Vắc xin biến nuôi khỉ thành ngành kinh doanh lớn tại Mỹ như thế nào?

28/12/2015 14:03 PM | Kinh doanh

Mỗi năm có khoảng 20.000 hoặc hơn chú khỉ được chở bằng máy bay từ những vùng nhiệt đới vào Mỹ, những nông trại mọc lên như nấm.

Những trang trại nuôi khỉ tại Florida

Susan Campbell lần đầu tiên nghe về những nông trại khỉ từ người hàng xóm của cô có tên William Stephens. Đó là vào mùa hè năm 2013, một vài người đã mua những khoảng đất rộng vùng nông thôn tại trung tâm phía nam Florida và bắt đầu xây dựng chuồng trại để nuôi khỉ. Những thông tin mà Campbell nhận được khá mơ hồ với kế hoạch được đã được phê duyệt loeen tới 3.000 con khỉ tại những nông trại này.

Gia đình Campbell sống tại vùng ngoại ô của LaBelle, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Caloosahachee. Nơi đây thuộc Hendry County, một vùng có khí hậu khá nóng bức với nhiều trang trại trồng các giống cây nhiệt đới như cam quýt, tiêu, dưa hấu hay nuôi lợn. Và mới đây nhất đã có thêm các doanh nghiệp gia nhập Hendry County chuyên nhập khẩu và nuôi khỉ để bán cho những tổ chức nghiên cứu y sinh học.

Trong hàng thập kỷ, những nhà hoạt động bảo vệ động vật đấu tranh công khai chống lại những công ty này với lập luận không cần thiết và vô đạo đức khi dùng khỉ làm vật thử nghiệm. Gần đây họ đã đạt được một số chiến thắng khi một số hãng hàng không như American Airlines, United, Delta cam kết công khai không chuyển những chú khỉ phục vụ cho nghiên cứu vào Mỹ.

Và mục tiêu của tổ chức này chuyển sang vùng quê Hendry County với các cuộc biểu tình kèm theo những dòng chữ như “Dừng hoạt động kinh doanh khỉ tại Hendry County!” hay khẩu hiệu “Đừng biến nơi đây từ thiên đường thành địa ngục trần gian cho các loài linh trưởng và tất cả chúng ta…Trả tự do cho lũ khỉ. Hãy để chúng về với tự nhiên.”


Những lồng nuôi khỉ tại các trang trại.

Những lồng nuôi khỉ tại các trang trại.

Mỗi năm có khoảng 20.000 hoặc hơn chú khỉ được chở bằng máy bay từ những vùng nhiệt đới vào Mỹ, những nông trại nuôi khỉ mọc lên như nấm. Mặc dù số lượng tương đối nhỏ nhưng những chú khỉ này đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản và y tế, Matthew Bailey, phó chủ tịch hiệp hội điều hành nghiên cứu y sinh học quốc gia cho biết.

Trước khi một loại thuốc hay vacxin mới được đưa ra thị trường, Cục quản lý dược phẩm Hoa Kỳ yêu cầu buộc phải tiến hành thử nghiệm an toàn trên động vật. Việc sử dụng khỉ là cần thiết trong tất cả nghiên cứu từ bệnh sốt phát ban, bại liệt cho đến những bệnh nan y hiện nay như Alzheimer, AIDS, Bailey cho biết.

“Nếu bạn đồng ý với những người bảo vệ động vật, bạn nên mở tủ thuốc nhà mình và vứt hết thuốc đi, bao gồm cả thuốc giảm đau cho con của bạn”, ông nói thêm. “Bởi nếu không có các thử nghiệm lâm sàng trên động vật, chúng ta không thể có chúng”. Những khách hàng của các trang trại khỉ không mô tả điều gì sẽ xảy ra với chúng sau giao dịch. Trong khi các nhà hoạt động đe dọa một kịch bản đen tối rằng chúng sẽ được lây nhiễm những căn bệnh như Ebola để thử nghiệm thuốc.

Hoạt động kinh doanh gây tranh cãi

Nhưng tại sao những công ty kinh doanh khỉ lại chọn Hendry County? Paul Houghton có câu trả lời cho vấn đề này.

Ông là chủ đồng thời là người điều hành Primate Products, công ty có trụ sở tại Redwood, California, cũng là công ty đầu tiên kinh doanh khỉ tại Hendry. Năm 1998, sau nhiều năm kinh doanh trong ngành này và dành nhiều thời gian thăm thú tại nước ngoài, ông muốn xây dựng một số trang trại quy chuẩn tại Mỹ có điều kiện thời tiết ấm để nuôi khỉ, sẽ rẻ hơn so với việc nhập khẩu. Nam Texas, Nam Florida là những địa phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Trước đó, năm 1973 công ty y sinh học Charles River Laboratories từng mua 2 hòn đảo tại vùng Keys, thuộc Florida để nuôi hơn 1.000 con khỉ nhập từ Ấn Độ. Ý tưởng của công ty này là nuôi tự nhiên sau đó bắt chúng về phòng thí nghiệm tuy nhiên giống khỉ này nhanh chóng tràn ngập hòn đảo, phá vỡ thảm thực vật và gây ô nhiễm nguồn nước, khiến một số người dân địa phương mắc phải bệnh phong. Các vụ kiện tụng xảy ra và đến những năm 1990, dự án này bị dừng lại và số lượng khỉ trên được di chuyển khỏi đảo.

Houghton nhìn trên bản đồ và thấy Hendry County cách không xa Keys với điều kiện thời tiết phù hợp, lượng lao động lớn và cách cảng hàng không quốc tế Miami chỉ vài giờ lái xe. Năm 2000, ông mở trang trại đầu tiên và xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi khỉ thành từng cụm tại một nhà tù cũ, được kiểm soát chặt chẽ.

Hệ thống này có diện tích gần 3 km2 nuôi từ 1.000-2.000 con khỉ nâu và khỉ đuôi dài nhập từ Việt Nam, Trung Quốc và Mauritius. Công ty này không bán khỉ cho nhà sưu tập hay vườn thú mà chỉ kinh doanh với những đơn vị nghiên cứu y sinh học như Hiệp hội sức khỏe quốc gia, Đại học Duke, AstraZeneca. Primate Products là một công ty tư nhân và không tiết lộ bất kỳ thông tin tài chính nào nhưng có thể thấy họ kiếm tiền khá dễ dàng.


Những nhà hoạt động xã hội biểu tình tại Hendry County.

Những nhà hoạt động xã hội biểu tình tại Hendry County.

Lũ khỉ được nuôi trong hàng chục chiếc lồng ngoài trời, mỗi chiếc có kích thước bằng sân tennis với đồ chơi, trái cây và thức ăn dạng viên. Chúng được thiết kế để tạo điều kiện cho khỉ tương tác với nhau, chống lại được các trận bão và giảm thiểu nguy cơ trốn thoát. Khỉ được đánh số trên ngực hoặc chân bằng mực đen.

Primate Products sở hữu khoảng 10% số lượng khỉ, phần còn lại thuộc về các đại lý, chủ yếu là từ nước ngoài. Công ty này đại diện nhập khẩu khỉ cho các đối tác, hoàn thiện yêu cầu kiểm dịch trong 6 tuần và sau đó nuôi dưỡng một thời gian và bán chúng. Giá của một chú khỉ là 3.400 USD. Công ty này cũng có thể bán máu khỉ, mẫu mô và các vật liệu sinh học khác hay đào tạo kỹ năng làm việc với khỉ sau khi giao dịch.

Công ty này có những công nhân chuyên đào tạo khỉ để chúng hợp tác với các nhà khoa học tốt hơn trong phòng thí nghiệm thông qua đồ chơi và phần thưởng. “Thay vì sử dụng thuốc an thần, chúng tôi đào tạo lũ khỉ để chúng làm việc với mình”, nhân viên này cho biết. “Chúng là những động vật thông minh. Bạn có thể có mối quan hệ làm việc tốt đẹp với chúng”.

Houghton bắt đầu việc buôn bán khỉ vào những năm 1970. Sau khi tốt nghiệp ngành sinh học, ông làm việc cho Stanford Research Institute chuyên nghiên cứu về động vật linh trưởng.

Tại thời điểm này, các kỹ thuật viên tại các phòng thí nghiệm thường trấn áp các động vật nghiên cứu và có thể dẫn tới chấn thương cho chúng, ít nhất là khiến chúng bị kích động trong khi thí nghiệm. Houghton từng làm nhiều công việc khác nhau tại viện nghiên cứu này. Năm 1980, ông mở Primate Products và bắt đầu bán thiết bị thí nghiệm và dịch vụ cho các tổ chức nghiên cứu.

Một trong những sáng kiến đầu tiên của Houghton là kỹ thuật di chuyển khỉ vào phòng thí nghiệm. Khỉ của Primate Products được huấn luyện để đeo quanh cổ thiết bị kết nối với một thiết bị cầm tay của nhân viên. Dụng cụ này giúp khỉ giữ được bình tĩnh và dễ dàng hơn cho các kỹ thuật viên.

Đến giữa những năm 1980, có khách hàng hỏi mua khỉ của Houghton nhưng ông trả lời không nhưng cũng khá tò mò. Sau khi tham quan các đối tác giao dịch tại nước ngoài, ông nhận ra hệ thống này không hiệu quả khi họ bẫy chúng từ rừng và nhanh chóng chuyển đến Mỹ khiến khỉ bị shock và chết trên đường vận chuyển. Số sống sót mang nhiều loại bệnh và lây truyền cho nhân viên tại các phòng thí nghiệm.

Từ đó Houghton lên ý tưởng nhập khẩu khỉ nhưng trước khi cung cấp cho các phòng thí nghiệm sẽ được đào tạo để thích nghi với con người, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ hơn về kiểm dịch.

Mặc dù vậy công ty của Houghton hiện đang đối mặt với những nhà hoạt động bảo vệ động vật như việc hơn 80.000 người gửi thư thông qua Tổ chức bảo vệ động vật PETA yêu cầu đóng cửa Primate Products.

Về phía Houghton cho rằng: “Chúng ta đang nói về đạo đức cơ bản, nó là cái gì?”. “Đó là quyền cố gắng và giúp đỡ những người bị bệnh? Đó là quyền cố gắng và chữa trị bệnh tật? Hay quyền phải để cho con người đau khổ và chết vì những căn bệnh? Đó là quyết định cơ bản mà bạn đang nói đến. Hoặc bạn chiến đấu lại những bệnh tật của loài người hoặc không. Còn tôi hoàn toàn cam kết với chính lương tâm của mình về những điều chúng tôi đang làm”.

“Họ là những người cuồng tín”, ông nhận xét về những nhà hoạt động xã hội. “Nhưng thực lòng mà nói, tôi cũng vậy”.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM