Từ Bóng đá Thái ngẫm đầu tư Thái: Doanh nghiệp Việt có sợ thua 3 trắng?

23/10/2015 11:22 AM | Kinh doanh

Có một khoảng cách lớn giữa thực lực của Thái Lan và Việt Nam, khi nhìn nhận ở khía cạnh doanh nghiệp. Nếu quy mô DN chúng ta vẫn thua kém đa phần các quốc gia trong khu vực thì từ lâu, người Thái đã phát triển được những DN lớn không thua kém DN Mỹ hay châu Âu.

Ngày 13/10, trước cuộc đối đầu với tuyển bóng đá Thái Lan , những thống kê cho thấy trong số 20 lần gặp mặt, chúng ta mới chỉ có đúng 2 chiến thắng trước người Thái, trong khi có tới 14 trận thua. Và trận cầu trên sân Mỹ Đình tuần qua, đã đánh dấu trận thua thứ 15 của tuyển Việt Nam. Tỉ số 3 – 0 phản ánh đúng cục diện trận đấu khi người Thái chơi hoàn toàn lấn lướt ngay trên sân nhà của người Việt.

“Đội hình Việt Nam có nhiều cầu thủ trẻ, thiếu kinh nghiệm nên chúng tôi đã dễ dàng áp đặt lối chơi và giành chiến thắng”. Lời nhận xét của HLV Kiatisuk trong buổi họp báo sau trận đấu, có lẽ đúng với cả trong lĩnh vực kinh doanh.

Đội hình: 1 – 0 cho Thái Lan

Nếu thử làm một vài phép so sánh giữa DN Việt Nam và Thái Lan đang hoạt động trong nước ta, có thể thấy một khoảng cách lớn giữa thực lực giữa DN Thái và DN Việt. Nếu quy mô DN chúng ta vẫn thua kém đa phần các quốc gia trong khu vực thì từ lâu, người Thái đã phát triển được những DN lớn không thua kém DN Nhật, Mỹ hay châu Âu.

ThaiBev, tập đoàn nước giải khát đang nắm giữ 10% cổ phần Vinamilk và “ngỏ ý” muốn mua lại 40% cổ phần của bia Sài Gòn (Sabeco), có doanh thu đạt 4,68 tỉ USD, gấp 3 lần doanh thu của Vinamilk hay Sabeco, những “cầu thủ” giỏi nhất của Việt Nam trong ngành này.

Tổng công ty xi măng Việt Nam (VICEM), là một trong những DN Nhà nước làm ăn rất phát đạt. Năm 2014, doanh thu của Vicem đạt 23 nghìn tỉ đồng, tương đương với hơn 1 tỉ USD. Nhưng con số này nếu so với Siam Cement (SCG) – tập đoàn xi măng Thái Lan thâu tóm gạch Prime và đầu tư mua lại một số nhà máy xi măng của Việt Nam thì còn quá nhỏ bé. Doanh thu của SCG trong năm 2014 đạt 13,6 tỉ USD.

Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, CP Group của người Thái không có đối thủ trong khu vực.

Sự khác biệt về quy mô, một phần cũng đến từ việc “non kinh nghiệm”. SCG là tập đoàn đã có tuổi đời lên đến 100 năm, quá mạnh ở thị trường trong nước và nổi tiếng với những hoạt động M&A trong khu vực. Các tập đoàn lớn này đa phần cũng thuộc về nền kinh tế tư nhân. Trong khi đó, DN lớn của Việt Nam như VICEM, hay Sabeco vẫn đang khoác chiếc áo DN nhà nước.

Sự khác biệt còn đến từ một hệ thống các DN có liên kết với nhau chặt chẽ. Hầu hết các DN lớn của Thái Lan đều hoàn thành một hệ sinh thái khép kín cho riêng mình, Chẳng hạn, ThaiBev chuyên sản xuất đồ uống mới chỉ là 1 nhánh trong 3 nhánh lớn của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakd, bên cạnh Thaibev là người anh em Berli Jucker chuyên về vỏ lon/vỏ chai và TTC Land chuyên về thâu tóm bất động sản.

Đây cũng đều là những tập đoàn lớn và có tham gia đầu tư vào Việt Nam. BJC thì ngoài thương vụ với Metro ai cũng biết, thì còn có nhà máy sản xuất lon nước lớn cung cấp vỏ lon cho hầu hết các hãng nước giải khát trên thị trường nước ta. TTC Land thì ít đầu tư vào Việt Nam hơn, nhưng cũng nắm trong tay quyền chi phối với khách sạn 5 sao Melia ở trung tâm Hà Nội.

Chiến lược: 2 - 0

Thực tế là dù chúng ta nghe nói nhiều tới các DN Thái Lan, nhưng vốn đầu tư trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam không nhiều. Trái với người Hàn hay người Nhật luôn xếp vị trí đầu bảng, người Thái chỉ xếp thứ 10 trong số những quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Số tiền đầu tư cũng rất khiêm tốn. 1,54 tỉ USD cho 153 dự án. Dù lượng đầu tư trực tiếp hứa hẹn sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới, thông qua một số dự án lớn như dự án lọc dầu ở Nhơn Hội nhưng nhìn chung, người Thái có cách gây ấn tượng rất khác biệt.

Đó là chiến lược M&A. Để thiết lập hệ thống tại thị trường mới, M&A được xem là con đường tắt nhanh và hiệu quả.

Có thể dễ dàng kể ra nhiều thương vụ M&A nóng nhất Việt Nam thời gian qua có liên quan đến các DN Thái Lan. Năm 2014, thương vụ M&A lớn nhất Viêt Nam giữa Metro Việt Nam và Berli Jucker (BJC) có giá trị lên tới 879 triệu USD.

Trước đó 1 năm, SCG chi ra hơn 5.000 tỉ đồng để mua lại 85% cổ phần của gạch Prime, một trong số ít những thương hiệu gạch “thịnh vượng” của Việt Nam. Ngoài việc mua lại Prime, SCG cũng có 20% cổ phần tại Nhựa Tiền phong, DN nhựa có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Trong quá khứ CP Group cũng từng chuẩn bị một kế hoạch M&A với Minh Phú – doanh nghiệp xuất khẩu tôm số 1 Việt Nam, nhưng bất thành.

Nhưng có lẽ lĩnh vực người Thái quan tâm nhất tới ngành bán lẻ Việt Nam, khi 3 tỉ phú giàu nhất nước này đều đầu tư vào đây. Đó là tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi với BJC, Thaibev; Dhani Chearavanont với CP và Chirathivat với Central Group.

BJC, trước khi hoàn tất thương vụ với Metro Việt Nam, cũng đã kịp thâu tóm lại chuỗi cửa hàng liên doanh Family Mart và đổi tên nó thành B’Mart. Tương tự, trong ngành F&B, ThaiBev ngỏ ý muốn mua lại cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco) và Vinamilk

Tới đầu năm 2015, người ta chứng kiến thương vụ giữa tập đoàn Central Group mua lại 49% cổ phần điện máy Nguyễn Kim có giá trị khoảng 100 triệu USD. Nguyễn Kim, trong ngành điện máy, cũng là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất

Nếu trong lịch sử ngoại giao, người Thái nổi tiếng với chiến thuật “ngoại giao cây sậy” – gió thổi mạnh bên nào thì nương theo bên đấy, thì trong kinh doanh, chiến lược đầu tư của người Thái lại khác hẳn. Người Thái đã không quan tâm thì thôi, đã quan tâm thì họ chọn những DN mạnh nhất trong ngành và sau đó tiến hành “mua đứt, bán đoạn”.

Với nguồn lực dồi dào và những DN giàu kinh nghiệm, người Thái dễ dàng áp đặt chiến lược của mình tại thị trường Việt Nam, với việc thâu tóm lần lượt từng “số 1” trong lĩnh vực họ đầu tư vào.

Bàn thắng thứ 3

Không giống như bóng đá, khi đội tuyển dù thế nào vẫn luôn là linh hồn của người hâm mộ thì trong một nền kinh tế thị trường, trong tâm trí người tiêu dùng Việt lại ưu ái hàng Thái hơn. Đó là tâm lý đã có từ rất lâu kể từ thời “xe máy Thái, đồ điện tử Thái” giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước. Lợi thế sân nhà, có chăng, nằm ở những rào cản kĩ thuật để bảo hộ các DN trong nước trước mối nguy bị thâu tóm

Và những thỏa thuận hay hiệp định như AEC và TPP sẽ từng bước gỡ bỏ vai trò của những hàng rào này. Điểm chung của AEC hay TPP đó là sẽ xóa bỏ dần những hàng rào thuế quan, đưa thuế suất về 0% cho những thành viên tham gia. Saha Group – tập đoàn bán lẻ hàng tiêu dùng lớn của Thái Lan, mới đây cũng đã hợp tác với một DN Nhật Bản, nước thành viên trong TPP lập liên doanh đầu tư Việt Nam để tận dụng những ưu đãi này.

Nếu DN Việt Nam không nhanh chóng bắt kịp cuộc chơi thì sau khi những hàng rào này lần lượt bị gỡ bỏ trong vài năm tới, bàn thắng thứ 3 sẽ đến nhanh chóng.


Saha Group, một trong những tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Thái Lan muốn hợp tác với Nhật để lợi dụng TPP, đầu tư vào Việt Nam

Saha Group, một trong những tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Thái Lan muốn hợp tác với Nhật để lợi dụng TPP, đầu tư vào Việt Nam

Nói như vậy không có nghĩa là DN Thái Lan là những … kẻ nguy hiểm. Dù sao thì cuộc chơi trong bóng đá và kinh doanh vẫn có những điểm khác biệt. Kinh doanh có thể là cái kết đôi bên cùng có lợi. Đôi khi, việc được một DN lớn hơn chú ý tới và mua lại không hẳn là thất bại của DN, mà còn là một minh chứng cho sự thành công. Quan trọng hơn, chúng ta chưa bao giờ coi mình là đối thủ với người Thái trong kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn người Thái tự hào vì có thể sản sinh ra những DN trứ danh, không chỉ ở trong nước của họ mà còn khiến các DN lớn trong khu vực lẫn thế giới phải kiêng dè, người Việt có mong muốn được thấy một điều tương tự?

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM