào những lúc cao điểm như công nhân nhận lương, dịp lễ, tết. Tuy nhiên, cũng chính các vị chuyên gia đặt vấn đề là so với nhu cầu, chỉ có vài cây ATM hoạt động như hiện nay như “đá ném ao bèo”.

Quả vậy, từ 2010 đến nay, dù NHNN rất khuyến khích nhưng vẫn ít NH tham gia. Nguyên nhân là các NHTM dù muốn tham gia nhưng phần lớn vẫn không đáp ứng đủ điều kiện. Theo một lãnh đạo phụ trách mảng thẻ NH VietinBank tại TP.HCM, những quy định điều kiện để được cấp phép đã khó, nhưng sau khi đã được NHNN chấp thuận, NHTM còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác, như phải đăng ký bằng văn bản với NHNN chi nhánh tỉnh; thành phố trên địa bàn sẽ triển khai trong thời hạn 15 ngày làm việc.

Thêm nữa, NHTM triển khai ATM lưu động phải có trách nhiệm thiết lập và duy trì giải pháp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết để đảm bảo sự hoạt động an toàn của ATM lưu động và thực hiện đầy đủ các quy trình quản lý rủi ro, quy trình vận hành, các biện pháp phòng ngừa việc giả mạo ATM lưu động đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.

Ngoài ra, NHTM phải hoàn chỉnh các quy định nội bộ về chính sách bảo mật thông tin, quy trình vận hành, quy trình quản lý rủi ro, bảo trì, bảo dưỡng, kiểm soát, giám sát hoạt động ATM lưu động và gửi bản chính thức về NHNN trước khi triển khai dịch vụ để theo dõi.

Mặt khác, mức đầu tư cho ATM lưu động cũng gần tương đương ATM cố định, mặc dù không phải mất chi phí thuê điểm đặt máy, điện, bảo vệ, bảo trì, nhưng cần phải có phương tiện hỗ trợ như ôtô, ngoài lái xe còn cần thêm bảo vệ, nhân viên… Việc tiếp quỹ cũng phải cẩn trọng vì sẽ phức tạp hơn so với ATM cố định.

Vấn đề đặt ra nữa là các NH phải bảo đảm đường truyền không nghẽn mạch. Một lãnh đạo của DongA Bank cho biết, với máy ATM cố định, NH phải đảm bảo rằng nếu có 1.000 máy ATM, khi có 1.000 giao dịch diễn ra cùng một thời điểm thì hệ thống vẫn đủ khả năng xử lý. Trong khi đó, ATM lưu động có điểm khó hơn là nó không cố định nên phải chứng minh được hệ thống công nghệ đường truyền tốt nhất, đồng thời đảm bảo hệ thống an ninh tuyệt đối.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM chia sẻ, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2012/TT-NHNN về bảo đảm an toàn hoạt động ATM. Theo đó, các NH phải xây dựng quy trình vận hành, bảo dưỡng, giám sát bảo đảm máy ATM đủ tiền…

Thế nhưng, khi các NH liên kết hệ thống ATM, cơ quan quản lý không đặt ra tiêu chuẩn nào về hạ tầng kỹ thuật. Từ đó, công nghệ ATM của nhiều NH không đồng đều khiến sự cố thường xảy ra, nhất là khi giao dịch ATM tăng đột biến vào dịp giáp Tết. Cũng theo ông Minh, dù là những điểm kết nối cố định nhưng đến nay, không phải NH nào cũng dám cam kết sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố liên quan đến giao dịch ATM. Do đó, việc đáp ứng điều kiện để thành lập ATM lưu động không hẳn là dễ dàng đối với một số NH.

Đó là chưa kể đến yếu tố hệ thống ATM lưu động đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng hiện chỉ được cho phép triển khai trong một thời hạn nhất định.

Nhìn chung, còn rất nhiều rào cản dẫn đến việc NHNN khuyến khích nhưng các NHTM không mặn mà đầu tư. Tuy nhiên, các NH cũng cần nhìn nhận rằng, phát triển ATM lưu động giúp NH có lợi thế về thương hiệu. Trong khi các NH khác phải bỏ cả đống tiền làm quảng cáo, làm PR cho tiện ích thẻ… thì chỉ cần xuất hiện đúng lúc đúng thời điểm đã có lợi thế để “chiếm hữu” các ở DN KCN lẫn đông đảo công nhân để cung cấp thêm nhiều dịch vụ khác…

Theo Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
XEM