Vào TPP, ngân hàng Việt sẽ không loại trừ khả năng bị "thâu tóm"

12/02/2016 08:25 AM | Kinh doanh

Sẽ không loại trừ khả năng nếu các ngân hàng không kiểm soát tốt sẽ bị thâu tóm hoặc bị mua lại khi các ngân hàng Việt Nam cởi mở dần “room” cho nhà đầu tư và đối tác chiến lược nước ngoài sau khi gia nhập TPP.

Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết tại thành phố Auckland, New Zealand.

Việc tham gia Hiệp định TPP được coi là một bước đi quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và được xem như cơ hội lớn để Việt Nam đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo nội dung cam kết về ngành ngân hàng tài chính trong TPP gồm các điểm chính: mở rộng cam kết về mở cửa thị trường, trong đó lưu ý các tổ chức tài chính trong 12 nước được cung cấp và nhận dịch vụ xuyên biên giới; tăng cường minh bạch hóa, bảo hộ đầu tư với cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả; không phân biệt quốc tịch nhân sự cấp cao; cho phép áp dụng các ngoại lệ và các quy định quản lý thận trọng,…

TPP khác gì WTO trong lĩnh vực tài chính ngân hàng?

TPP cho phép 12 nước thành viên cung cấp các dịch vụ ngân hàng xuyên biên giới trong khối, tức là được phép khai thác chung khách hàng. Điều này có nghĩa, cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng ở bất kỳ ngân hàng nào trong 12 nước thành viên TPP mà ngân hàng đó không cần mở chi nhánh tại Việt Nam như trước và ngược lại.

Đây cũng là điểm khác so với WTO. Trước đây, WTO cho phép các ngân hàng mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại thị trường nước thành viên nhưng chưa cho phép cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tiếp như TPP, các ngân hàng được quyền cung cấp dịch vụ từ xa sang thị trường nước khác vì thế mức độ cạnh tranh chắc chắn sẽ khốc liệt hơn.

Về vấn đề nhân sự, TPP yêu cầu các nước thành viên không phân biệt quốc tịch khi tuyển dụng nhân sự cấp cao, tức là các tổ chức, doanh nghiệp trong TPP không được từ chối nhân sự quốc tịch nước khác trong TPP, bất kỳ lãnh đạo cấp cao mang quốc tịch nào cũng sẽ được tham gia điều hành.

Một điểm chặt chẽ hơn WTO, TPP yêu cầu các ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại phải minh bạch, cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ chi tiết và cập nhật hơn…

Về bảo hộ đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ phải ứng xử công bằng với tất cả nhà đầu tư. Đồng thời, các nhà đầu tư có thể kiện trực tiếp tổ chức, Chính phủ đó lên Ủy ban TPP nếu họ không chứng minh được sự minh bạch và công bằng trong khi phân bổ các cơ hội cho đầu tư của mình. Ví dụ, ngân hàng Trung ương muốn cấm đoán loại hình dịch vụ của một ngân hàng thì phải đưa ra được lý do và chứng minh có tác động bất ổn đến tài chính, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ của nước đó thì mới được bãi bỏ.

Một chuyên gia trong ngành nhận định tham gia sân chơi TPP, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập. Theo đó, ngành tài chính ngân hàng sẽ có thêm “bước đi thần kỳ” như năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO, song cường độ có thể thấp hơn do những khó khăn còn tồn đọng trong quá trình tái cấu trúc hiện nay.

Ngân hàng Việt có thể đối mặt nguy cơ bị thâu tóm

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho biết, bên cạnh cơ hội mở rộng đối tác, thị phần, thị trường, tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, tuyển dụng nhân tài quốc tế, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm và áp lực cải cách thể chế trong nước;… hệ thống ngân hàng sẽ đối mặt với một cuộc đua cạnh tranh hơn và thách thức “chảy máu chất xám” nếu không quan tâm quản lý nhân tài và có chế độ tốt.

Thêm nữa, cũng sẽ không loại trừ khả năng nếu các ngân hàng không kiểm soát tốt sẽ bị thâu tóm hoặc bị mua lại khi các ngân hàng Việt Nam cởi mở dần “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác chiến lược nước ngoài. Cuối cùng là kiến thức và kỹ năng hội nhập vẫn còn thiếu, chúng ta cần học hỏi thêm.

TS. Phan Hồng Mai, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận định cùng với những cơ hội mở rộng thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm thì một trong những thách thức lớn của các ngân hàng Việt là duy trì thị phần trong nước trước sự thâm nhập của các ngân hàng lớn trong khu vực, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ mất thị phần ngay trên “sân nhà”. Thậm chí còn bị mua lại bởi các định chế tại chính lớn trong khu vực, đối mặt nguy cơ bị “thôn tính”.

Trước đó, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định cơ quan này khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại, sáp nhập, hợp nhất với các tổ chức tín dụng trong nước yếu kém phải cơ cấu lại. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nước ngoài có thể xem xét, tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại.

Chính vì vậy, theo nhiều khuyến nghị, khi gia nhập TPP với mức độ cam kết sâu hơn, các yêu cầu cao hơn, đòi hỏi các ngân hàng cần nâng khả năng cạnh tranh về vốn, quản lý tài sản, khả năng thanh khoản và nguồn lực quản lý, đưa ra các sản phẩm về dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Trong thời gian tới các ngân hàng cần thực hiện có kết quả lộ trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn của cả hệ thống, thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp đối với nhóm ngân hàng yếu kém...

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM