Từ bán điện thoại sang bán thịt, 3 lợi thế “lầm tưởng” về Thế giới Di động

25/09/2015 13:46 PM | Kinh doanh

Thực phẩm là lĩnh vực rất hot với biên lợi nhuận “ăn đứt” điện máy. Tuy nhiên, Thế giới Di động có đầu tư “liều” khi kinh nghiệm và lợi thế trong ngành bán lẻ điện thoại – điện máy không giúp ích được cho doanh nghiệp khi lấn sân sang một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt?

Nếu đầu năm, nhiều người ngạc nhiên khi một doanh nghiệp thép như Tập đoàn Hòa Phát lại đầu tư vào chăn nuôi lợn và sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì mới đây, Thế giới Di động (MWG) cũng khiến nhiều người cả ngoài ngành lẫn trong ngành đặt dấu hỏi khi một “ông lớn” chuyên bán điện thoại lại muốn lấn sân đi bán thịt.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, thực phẩm là “miếng ngon” nhưng không dễ ăn, nhất là với Thế giới Di động. Bước chân sang thị trường mới này, Thế giới Di động có gì?

Kinh nghiệm?

Thế giới Di động có 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng là kinh nghiệm trong bán lẻ điện thoại; 5 năm kinh nghiệm trong bán lẻ điện máy; kinh nghiệm bán lẻ trong lĩnh vực thực phẩm là 0.

Có tới 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ (điện thoại) như vậy có phải sẽ giúp ích nhiều cho Thế giới Di động khi chuyển sang bán lẻ thực phẩm?

Câu trả lời là không hề.

Theo ông Nguyễn Bảo Lộc – chuyên gia bán lẻ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Intimex, nghiệp vụ bán điện thoại khác hoàn toàn nghiệp vụ "bán thịt".

Trong khi bán điện thoại thiên về tư vấn, thì bán hàng tươi sống (rau, thịt, cá…) lại thiên về lĩnh vực sơ chế, tẩm ướp, lưu trữ…, hướng đến chất lượng nhiều hơn. Khi sang lĩnh vực mới, Thế giới Di động sẽ phải làm song song cùng 2 lĩnh vực hiện tại là điện thoại và điện máy.

Trả lời báo chí, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động thừa nhận rằng gần như 100% công việc kinh doanh mới hoàn toàn mới lạ so với việc kinh doanh hàng công nghệ. Về nhân sự, hầu hết nhân sự cho chuỗi mới đều được tuyển thêm từ bên ngoài.

Về cơ sở vật chất và mặt bằng kinh doanh, hầu như doanh nghiệp này không tận dụng được gì từ những thứ hiện có mà phải đầu tư mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, có thể lợi thế về kinh nghiệm lựa chọn địa điểm và chiến lược phát triển mặt bằng sẽ giúp Thế giới di động khởi động nhanh khi mở chuỗi thực phẩm mới.

Khách hàng mục tiêu?

Nếu như trước kia, khi chuyển kinh doanh sang điện máy, Thế giới Di động được lợi khá nhiều từ nguồn khách hàng của mảng bán lẻ di động, thì giờ đây khi chuyển sang bán lẻ thực phẩm, lợi thế này không đáng kể.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, với mảng điện thoại hoặc điện máy, người mua thường dễ dàng đưa ra quyết định mua sắm và có nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm đang dùng, tức số lượng khách hàng có nhu cầu chuyển đổi sản phẩm mới sẽ gia tăng. Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ chiếm được thị phần cao như Thế giới Di động nhờ sở hữu một lượng lớn khách hàng cũ tiềm năng.

Những khách hàng này thường có khuynh hướng quay trở lại hệ thống của Thế giới Di động mua hàng khi có nhu cầu và cũng có thể giới thiệu người quen đến mua hàng. Do đó, doanh số từ lượng khách hàng này sẽ giúp duy trì doanh thu của Thế giới Di động cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Tuy nhiên, mảng thực phẩm của Thế giới Di động sẽ không được hưởng lợi nhiều từ nhóm khách hàng mục tiêu này.

Đối tượng khách hàng của Thế giới Di động gồm rất nhiều khách hàng trẻ. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Lộc, trong số khách hàng mục tiêu của Thế giới Di động, có thể suy đoán chỉ khoảng 30% là các bà nội trợ.

“Khách đi mua điện thoại không hẳn là khách mua hàng thực phẩm tươi sống hàng ngày”, ông Lộc nói.

Độ tin cậy về tên tuổi trong bán lẻ?

Có thể nói, Thế giới Di động là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại.

Khi bước sang mảng điện máy, thương hiệu “Điện máy Xanh” của Thế giới Di động ở vị trí thấp so với các đối thủ cùng ngành như Mediamart, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ lớn…

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, nhận dạng thương hiệu online của thương hiệu “Điện máy Xanh” còn hạn chế, một phần vì thay đổi thương hiệu chưa lâu từ thương hiệu cũ dienmay.com.

Trong khảo sát từ khóa trên Google với các sản phẩm điện máy, đa phần các từ khóa đều thuộc về các website bán hàng của Nguyễn Kim, Điện máy Chợ lớn, Mediamart…

Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt.

Xếp hạng về lưu lượng truy cập của website Điện máy Xanh cũng ở vị trí thấp so với đối thủ cùng ngành.

Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt.

Còn với mảng thực phẩm, độ tin cậy và tên tuổi mới tinh của Bách Hóa Xanh – thương hiệu của chuỗi siêu thị thực phẩm của Thế giới Di động – hiện vẫn là dấu hỏi.

Tiềm lực tài chính và sức đầu tư lâu dài?

Đây có thể coi như là “vốn tự có” nổi trội nhất của Thế giới Di động khi đầu tư sang lĩnh vực mới.

8 tháng đầu năm 2015, doanh thu của Thế giới Di động đạt 15.157 tỷ đồng, tăng trưởng 160% so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 644 tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch, tương ứng tăng trưởng 151% so với cùng kỳ năm trước.

Theo kế hoạch, năm 2015, Thế giới Di động dự kiến kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 23.590 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng trưởng 50% so với thực hiện năm 2014; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 886 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014.

Với nguồn lực hiện tại, ông Lộc cho rằng, nếu Thế giới Di động biết cách làm, về lâu dài có thể thành công.

“Nếu Thế giới Di động làm marketing tốt và mở rộng mặt bằng tốt, về lâu dài có thể thành công. Còn ngắn hạn rất khó nói”, ông Lộc nhìn nhận.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM