Vi phạm tác quyền: Vì sao chưa sợ?

03/03/2012 11:02 AM |

Bộ luật Hình sự (BLHS) nước CHXHCN Việt Nam năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định về tội danh “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” cùng với các hình phạt tương ứng rất cụ thể.

 Thế nhưng, thực tiễn trong thời gian qua, điều luật này không chỉ ít được áp dụng, mà điều đáng nói là càng chưa được áp dụng đối với những hành vi vi phạm tác quyền có quy mô, có tổ chức… Vì sao có nghịch lý đó?
 
Điều 170a của Bộ luật Hình sự (BLHS) nước CHXHCN Việt Nam năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định về tội danh “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” cùng với các hình phạt tương ứng rất cụ thể. Đó là:

"1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt từ năm mươi triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a/ Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình.

b/ Phân phối đến công chứng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…".

Vấn đề nằm ở chỗ chủ thể của tội danh này chỉ nói đến cá nhân: “Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả…”, trong khi trớ trêu là ở chỗ “tác giả” của những hành vi vi phạm tác quyền có quy mô, có hệ thống lại thường là các tổ chức, pháp nhân.

Việc không đề cập các tổ chức, cá nhân như một chủ thể ở tội danh này nói riêng và hầu hết các tội danh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung chính là khó khăn, vướng mắc làm cho người thực thi ngán ngại, dù tính chất, quy mô của những vi phạm này là tương đối rõ.

Mặt khác, quy định về người bị hại trong tố tụng hình sự cũng không hề đề cập đến trường hợp khi bên bị hại, tố cáo là tổ chức, pháp nhân. Điều này thêm một lần nữa cũng là một rào cản khó vượt qua đối với cơ quan điều tra trong vụ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

Từ trước tới nay, pháp luật hình sự nước ta đã không coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm dựa trên nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và tính mục đích của hình phạt.

Trên cơ sở lý luận pháp nhân là tập thể của những con người cụ thể, và hành vi vi phạm của pháp nhân được thực hiện bởi một hoặc nhiều đối tượng, nên pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự mà là những người (thể nhân) đã thực hiện các hành vi vi phạm.

Do đó, hình phạt sẽ không có tác dụng nếu áp dụng với pháp nhân mà không được áp dụng với con người cụ thể.

Chính vì quan điểm này, trong thời gian qua, cơ quan hữu trách đã không thể xử lý được nhiều vụ vi phạm của các tổ chức, pháp nhân, nhất là nhóm tội phạm kinh tế, dù đã gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, lợi dụng kẽ hở của pháp luật.

Không riêng gì những vi phạm về tác quyền, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã cố tình vi phạm pháp luật gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng qua các hành vi: làm hàng giả, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường…

Không ít trường hợp một số cá nhân còn núp bóng cơ quan nhà nước để kinh doanh trái phép, nhập hàng lậu…

Trong khi ở Việt Nam, việc có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hay không vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau, thì tại những quốc gia có nền kinh tế phát triển, quan điểm coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm đã có từ lâu và được chính thức thừa nhận.

Chẳng hạn, Điều 2.07 BLHS mẫu của Mỹ quy định, pháp nhân bao gồm các công ty và hiệp hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi không thực hiện những nghĩa vụ, nhiệm vụ mà luật quy định.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hình sự khẳng định: cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng "một chủ trương được cả tập thể quyết định rồi dẫn đến làm sai, nhưng chỉ có một cá nhân chịu trách nhiệm".

Thực tế, dù mới được sửa đổi năm 2009, BLHS nước ta đã bộc lộ nhiều bất cập.

Trong trường hợp người đại diện cho pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội, nếu pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với người đó mà không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, trong khi chính pháp nhân lại được hưởng nhiều lợi ích từ hành vi phạm tội mang lại, thì pháp luật đã bỏ lọt tội phạm.

Và đây rõ ràng như yếu tố khuyến khích những hành vi sai trái của pháp nhân.

BLHS sửa đổi cần mạnh dạn quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp (DN) cố tình vi phạm và chấp nhận đóng phạt ở một mức “sẵn sàng”.

Nếu quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong tương lai được thể hiện tại BLHS thì nguyên tắc mọi hành vi phạm tội không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật sẽ được củng cố.

Đây sẽ là điều kiện quan trọng bảo đảm hiệu quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay.

Song song đó, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng cần sửa đổi theo hướng đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại thì chỉ quy định khởi tố khi có yêu cầu mà thôi, không cần phải khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nữa.

Có như vậy việc xử lý hình sự đối với các tội danh đang vướng mắc, trong đó có loại tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mới thông suốt.  


Theo Luật gia Nguyễn Thị Mỹ Xuân
DNSG
 

duchai

Cùng chuyên mục
XEM