Vì sao hàng ngoại ở Trung Quốc có giá 'trên giời'?

05/09/2013 16:24 PM | Kinh doanh

Từ iPad cho đến que kem.

Nội dung nổi bật:

Chênh lệch giá: Từ iPad cho đến que kem, giá của nhiều hàng hóa ở Trung Quốc đã vượt xa hơn nhiều so với các quốc gia khác. 

Lý do: 
- Nhà sản xuất và nhà cung cấp đánh vào tâm lý sính ngoại của giới trung lưu đang nổi;
- Người tiêu dùng lo ngại về sự an toàn của sản phẩm trong nước;
- Chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của chính phủ đối với hàng nhập khẩu hay xa xỉ phẩm.

Đối phó: Người tiêu dùng Trung Quốc có thừa sự 'thông thái', nhờ so sánh giá qua Internet và mua sắm khi đi du lịch nước ngoài. 



Chênh giá càng cao, người dân càng nghèo

Ở Trung Quốc, muốn uống một cốc Starbucks, người ta phải bỏ ra nhiều hơn gần 1 USD so với một cốc cà phê y hệt như thế ở Mỹ. 

Còn muốn sở hữu một chiếc xe Cadillac Escalade Hybrid Base 6.0 ở Trung Quốc, sẽ phải móc hầu bao khoản tiền lên tới 229.000 USD, cao gấp 3 lần so với mức giá chỉ 73.000 USD cho phiên bản này tại Mỹ.

Khi đến với thế giới bán lẻ hiện đại ở Trung Quốc, người ta sẽ phải há hốc ngạc nhiên vì mức giá của nhiều mặt hàng đã leo cao ngất ngưởng, bỏ xa giá sản phẩm tương tự ở các quốc gia khác. Sự chênh lệch giá cả này càng khiến khoảng cách thu nhập giữa Trung Quốc với các quốc gia khác trở nên khắc nghiệt hơn. 

Một chiếc iPad 2 ở Trung Quốc có giá 488 USD, trong khi thu nhập bình quân của người dân nước này là 7.500 USD. Còn tại Mỹ, một chiếc iPad y hệt chỉ có giá 399 USD, có vẻ 'chẳng thấm tháp' gì so với mức thu nhập bình quân 42.693 USD của người Mỹ.

Theo số liệu từ SmithStreet, so sánh giá cả của 500 mặt hàng của 50 thương hiệu ở Trung Quốc và Mỹ, kết quả là quần áo và đồ may mặc khác ở Trung Quốc đắt hơn 70% giá bán ở Mỹ. 

Thuế khóa và hàng rào thuế quan từ lâu đã trở thành là nguyên nhân để đổ lỗi cho sự khác biệt về giá cả, nhưng trong nhiều năm gần đây, tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc dường như cũng sẵn sàng chi tiêu mạnh bạo hơn cho các sản phẩm thể hiện dấu ấn cá nhân, nhất là hàng nhập khẩu. 

Bởi thế mà các công ty 'vui tính' sẽ tính giá theo cách thị trường mong muốn, ngay cả việc tăng giá để tạo hiệu ứng hào nhoáng qua sự đắt đỏ đồng nghĩa với chất lượng tốt, đánh vào tâm lý khách hàng sính ngoại. Trong nhiều trường hợp thì chính các nhà sản xuất nước ngoái tranh thủ đẩy giá cao lên, khiến nhà cung cấp ở Trung Quốc 'theo gió bẻ măng' tăng cao hơn nữa.

Sự chênh lệch giá cả càng cao, khoảng cách thu nhập càng khắc nghiệt.

Người Trung Quốc đã tỉnh táo hơn

Nhưng ngày nay người tiêu dùng Trung Quốc đã quá mệt mỏi với mức giá trên trời trong nước và đã bắt đầu tỏ thái độ bất mãn. Nhờ Internet và đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, việc tham khảo và so sánh giá khiến người tiêu dùng Trung Quốc trở thông thái và sành sỏi hơn.

Những khách hàng bất mãn thường xuyên mua sắm trên các website mua bán online ở nước ngoài hoặc ở Hong Kong, sẽ khiến các nhà bán lẻ đang chạy đua mở rộng cửa hàng thực ở Trung Quốc đại lục phải suy nghĩ lại.

"Chẳng mua sắm được gì đáng giá ở Trung Quốc đâu", anh Quan Honglei, 30 tuổi, đang làm việc trong ngành tài chính cho biết. "Nếu bạn có thời gian chờ đợi, hãy làm điều đó ở nơi khác".

Với sự gia tăng của việc du lịch nước ngoài và phát triển của thương mại điện tử, người tiêu dùng đã bắt đầu so sánh giá hàng hóa ở nước ngoài với những gì họ nhìn thấy ở các cửa hàng trong nước, và quyết định nhẫn nại chờ đợi để mua hàng khi ra nước ngoài, Jame Button, quản lý cao cấp của hãng tư vấn SmithStreet tại Thượng Hải.

Báo chí quốc tế năm nay đã dành nhiều giấy mực để viết về việc người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô mua sữa bột trẻ em ở Anh và Hong Kong, không chỉ bởi mức giá 'mềm' hơn so với sản phẩm cùng loại trong nước, mà còn được người dân bản địa tin tưởng hơn về mức độ an toàn.

Vào tháng 8 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch điều tra giá cả ở các ngành ô tô, dược phẩm và sữa bột trẻ em, để so sánh giá bán các mặt hàng này ở Trung Quốc so với các quốc gia khác. Các nhà chức trách Trung Quốc đã phạt 5 nhà bán lẻ trang sức nội địa tổng số tiền 10,6 triệu Nhân dân Tệ do thao túng giá. 

Nhà chức trách nước này đã 'tuýt còi' với các nhà sản xuất ngoại cung cấp sữa bột trẻ em như Danone SA và Mead Johnson vì cho rằng họ vi phạm luật cạnh tranh.

Các công ty sữa bột trẻ em đã đáp lại lệnh trừng phạt này bằng cách giảm giá các sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc. 

Các cuộc điều tra trong ngành ô tô và dược phẩm vẫn tiếp tục được triển khai.

Chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực để đảm bảo lợi nhuận của các công ty không đến từ việc 'móc túi' người dân, ông Rocky Lee, lãnh đạo khu vực châu Á của hãng luật Cadwalader Wickersham & Taft tại Bắc Kinh cho hay.

Đối với các mặt hàng xa xỉ, chính quyền đã có các biện pháp 'sốc' khá mạnh tay khiến giá các sản phẩm nhập khẩu và hàng xa xỉ tăng vọt so với giá gốc. Kiểu như giá bán chiếc xe Escalade Cadilac tại Trung Quốc phải đội thêm khoản thuế tiêu thụ đặc biệt lên đến 386.000 Nhân dân Tệ (khoảng 63.000 USD).

Chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực để đảm bảo lợi nhuận của các công ty không đến từ việc 'móc túi' người dân.

Các 'ông lớn' ngoại quốc đối phó ra sao?

Hãng xe General Motors cho hay nguồn thu từ xe nhập khẩu của họ chỉ chiếm mảng rất nhỏ trong việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Theo người phát ngôn của GM, giá một chiếc xe Buick Encore sản xuất tại Trung Quốc là 24.477 USD, trong khi chiếc xe tương tự tại Mỹ có giá 24.160 USD.

Nhiều công ty thu lãi tại thị trường Trung Quốc trong thời gian dài nhờ việc bán cho người tiêu dùng cao cấp và muốn ghi lại dấu ấn của mình trên sản phẩm, Yuval Atsmon, đại diện hãng tư vấn McKinsey & Co. tại Thượng Hải cho hay.

Apple từ chối bình luận về chênh lệch giá bán iPad.

Các chuyên gia cho rằng tấm mác ghi giá (price tag) mang lại hiệu quả thấp khi buôn bán ở thị trường Trung Quốc. "Chúng có thể biến mất vài tháng - để qua vòng kiểm tra và nhận được giấy phép kinh doanh bán lẻ ở Trung Quốc. Những chi phí quan liêu sau đó được cộng lại và dồn sang người tiêu dùng", ông Rocky Lee cho hay. 

Các thương hiệu như Starbucks và Häagen-Dazs cũng đặt giá cao hơn đối với người mua hàng ở Trung Quốc để đánh bóng hình ảnh cho những 'người sành điệu', ông Atsmon nói.

Một muỗng kem rượu rum nho khô có giá 5,4 USD tại một cửa hàng Haagen-Dazs ở Bắc Kinh. Còn tại cửa hàng Häagen-Dazs trong khu phố Hoa ở Washington, D.C., giá đã gồm thuế chỉ là 4,68 USD.

Người phát ngôn Starbucks lý giải mức giá này khác nhau tùy theo thị trường, và ở Trung Quốc, khách hàng thích các cửa hàng lớn với nhiều ghế hơn, khiến chi phí thuê bất động sản 'đẩy' vào giá trở nên cao hơn.

Còn phát ngôn viên của General Mills sở hữu Häagen-Dazs, cho hay công ty này không thể bình luận về việc so sánh các chiến lược bán hàng tại Trung Quốc với Mỹ, bởi ở Mỹ và Canada thương hiệu này đã được cấp phép cho công ty Nestlé SA.

(Chú thích: Häagen-Dazs thuộc sở hữu của công ty General Mills trên toàn thế giới, nhưng được cấp phép cho công ty Nestlé SA tại Mỹ và Canada).

Mặc dù vậy, không phải món hàng nào ở Trung Quốc cũng đắt hơn nơi khác trên thế giới. Trên thị trường đồ uống đang cạnh tranh gay gắt, nơi doanh số và thị phần được ưu tiên hàng đầu, thì một chai Coca-Cola trong cửa hàng tiện lợi ở Trung Quốc có giá 2,8 Nhân dân tệ (0,46 USD), trong khi tại Mỹ, giá bán của nó cao hơn 1 USD.

Thùy Phương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM