Ưu đãi cho Toyota, Việt Nam thiếu đi "vật ngang giá" xứng tầm?

14/04/2015 09:30 AM | Kinh doanh

Ở góc độ Doanh nghiệp, các công ty chỉ đơn giản quan tâm tới hiệu quả kinh doanh: Làm sao chi phí thấp nhất và lợi nhuận cao nhất. Vấn đề là chính sách phải làm gì để có được một "vật trao đổi đồng giá"?

Nội dung nổi bật:

- Chỉ một lời nói của Toyota trong buổi lễ nội bộ cũng đủ khiến ngành công nghiệp ô tô dậy sóng. Toyota đang là nhà sản xuất ô tô có thị phần lớn nhất Việt Nam, vừa là "đầu tàu" thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô.

- Thực tế, Toyota Việt Nam chưa giúp gì nhiều cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Việc ưu đãi cho những DN nước ngoài không những không giúp cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, mà còn khiến các DN ô tô trong nước cũng không thể phát triển nổi.

- Ở góc độ doanh nghiệp, các công ty chỉ đơn giản quan tâm tới hiệu quả kinh doanh: Làm sao chi phí thấp nhất và lợi nhuận cao nhất. Vấn đề là chính sách phải làm gì để có được một "vật trao đổi đồng giá"?


Khi ‘vai chính’ cất tiếng

Đầu tháng 4, phát biểu tại một cuộc họp tổng kết năm tài chính 2014, lãnh đạo Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, công ty này đang cân nhắc việc ngừng sản xuất ô tô tại Việt Nam. Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc của công ty này cho biết, đây là một viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra trong bối ngành công nghiệp ôtô trong nước phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Chỉ với một câu nói trong buổi lễ tổng kết nội bộ của Toyota, cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam dậy sóng. Người ta lo ngại cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cứ như thể, Toyota Việt Nam với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là một vậy.

Mối liên hệ này không phải vô cớ. Tại Việt Nam, Toyota Việt Nam là số 1 về xe du lịch. Họ là nhà sản xuất có thị phần lớn nhất trong số các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Theo thống kê của VAMA, tổng lượng xe bán ra trong năm 2014 của Toyota đạt 41.205 chiếc, tăng 24% so với năm 2013. Năm 2014 cũng chứng kiến kỷ lục mới về xuất khẩu của Toyota Việt Nam với tổng giá trị kim ngạch 40 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu cộng dồn lên mức 286 triệu USD.

Không chỉ số 1 về thị phần, quan trọng hơn, từ khi bắt đầu vào Việt Nam đến nay, tức là gần 20 năm, Toyota luôn được coi là “đầu tàu” trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng một ngành công nghiệp ô tô hiện đại, phát triển. Khi vai chính này có ý định rời sàn diễn, đạo diễn ắt đứng ngồi không yên.

Câu chuyện 20 năm

Câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng tương tự như nhiều quốc gia đang phát triển khác, như Thái Lan chẳng hạn.

Để hướng tới một ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh, chúng ta định hướng một quá trình chuyển đổi qua các giai đoạn: Đầu tiên là chuyển dần xe nhập khẩu nguyên chiếc sang xe lắp ráp tại Việt Nam, tiếp theo là thay thế các phụ tùng, linh kiện của xe nhập bằng linh kiện, phụ tùng nội. Thứ ba là nâng cấp dần để có thể chuyển đổi sang các linh kiện cao cấp hơn. Và cuối cùng tới giai đoạn cao nhất là có thể phát triển và thiết kế sản phẩm.

Muốn kế hoạch phát triển công nghiệp ô tô trên thành công, cần sự tham gia của một "mắt xích" then chốt: Các nhà sản xuất ngoại. Đó là Toyota và nhiều nhà cái tên lớn khác của ngành sản xuất ô tô Thế giới. Nhóm này sẽ dẫn đầu và định hướng cho các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Tất nhiên họ làm không công. Việt Nam cung cấp cho các nhà sản xuất này rất nhiều ưu đãi. Đó là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, cùng với đó là chi phí sản xuất (giá điện, nhân công,...) thấp hơn nhiều so với thế giới.

Về mặt pháp lý, chính sách không thấy sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân nhưng xét từ bản chất của các quy định và trường hợp cụ thể, dễ dàng nhận thấy những khác biệt trong ưu đãi đầu tư giữa 2 khu vực.

Theo đó, khối các doanh nghiệp FDI được ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa là 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Trong thực tiễn, chưa tìm được trường hợp nào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được hưởng mức miễn giảm vượt khung này.

Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, luật thuế xuất nhập khẩu quy định hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư được miễn thuế xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp FDI được miễn thuế nhập khẩu hầu hết các máy móc thiết bị tạo tài sản cố định.

Các doanh nghiệp ô tô ngoại vào Việt Nam được hưởng ưu đãi kép: Ưu đãi của doanh nghiệp FDI và ưu đãi của doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành ô tô.

Tất cả những ưu đãi này nhằm hướng tới mục tiêu chính là các doanh nghiệp FDI sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hay nói dễ hiểu hơn, đó là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sản xuất được linh kiện cho Toyota hay Honda, được vào trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này,.

Mặc dù vậy, kể từ ngày Toyota vào Việt Nam, đã gần 20 năm chúng ta cho họ hưởng ưu đãi, nhưng chưa một lần tỉ lệ nội địa hóa của ngành ô tô đạt kế hoạch đề ra.

Nhìn lại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2020, tầm nhìn 2030, thì "tới năm 2020, Việt Nam cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng 30 – 40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, chế tạo được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, từng bước tham gia hệ thống cung ứng các linh kiện phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ô tô thế giới".

Ước mơ tới năm 2020 Việt Nam cung cấp 40% linh kiện phụ tùng cho một chiếc ô tô có quá viển vông?

Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện vẫn loay hoay với công nghiệp lắp ráp chứ chưa thể tiến lên nổi công nghiệp phụ trợ, chứ đừng nói đáp ứng tới 30% giá trị hay sản xuất ra được phụ tùng quan trọng cho động cơ.

Đơn cử như Honda Việt Nam. Tỷ lệ nội địa hóa được công bố là 40%, một mức cao so với các doanh nghiệp FDI. Nhưng thực chất, con số 40% tại Honda không phải Việt Nam hóa, mà là các doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam cung cấp linh kiện sản xuất cho Honda. Tức, Honda vào Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không tham gia được vào chuỗi sản xuất của họ. Toyota cũng tương tự.

Việc ưu đãi cho những doanh nghiệp nước ngoài không những không giúp cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, mà còn khiến các doanh nghiệp ô tô trong nước cũng không thể phát triển nổi, do không thể cạnh tranh lại những doanh nghiệp vừa lớn, vừa được ưu đãi nhiều.

"Vật trao đổi đồng giá"

Cùng với AFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ giảm về 0%, xe sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh được với xe nhập vì giá sẽ cao hơn.

Thậm chí chưa cần có việc giảm thuế, với nhu cầu của thị trường, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam năm 2014 cũng đã tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Số lượng cũng như giá trị xe nhập nguyên chiếc đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây

Việc Toyota Việt Nam lên tiếng bỏ ngỏ việc sẽ tiếp tục sản xuất ở Việt Nam nữa hay không giống như một câu hỏi, để chờ Chính phủ có hỗ trợ gì cho nhà sản xuất Nhật Bản này để họ có đủ lợi ích để tiếp tục ở lại.

Chúng ta không thể trách Toyota Việt Nam. Ở góc độ doanh nghiệp, các công ty chỉ đơn giản quan tâm tới hiệu quả kinh doanh: Làm sao chi phí thấp nhất và lợi nhuận cao nhất.

Việt Nam từng là câu trả lời tuyệt vời cho bài toán trên của Toyota. Họ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, hưởng ưu đãi rất lớn. Đến khi ưu đãi không còn, việc Toyota rời đi không có gì lạ.

Vấn đề là, khi cung cấp cho Toyota những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp này phát triển, tăng trưởng nhưng lại thiếu đi một “vật trao đổi đồng giá”. Chính sách đưa ra chưa đủ chặt chẽ với những cam kết không đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp nước ngoài thực thi theo đúng mong muốn của Chính phủ.

Với một doanh nghiệp mang tầm quốc tế, việc chuyển giao công nghệ không đơn giản. Các doanh nghiệp sẽ phải lo ngại nhiều về vấn đề bằng sáng chế và vị thế độc quyền của mình. Đó cũng là lý do rất nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn của thế giới rời nhà máy khỏi Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia đang phát triển khác.

Nhìn lại, gần 20 năm ở Việt Nam, hai điểm Toyota đóng góp nhiều nhất đó là tiền thuế và giải quyết vấn đề việc làm.

Cụ thể, Toyota Việt Nam luôn nằm trong top 10 các doanh nghiệp FDI đóng thuế nhiều nhất Việt Nam, với số thuế thu nhập nộp năm 2013 vào khoảng 500-600 tỷ đồng (con số hẳn khiến ngành thuế vui mừng). Công ty này hiện giải quyết khoảng 1.400 việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi nhất, một ngành công nghiệp ô tô phát triển như quy hoạch đề ra, thì lại hoàn toàn “dậm chân tại chỗ”.

Vấn đề của Toyota giống như một phép thử cho Chính sách với toàn ngành công nghiệp ô tô. Câu trả lời của Việt Nam với Toyota sẽ như thế nào? 20 năm cho một sự thay đổi, liệu có quá muộn?

>> Không DN Việt Nam nào vào được chuỗi cung ứng của Toyota

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM