Trung tâm thương mại: "Mồ chôn" của nhiều thương hiệu?

12/01/2015 12:37 PM | Kinh doanh

​Thấy gì từ việc đóng cửa một số trung tâm thương mại gần đây?

Tác giả Phan Anh là thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) trong lĩnh vực E-Commerce & E-Marketing. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.


Một tuần nay báo chí liên tục đưa tin về việc có việc trung tâm thương mại phải đóng cửa. Báo chí đưa tin, chuyên gia nhận định, có nhận định đúng, có nhận định chưa thật đúng vì sự đã rồi nói sao chẳng được. Cụ thể và đa chiều thì như thế nào?

Tôi từng may mắn do yêu cầu công việc được đi “business tour” tại hầu hết tất cả các trung tâm thương mại lớn từ Bắc vào Nam từ năm 2012 đến nay. (Thực ra thì là tôi cũng chỉ đi tham quan ở Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM, vì Hà Nội thì gần như tuần nào nào cũng phải vào trung tâm thương mại vài lần rồi).

Nhiều đơn vị đối tác mà tôi tư vấn cũng có gian hàng ở các trung tâm thương mại . Bởi vậy tôi biết khá rõ vấn đề và thực trạng của các trung tâm thương mại lớn nhiều năm nay. Tình hình chung là khá vắng khách, chi phí thuê mặt bằng cao (một số ít trung tâm lớn có hỗ trợ giảm giá thuê hoặc miễn phí cho khách thuê gian hàng khi tình hình kinh doanh xấu); Chi phí đầu tư gian hàng không nhỏ; Hàng hóa đưa vào các trung tâm phải đội giá lên hoặc là phải giảm lợi nhuận, do hàng hóa trong các trung tâm thương mại thường có xu hướng giá cao và (thường) là hàng phân khúc cao.

Nhìn vào tình hình kinh doanh thực tế chúng tôi thường nói đùa chua xót với nhau rằng, rất nhiều trung tâm thương mại đang là "mồ chôn của nhiều thương hiệu" hoặc đang tranh nhau chiếc Cúp "trung tâm thương mại vắng nhất". Vì sao vậy?

Thứ nhất: Quá nhiều trung tâm thương mại được xây & mở ra liên tục trong một thời gian ngắn.

Việc xây dựng nhiều hơn các trung tâm thương mại của các chủ đầu tư trong và ngoài nước với quy mô lớn đã khiến cho cạnh tranh giữa các trung tâm thương mại khốc liệt, cạnh tranh giữa những người bán cao, hàng hóa sẵn có, đa dạng. Ở Hà Nội nhiều trung tâm khá vắng và thường xuyên vắng. Ở TPHCM có nhiều trung tâm còn vắng hơn ở Hà Nội.

Thực tế như ở Hà Nội có Tràng Tiền Plaza đóng cửa tái cấu trúc; Grand Plaza đóng cửa; Pico Mall chuyển thành Lotte Mart; Keangnam Parkson rất vắng và mới tạm thời đóng cửa...

Thứ hai: Ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế và khủng hoảng kinh tế kéo dài đến ngân sách tiêu dùng của khách hàng.

Kinh tế suy thoái và khủng hoảng liên tục và kéo dài từ 2008 đến nay do nhiều lý do khách quan của các yếu tố quốc tế và nội tại của nền kinh tế Việt Nam đã làm cho sức mua bình quân của người tiêu dùng vốn đã nhỏ và yếu (thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.000 - 1.200 USD/năm) thì thêm yếu hơn hoặc không thể tăng trưởng. Tiền đâu mà xài hàng hiệu tại trung tâm thương mại bây giờ?

Thứ ba: Thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến phát triển nhanh.

Nguồn hàng hóa đa dạng, giá cả phong phú, sự lựa chọn của người tiêu dùng trở nên thoải mái hơn, cách mua hàng và trải nghiệm mua hàng mới mẻ và thuận tiện.

Yếu tố này hưởng mạnh mẽ đến trung tâm thương mại do xu hướng mua hàng trực tuyến tại các website thương mại điện tử lớn ở nước ngoài và chuyển hàng về Việt Nam, các website mua hộ, thương mại điện tử nội địa, các mô hình kinh doanh theo kiểu bán hàng online quy mô nhỏ phát triển mạnh… Đó là chưa kể đến sức “tàn phá âm thầm” của loại hình bán hàng "hàng xách tay”.

Khoảng 3 năm trước, hàng xách tay hoặc việc mua hàng ở những trang TMĐT trên thế giới còn xa lạ. Giờ đây, rất nhiều nguồn hàng xách tay giá hợp lý, chất lượng ổn nên đã chiếm được lòng tin nhiều hơn của một bộ phận người tiêu dùng.

Xu hướng mua hàng online phổ biến hơn do người tiêu dùng đang bước vào giao đoạn "cuộc cách mạng mua hàng trực tuyến" của thế hệ khách hàng điện tử (digital customers). Do thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc sống số nên khách hàng chuộng mua hàng trực tuyến hơn.

Thứ tư: Những khách hàng có tiền mua sắm hàng hiệu, chịu chi,  thích hàng “chất” hiếm khi chọn shopping mall

Những khách hàng này có xu hướng mua hàng xách tay, mua hàng trực tuyến ở nước ngoài và nhờ người quen mang về (cho yên tâm và giá cả hợp lý), hoặc nhờ người quen ở nước ngoài mua rồi gửi về Việt Nam; hoặc nhiều người thích loại hình “shopping travel” thích là bay ngay với hãng hàng không "bay là thích ngay" để mua hàng sales off ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hongkong hoặc thậm chí là EU, US...

Thứ năm: Không ít hàng hiệu ở TTTM không phải là hàng hiệu chính hãng.

Việc này đã gây ra ít nhiều sự mất lòng tin của những khách hàng tiềm năng từng thích mua hàng tại trung tâm thương mại.

Thứ sáu: Nhiều trung tâm thương mại chưa có chiến lược marketing thu hút khách hàng và hỗ trợ khách hàng.

Hoặc sự hỗ trợ còn chưa đạt hiệu quả cao. Khiến cho người bán hàng tại trung tâm thương mại trông chờ vào sự may rủi của những khách hàng vãng lai.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.

Phan Anh

Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) | E-Commerce & E-Marketing Specialist

Phan Anh

Cùng chuyên mục
XEM