Vận tải biển: Nửa chìm, nửa nổi (Kỳ 2)

16/05/2014 14:02 PM | Kinh doanh

Bán tàu cũ kỹ, kém hiệu quả là một trong những giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển áp dụng để giảm lỗ.

Nội dung nổi bật:

- Đội tàu Việt Nam khá già cỗi, chỉ thua Singapore trong khối ASEAN với tuổi tàu trung bình khoảng 13 năm. Thậm chí, 5/13 tàu của VNA có tuổi từ 25 năm trở lên.  Vì thế, các tàu của Việt Nam vốn yếu thế trong cạnh tranh với tàu ngoại lại càng thêm "khó ngóc đầu dậy". Bán tàu cũ kỹ, kém hiệu quả là một trong những giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển áp dụng để giảm lỗ.

- Các công ty sẽ tiếp tục hoạt động ra sao một khi bán đi tài sản? Phía trong cuộc cho rằng, đa phần tàu bán đi đều là những tài sản đã hết hạn khấu hao, chuẩn bị lên đà sửa chữa lớn. Đây cũng là những tàu có mức tiêu thụ nhiên liệu cao và gặp hạn chế trong khai thác. Bán đi các tàu này tuy trước mắt có thể làm giảm năng lực vận tải nhưng sẽ giúp doanh nghiệp "nhẹ gánh" và thoát lỗ sớm hơn.

- Ngoài ra, nhiều đơn vị đang tìm cách chuyển hướng và mở rộng kinh doanh. Công ty Hàng hải Hà Nội (MHC) đã thành công khi chuyển hướng tập trung vào đầu tư kinh doanh tài chính.



Bán tàu cắt lỗ

Đội tàu Việt Nam khá già cỗi, chỉ thua Singapore trong khối ASEAN với tuổi tàu trung bình khoảng 13 năm. Thậm chí, 5/13 tàu của VNA có tuổi từ 25 năm trở lên.

Công ty Viễn Dương thuộc Vinashin mua 10 tàu vận tải biển (giai đoạn 2006-2007) thì tất cả đều trên 15 năm. Vinalines đầu tư 73 tàu thì 17/73 tàu (chiếm 23,3%) quá tuổi quy định, không được phép đăng ký tại Việt Nam. Vì thế, các tàu của Việt Nam vốn yếu thế trong cạnh tranh với tàu ngoại lại càng thêm "khó ngóc đầu dậy". Bán tàu cũ kỹ, kém hiệu quả là một trong những giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển áp dụng để giảm lỗ.

Tuy nhiên, dù đều có kế hoạch bán tàu thì trong năm 2013, nhiều doanh nghiệp như VNA, Vận tải Hải Âu (SSG) đều không bán được tàu như ý muốn. Theo lý giải từ VNA, giá sắt vụn, giá tàu phải bán xuống mức thấp nhất trong năm 2013 và nhiều đơn vị mua bán tàu gặp khó khăn về vốn.

Sang năm 2014, ban lãnh đạo VNA tiếp tục lên kế hoạch bán 1-2 tàu (Hà Nam, Hà Tiên). Riêng SSG đã thanh lý được tàu Northern Star và thu về lợi nhuận 9,5 tỷ đồng trong đầu năm 2014. Đội tàu của SSG chỉ còn lại Sea Dragon và Sea Dream. Toàn bộ số tiền bán tàu đều dùng trả nợ gốc và lãi vay mua Sea Dragon.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Tổng giám đốc SSG thừa nhận trước cổ đông, vốn lưu động của SSG hiện gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2014, ông Huân kỳ vọng thị trường vận tải biển phục hồi để SSG cân đối được thu chi. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục cho thuê cả 2 tàu theo hình thức cho thuê định hạn để giảm chi phí trả tiền dầu. Kế hoạch của SSG năm 2014 là phấn đấu lãi sau thuế (LNST) 857 triệu đồng.

Không lạc quan như SSG, lãnh đạo Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) đề ra kế hoạch bớt lỗ chứ không hy vọng thoát lỗ. Cụ thể, VST dự kiến lỗ 179,12 tỷ đồng năm 2014, giảm so với mức âm 223,65 tỷ đồng của năm 2013. Trong năm 2014, VST tiếp tục lên kế hoạch bán tàu. Ngoài tàu Viễn Đông 3 đã được lên kế hoạch bán từ năm 2013, VST sẽ bán thêm tàu VTC Sky. Nếu bán được cả 2 tàu này, VST sẽ cắt bớt lỗ, khoảng 17 tỷ đồng.

Bán tàu đã giúp các công ty thêm nguồn tiền trang trải nợ nần. Năm 2013, nợ phải trả của VST chiếm 88,64% tổng tài sản và cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu. Vì thế, với các doanh nghiệp, giảm được nợ vay, dù chỉ ở mức 2,4% như VST đã làm trong năm 2013 thì đã là kết quả đáng mừng.

Mức lãi vay mà các công ty vận tải biển phải chịu hiện khoảng 13-15%/năm, cao hơn con số 8-9%/năm đang áp dụng cho những ngành nghề khác. Theo một giám đốc công ty vận tải biển, do các khoản nợ này là nợ vay từ trước, ở diện nợ quá hạn, nợ xấu nên các ngân hàng vẫn áp dụng lãi cao.

Thương lượng với các ngân hàng để khoanh, giãn nợ, giảm bớt áp lực lãi vay được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các công ty vận tải biển. Đơn cử, VST đã được phép giãn nợ và phân bổ trả nợ từ năm 2016 trở đi.

Tình hình hoạt động ở một số doanh nghiệp vận tải biển

Trước mắt, các công ty tiếp tục rà soát, tìm cách giảm các chi phí để hạn chế thua lỗ. Từ 9/2012, VOS đã tiến hành giảm lương trong toàn công ty, cấp lãnh đạo giảm 10%, cấp quản lý giảm 7%, cán bộ, nhân viên giảm 5%. Ngoài ra, VOS tìm cách cho thuê tàu định hạn để không bị rủi ro chi phí nhiên liệu.

Nhờ đó, trong quý I/2014, giá vốn hàng bán của VOS đã giảm 55 tỷ đồng so với cùng kỳ. Và cũng như các công ty khác, VOS đẩy mạnh bán tàu. Sau khi bán 4 tàu Golden Star, Morning Star, Polar Star và Ocean Star vào năm 2013, VOS dự kiến bán tiếp 2 tàu Vĩnh Phước và Diamond trong năm nay. Nếu tình hình quá khó khăn, công ty sẽ bán thêm tàu Silver Star và xem xét đến việc chuyển nhượng một số bất động sản sử dụng không hiệu quả tại một số chi nhánh.

Những gì có thể chuyển hóa được thành tiền để có thêm nguồn trang trải nợ nần và chi phí đều được các công ty "đụng đến". Chính vì thế, đã có ý kiến quan ngại, các công ty sẽ tiếp tục hoạt động ra sao một khi bán đi tài sản? Phía trong cuộc cho rằng, đa phần tàu bán đi đều là những tài sản đã hết hạn khấu hao, chuẩn bị lên đà sửa chữa lớn. Đây cũng là những tàu có mức tiêu thụ nhiên liệu cao và gặp hạn chế trong khai thác. Bán đi các tàu này tuy trước mắt có thể làm giảm năng lực vận tải nhưng sẽ giúp doanh nghiệp "nhẹ gánh" và thoát lỗ sớm hơn.

Báo cáo của hầu hết các công ty vận tải biển đều khẳng định, từ sau năm 2015, các công ty sẽ tiến hành cơ cấu lại đội tàu theo hướng trẻ hóa, tăng trọng tải và đa dạng các loại tàu. Đơn cử, cùng với liên tục bán tàu, VOS đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng số lượng tàu từ 22 chiếc (năm 2013) lên 31 tàu với tổng trọng tải trên 1 triệu DWT, bao gồm tàu hàng khô, hàng rời chuyên dụng, tàu dầu, tàu chở khí, hóa chất, tàu chở dầu thô, tàu container...

Ngoài ra, nhiều đơn vị đang tìm cách chuyển hướng và mở rộng kinh doanh. Công ty Hàng hải Hà Nội (MHC) đã thành công khi chuyển hướng tập trung vào đầu tư kinh doanh tài chính.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc MHC xác nhận, tăng trưởng lợi nhuận năm 2013 gấp 3 lần năm 2012 chủ yếu nhờ đầu tư vào cảng Hải An. Sang năm 2014, MHC tiếp tục duy trì các khoản đầu tư hiệu quả cũng như tìm kiếm đầu tư vào những công ty có liên quan đến ngành nghề của MHC nhưng tăng trưởng tốt.

>> Vận tải biển: Nửa chìm, nửa nổi (Kỳ 1)

Theo Ngọc Thủy

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM