Vì sao các thương hiệu thời trang đồng loạt "tháo chạy" khỏi Singapore, Malaysia, Việt Nam

18/11/2015 11:13 AM | Kinh doanh

Những người mua sắm ở Singapore và Malaysia là những nhóm người am hiểu về thời trang. Hàng năm chúng ta thấy những thương hiệu quốc tế mất những chi phí cao trên trời để gia nhập thị trường, và lại rút khỏi thị trường thời gian ngắn sau đó.

Gần đây, các thương hiệu thời trang và làm đẹp như Kate Spade Saturday, River Island và FANCL, tất cả đều đã rời khỏi thị trường Singapore. Vấn đề này không chỉ ở những thương hiệu quốc tế, mà những đơn vị địa phương nhỏ cũng gặp phải.

Nhãn hiệu thời trang địa phương nổi tiếng nhất gần đây, M)phosis (phát âm emphasis) đã lựa chọn rút hết các cửa hàng bán lẻ ra khỏi khu vực.

Theo báo cáo của The Straits Times nói rằng nhãn hiệu này trong khoảng hơn 20 năm đã đóng cửa hơn 10 cửa hàng tại Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Chỉ những cửa hàng ở Trung Quốc vẫn được duy trì. Bài báo cũng dẫn lời giám đốc thương hiệu Hensley Teh nói rằng công ty đang có vấn đề về lưu chuyển tiền tệ và không có khả năng tiếp tục.

Tuy nhiên việc đóng cửa các thương hiệu lớn không phải là điều bất ngờ. Chỉ có những thương hiệu nhỏ, bán lẻ truyền thống mới là tín hiệu cho thấy sự khó khăn.

Trong khi M)phosis đã có mặt trên thị trường từ năm 1994, Charlie Cookson, chiến lược gia cao cấp của Landor nói đây sẽ là một lời cảnh tỉnh với những người mới bắt đầu trên thị trường.

“Đặc biệt là trên những thị trường như Singapore có giá thuê rất đắt, tiền luôn là vấn đề với các doanh nghiệp còn non trẻ. Mất hàng ngàn đô tiền thuê mỗi tháng có thể khiến bạn phát khùng,” Cookson nói.

Trong nhiều trường hợp, mô hình bán lẻ truyền thống chỉ đơn giản giảm thiểu sự linh hoạt và tiềm năng đổi mới của các thương hiệu mới vì dòng tiền đổ quá nhiều vào việc thuê cửa hàng.

Cookson đặt câu hỏi về sự cần thiết của không gian bán lẻ tổng thể.

“Cũng có rất nhiều kênh online sẵn có cho các doanh nghiệp mới mà tôi có thể đặt câu hỏi về sự cần thiết của một hiện diện vật lý. Những thương hiệu xa xỉ có xu hướng cần sự hiện diện vật lý, nhưng cho những sản phẩm đại chúng hơn thì chi phí cho cửa hàng thực sự rất lớn. Nó sẽ giúp đẩy tiền mặt vào thị trường để nâng cao nhận thức về thương hiệu,” Cookson nói thêm.

Tuy nhiên, Jorge Rodriguez, Giám đốc của Influential Brands không đồng ý với quan điểm này, Có một cửa hàng vật lý là việc cần thiết để trưng bày sản phẩm và giúp cho khách hàng có trải nghiệm “sờ và cảm nhận”.

“Nó không phải là việc có hàng trăm cửa hàng nhưng chỉ một số ít trong đó có vị trí đẹp để trưng bày những sản phẩm của bạn. Rất nhiều trung tâm mua sắm cố gắng để có hoạt động tốt ở các khu vực khác nhau nhưng một số thì vẫn đang phát triển và chỉ có tầng trệt là thu hút được đám đông,” Rodriquez nói.

Thực hiện với ngân sách eo hẹp

Dù cho bạn có ngân sách eo hẹp hay tiền mặt dư thừa, ngày càng nhiều các nhà bán lẻ hiểu được khái niệm về các cửa hàng pop-up (Pop-up store là thuật ngữ chỉ những kiểu cửa hàng có thể “mọc lên” tại một địa điểm không ai nghĩ tới rồi lại bất ngờ biến mất vài ngày sau đó).

Không chỉ tiết kiệm chi phí mà hiện nay nhiều trung tâm thương mại truyền thống còn để dành chỗ cho những cửa hàng kiểu này để duy trì sự tươi mới và thích hợp.

Zalora là một trong những đơn vị thương mại điện tử về thời trang đã hoàn toàn áp dụng ý tưởng này. Các thương hiệu lớn hơn như Hublot, Moet & Chandon và Magnum đều có phiên bản cửa hàng popup của chính mình.

“Những nhà bán lẻ mới có thể tận dụng lợi thế và cung cấp mối quan hệ cộng sinh với nhiều doanh nghiệp bán lẻ truyền thống,” Cookson nói. Sự di động của những cửa hàng có thể giúp chúng tiếp cận tập khách hàng rộng hơn và tăng nhận thức về thương hiệu.

Ngân sách có eo hẹp hay không thì Rodriguez nói những cửa hàng bán lẻ vẫn phải có sự hiện diện trực tuyến. Ông khuyên các nhà bán lẻ tận dụng cơ hội để thu hút khách hàng ở các cửa hàng vật lý nhưng cuối cùng họ lại mua trực tuyến.

“Khi khách hàng tới cửa hàng, đó là thời điểm hoàn hảo để thu hút họ và đảm bảo họ biết cách thức mua sản phẩm của bạn trực tuyến. Giờ vấn đề không phải là tạo ra những sản phẩm mới để thay thế sản phẩm cũ nữa mà là đảm bảo khách hàng luôn có thể mua được mọi sản phẩm bạn có,” Rodriguez bổ sung.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM