Vận đen ám ảnh "Dâu đen"

25/12/2014 08:39 AM | Kinh doanh

Phải chăng thời vận của BlackBerry đã hết khi mọi cố gắng tung ra sản phẩm mới đều không đưa thương hiệu nổi tiếng một thời này thoát khỏi tình cảnh bi đát.

Hai năm nay, BlackBerry luôn mấp mé bên bờ vực phá sản do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn như Apple hay Samsung, và nhất là sự chậm đổi mới của chính BlackBerry. Từ một biểu tượng của công nghệ, BlackBerry đang vẫy vùng cạnh tranh ở nhóm dưới với mục tiêu đơn giản là "để tồn tại".

Hồi đầu năm nay, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar báo cáo thị phần của BlackBerry giảm 0,4% tại Mỹ, 1,5% tại châu Âu, và tới 2,8% tại ba thị trường lớn tại châu Mỹ Latinh là Brazil, Mexico, Argentina. Trong bản báo cáo mới nhất, Kantar còn không buồn liệt kê tên của BlackBerry khi so sánh với iOS, Android và Windows Phone, mà đưa vào hạng mục "các nền tảng khác".

Hiện tại, doanh thu của BlackBerry được chia làm hai phần chính: 46% đến từ việc kinh doanh thiết bị di động và phần còn lại là từ mảng phần mềm và dịch vụ. Kể từ khi BlackBerry lâm khủng hoảng, lối thoát cho tập đoàn công nghệ của Canada này là phát triển phần mềm doanh nghiệp. BlackBerry đã mua lại công ty chuyên cung cấp các giải pháp bảo mật trên thiết bị di động Secusmart. Sự đầu tư này đã giúp doanh thu từ nền tảng BlackBerry Enterprise Security tăng hơn 100% trong ba tháng sau đó.

Tuy nhiên, trong mảng smartphone, BlackBerry dường như đang phải bắt đầu từ con số 0. Theo các số liệu thống kê mới nhất, trong năm 2013, BlackBerry chỉ bán được 19,2 triệu điện thoại thông minh, so với 51,1 triệu chiếc của năm 2011.

Ước tính, thị phần toàn cầu smartphone của BlackBerry tiếp tục sụt giảm, với việc số lượng điện thoại xuất khẩu của Hãng dự kiến giảm gần 50%, xuống còn 9,7 triệu chiếc trong năm 2014. Theo Bloomberg, thị trường của BlackBerry giờ chỉ còn thu hẹp ở Trung Đông và châu Á, trong đó, tính đến cuối tháng 3 vừa rồi, doanh số của BlackBerry tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chiếm 16% trong tổng doanh số.

Vị CEO mới của BlackBerry là John Chen vẫn có thể hy vọng Tập đoàn có thể xoay chuyển tình thế để trở lại là một thương hiệu điện thoại hàng đầu và có lợi nhuận đến trước năm 2016. Hy vọng này được gửi gắm trong hai sản phẩm mới ra mắt là BlackBerry Passport thiết kế vuông đặc biệt và mẫu smartphone tầm trung BlackBerry Classic, đánh dấu sự trở lại của các phím điều hướng và track pad quen thuộc trên dòng sản phẩm BlackBerry Bold nổi tiếng trước đây.

Tuy nhiên, BlackBerry đang cạnh tranh trong thế cửa dưới khi thương hiệu Dâu Đen không còn là smartphone được định vị cao cấp như iPhone hay Samsung. Vì thế, BlackBerry Passport dù được ra mắt hoành tráng nhưng nhanh chóng mờ nhạt trên thị trường. Tại Mỹ, kể từ năm sau, nhà mạng sẽ không phân phối Passport nữa. Nói cách khác, sản phẩm thiết kế đặc biệt này tiếp tục là một thất bại mới của BlackBerry.

Các sản phẩm mới của BlackBerry ra mắt hồi đầu năm là Q10 và Z10 đến nay dù hạ giá thảm hại nhưng vẫn rơi vào tình cảnh ế ẩm. Theo nhà phân tích Chris Hazelton, mẫu Classic sẽ có vai trò chủ lực là thuyết phục các doanh nghiệp lớn chuyển sang sử dụng dịch vụ của BlackBerry và mang đến cho họ lý do để nâng cấp hệ thống, chẳng hạn như tăng cường bảo mật. Chưa biết tương lai thế nào nhưng sản phẩm BlackBerry Classic ra mắt khá bất lợi khi được tung ra thị trường vào thời điểm hậu kỳ nghỉ lễ và thường sức mua không mấy sôi động.

BlackBerry vẫn không cải thiện được những lỗi từng khiến thương hiệu này lâm vào tình cảnh bi đát như hiện nay: tiếp thị không ấn tượng, màn hình chưa đủ lớn, không có hệ sinh thái hỗ trợ. Trong đó, một nguyên nhân khiến Apple và Samsung thống trị trong thế giới di động là họ có hệ sinh thái sản phẩm vững vàng.

Apple và Samsung cũng có những sản phẩm trong phòng khách gia đình như Apple TV, Samsung Smart TV. Do đó, BlackBerry càng khó khăn hơn khi chỉ có một thiết bị độc nhất và không thể kết nối với các sản phẩm loại khác...

 

Trong một cái nhìn không mấy lạc quan về tương lai của BlackBerry, Công ty Nghiên cứu thị trường IDC cho biết thị phần toàn cầu của BlackBerry ước tính giảm xuống 0,8% trong năm 2014 và sẽ chỉ còn 0,3% vào năm 2018. BlackBerry tiếp tục mất thị phần khi thị trường smartphone toàn cầu có sự tăng trưởng nhảy vọt, với doanh số năm 2014 dự kiến đạt 1,2 tỷ chiếc, tăng 23,1% so với năm 2013.

Do đó, câu hỏi liệu thương hiệu BlackBerry có thể tồn tại hay không tiếp tục được đặt ra. Dù BlackBerry đã cố gắng nhưng vận đen dường như vẫn ám ảnh Dâu Đen như câu nói "hết thời cố mấy cũng như không".

>> John Chen có mang ánh hào quang trở lại với BlackBerry?

Theo Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM