Vì sao các công ty Trung Quốc 'vung tiền' mua hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài?

10/02/2016 09:20 AM | Kinh doanh

Tính cả thương vụ của ChemChina, tổng giá trị các cuộc “mua sắm” ở hải ngoại của Trung Quốc trong năm 2016 đã đạt 68 tỷ USD.

Các công ty Trung Quốc đã lập kỷ lục về làn sóng mua lại chỉ trong vài tuần đầu năm 2016 khi thâm nhập vào các thị trường nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và đồng Nhân Dân Tệ (NDT) đang mất giá.

Tập đoàn hoá chất quốc gia Trung Quốc (China National Chemical Corp - ChemChina) vừa rồi tuyên bố sẵn sàng trả 43 tỷ USD để mua công ty sản xuất thuốc trừ sâu Syngenta của Thụy Sĩ. Nếu thương vụ này được thực hiện, đây sẽ là cuộc thôn tính có giá trị lớn nhất của một công ty Trung Quốc.

Tính cả thương vụ của ChemChina, tổng giá trị các cuộc “mua sắm” ở hải ngoại của Trung Quốc trong năm 2016 đã đạt 68 tỷ USD. Theo hãng dữ liệu Dealogic, đây là lần có giá trị cao nhất trong cùng thời điểm và đã vượt quá giá trị nửa đầu năm 2015.

Các công ty khác của Trung Quốc, như Haier Group và China Cinda Asset Management Co. cũng đã thực hiện nhiều vụ mua lại ở thị trường nước ngoài trong vài năm gần đây khi Trung Quốc tìm cách tăng cường năng lực ở các ngành như nông nghiệp tổng hợp, bất động sản và năng lượng.

Những thương vụ đình đám này đã thu hút sự chú ý của mọi người vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này khi nó phải hứng chịu đà tăng trưởng yếu nhất trong 25 năm liền và thị trường chứng khoản bất ổn khiến các nhà đầu tư trên toàn cầu nhiều lần đau tim.

Các công ty thuộc sở hữu nhà nước hoặc các doanh nghiệp quốc doanh là những nhân vật chính trong đợt mua sắm này. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” được chủ tịch Tập Cận Bình phát động nhằm mục đích mở rộng các thị trường mới từ Trung Á đến Châu Âu cho các công ty Trung Quốc vốn trước đây chỉ tập trung vào thị trường nội địa.

Chính sách này, gợi lại hình ảnh của Con Đường Tơ Lụa giữa Đông Á và Tây Á, cho thấy tiền mặt của chính phủ sẽ được dùng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước muốn mua tài sản ở nước ngoài.

Bắc Kinh đang đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn dòng tiền chạy ra khỏi Trung Quốc nhằm đối phó với sự chững lại của nền kinh tế và sự mất giá của đồng NDT. Hiện nay đồng NDT đã giảm 5,5% so với đồng USD kể từ tháng 8.

Những bước đi gần đây nhất của Trung Quốc bao gồm hạn chế khả năng các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đưa tiền về nước mình và cấm thực hiện các khoản đầu tư ở nước ngoài bằng đồng NDT.

Mối quan ngại của chính phủ Trung Quốc đối với dòng tiền đang tháo chạy khỏi nước này – ước tính khoảng 1.000 tỷ USD vào năm ngoái – cho thấy các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đang quan sát rất kỹ các vụ mua lại tài sản nước ngoài. Tuy nhiên chắc chắn họ vẫn sẽ hỗ trợ các thương vụ tương tự vì đây được coi là nền móng để mở rộng ra thị trường nước ngoài của các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên những thương vụ mua lại này sẽ bị soi xét rất kỹ, vì chúng diễn ra trong lúc nền kinh tế nước này đang có nhiều biến cố.

Ở Mỹ, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài – một cơ quan liên bang chuyên giám sát những vụ mua lại vì lý do an ninh – gần đây đã bác bỏ đề nghị mua công ty chiếu sáng Royal Philips NV của một quỹ đầu tư Trung Quốc. Royal Philips NV có các cơ sở chế tạo, nghiên cứu và phát triển đặt tại Mỹ.

Cơ quan này chắc chắn sẽ theo dõi sát sao thương vụ giữa ChemChina và Syngenta vì hầu hết các công việc làm ăn chủ chốt của Syngenta đều nằm ở Mỹ.

Patrick Yip, người đứng đầu bộ phận mua lại và sáp nhập cho Deloitte ở Trung Quốc, khi đề cập đến các vụ mua lại gần đây của Trung Quốc, đã nói: “Các thương vụ mua lại này càng ngày càng lớn. Tôi cũng đang tập trung vào một số thương vụ như vậy. Các công ty Trung Quốc muốn có được sức mạnh thương hiệu và công nghệ cao”.

Theo dự đoán của David Brown, giám đốc các dịch vụ giao dịch cho PricewaterhouseCoopers khu vực Trung Quốc và Hồng Kông, mỗi năm giá trị các thương vụ sáp nhập và mua lại với bên ngoài của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 50%, và kéo dài trong vài năm tới.

Sự sụt giá của đồng NDT – và kỳ vọng là nó sẽ tiếp tục mất giá – đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm các công ty để mua lại trước khi giá của các công ty này trở nên đắt hơn. Đây là nhận định của Rocky Lee, một cộng sự ở công ty luật Cadwalader.

Đồng NDT, sau khi đã mạnh lên hơn 30% trong suốt thập niên vừa qua, đã giảm giá 8% so với đồng USD kể từ đầu năm 2014 và các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách khiến đồng tiền này trở nên dễ bị chi phối hơn bởi vận động của thị trường và nỗ lực vật lộn với sự chững lại của nền kinh tế.

Một số nhà phân tích tin rằng đồng NDT có thể sụt giá thêm 10% nữa vào cuối năm nay khi có nhiều đồn đoán cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chậm đi đáng kể so với dự tính và các động thái của Chính phủ trong việc kiềm chế động lực thị trường đã khiến dòng vốn chảy ra khỏi nước này.

Các doanh nghiệp nhà nước đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ cho các thương vụ mua lại chiến lược.

Ben Cavender, một chuyên gia tại China Market Research Group, cho biết: “Các công ty nhà nước có khá nhiều tiền mặt. Một trong những vấn đề họ gặp phải là không có không gian để tăng trưởng nếu cứ tiếp tục giam mình trong thị trường nội địa”.

ChemChina, khi đồng ý mua nhà sản xuất săm lốp Pirelli & C. SpA của Ý với giá 7,7 tỷ USD vào năm ngoái, đã được hỗ trợ từ một quỹ đầu tư nước ngoài do chủ tịch Tập Cận Bình bảo lãnh.

Trong thương vụ đó, Silk Road Fund Co. – một quỹ đầu tư thuộc quyền kiểm soát của Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước và các thực thể quốc doanh khác – nắm 25% cổ phần trong một công ty con của ChemChina được lập ra để nắm giữ cổ phần của Pirelli.

Theo Rocky Lee, chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước khi mua tài sản ở nước ngoài trong các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM