Trong khi các đại gia nước ngoài ồ ạt đổ bộ, các nhà bán lẻ nội đang làm gì?

18/02/2016 08:48 AM | Kinh doanh

Chuỗi siêu thị Metro đã bị đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan là TCC Group thâu tóm và Big C đang là mục tiêu tiếp theo của họ, cùng với đó là sự mở rộng như vũ bão của các đại gia khác như AEON (Nhật Bản), Lotte Mart và E-Mart (Hàn Quốc). Trong lúc này, các nhà bán lẻ nội địa đang làm gì?

Theo Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Euromonitor, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) hiện là doanh nghiệp xếp hạng số 1 trong 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam. 

Tính đến thời điểm này, mạng lưới Co.op mart đạt con số 81 siêu thị và 2 đại siêu thị Co.op Xtra. Cùng với đó là là  96 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tập trung chủ yếu tại TP.HCM, và khoảng 175 cửa hàng tạp hóa Co.op.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op Nguyễn Ngọc Hòa (nay là Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM) từng chia sẻ với báo chí rằng mục tiêu của Sài Gòn Co.op từ nay đến năm 2020 là cố gắng duy trì vị trí Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã đạt được trong các năm qua.

Mục tiêu của chuỗi này là đến năm 2019 sẽ đạt 300 điểm bán lẻ trên toàn quốc với tổng doanh thu tăng từ mức 26.000 tỉ đồng (năm 2015) lên 44.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, với sự đổ bộ ồ ạt của các đại gia bán lẻ nước ngoài thì mức độ cạnh tranh mà Saigon Co.op đang và sẽ đối mặt trong thời gian tới là cực kỳ gay gắt.


Mạng lưới bán lẻ dự kiến của Sài Gòn Co.op đến năm 2019

Mạng lưới bán lẻ dự kiến của Sài Gòn Co.op đến năm 2019

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết con đường của Saigon Co.op trong tương lai là đi theo mô hình hợp tác xã tiêu dùng, sẽ được triển khai từ năm 2015 khi Luật Hợp tác xã sửa đổi có hiệu lực.

Theo mô hình mới, tất cả đối tác và người tiêu dùng sẽ tham gia góp vốn, sở hữu và cùng quản lý hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Trong tương lai, Saigon Co.op sẽ có hàng triệu xã viên. Những xã viên đó vừa là chủ vừa là khách hàng của Saigon Co.op, và họ cũng được chia sẻ lợi nhuận.

“Khác với công ty cổ phần, ai vốn nhiều thì được chia lợi nhuận nhiều, tại Saigon Co.op, lợi nhuận chia theo doanh số mua hàng. Xã viên nào mua nhiều hàng hóa thì sẽ được chia nhiều lợi nhuận”, ông Hòa nói.

Một nhà bán lẻ lớn khác là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hiện đang có khoảng 70 cửa hàng tiện lợi Satrafood, 2 siêu thị Satramart, 3 cửa hàng Satra Bakery & Café ... và chợ đầu mối chợ đầu mối nông - thủy - hải sản Bình Điền, dự án trung tâm thương mại Tax Plaza.

Satra cũng đang sở hữu các thương hiệu hàng đầu trong chế biến thực phẩm tại Việt Nam như Vissan, Cầu Tre, Agrex Saigon, Cofidex, APT, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL)…

Ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Satra cho biết mục tiêu của Satra là 5 năm tới đạt từ 150-180 cửa hàng tiện lợi Satrafood, 7 siêu thị Satramart, 5 trung tâm thương mại Centre Mall.

Phấn đấu trở thành nhà phân phối lớn với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, kho hàng… trên địa bàn TP HCM và các đô thị lớn của cả nước; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng trong toàn tổng công ty về tổng doanh thu bán hàng và dịch vụ bình quân 15%/năm, lợi nhuận tăng bình quân 10%/năm.

“Theo kế hoạch của UBND TPHCM, trong năm 2016 Satra sẽ tiến hành các bước cổ phần hóa. Đây là giai đoạn chuyển sang mô hình hoạt động mới. Việc cổ phần hóa của Satra chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Hy vọng chúng tôi sẽ chọn được những nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực để Satra có những bước phát triển mới tốt hơn”, ông Bắc nói.

Một tên tuổi tuy lạ mà quen trên thị trường bán lẻ vừa xuất hiện trong năm qua là chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động đến nay đã mở được 16 cửa hàng ở Sài Gòn và tất cả đều nằm ở hai quận vùng ven thành phố là Bình Tân, Tân Phú.


Bản đồ chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh tại Sài Gòn

Bản đồ chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh tại Sài Gòn

Vừa qua, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động chia sẻ rằng với thực tế hiện nay, Bách hóa Xanh vẫn đang ở trong giai đoạn R&D, thử nghiệm để có thể mô hình hoạt động chuẩn, từ đó tiến đến đạt được tham vọng trở thành hệ thống bán lẻ tốt nhất.

Cũng theo phân tích của Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam rất tiềm năng với 20-30 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, toàn bộ các “ông lớn” như Metro, BigC hay Co.op Mart… cũng chỉ mới chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại là thuộc về các cửa hàng, điểm bán nhỏ lẻ.

Do đó, cơ hội cho Bách hóa Xanh cũng đang trở nên vô cùng tiềm năng khi nhảy vào thị trường này.

Trong dự thảo báo cáo đại hội cổ đông thường thường niên năm 2016, Thế Giới Di Động dự kiến hoàn tất thử nghiệm mô hình Bách hóa Xanh trước cuối năm 2016 để bước vào giai đoạn mở rộng năm 2017.

Còn nhớ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra hồi đầu tháng 10/2015, Chủ tịch Thế Giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết hướng đi của chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh không phải là tạo ra khác biệt bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu, mở điểm sản xuất hay đầu tư xây dựng trung tâm phân phối lớn, mà đây chỉ là chuỗi bán lẻ thông thường và thu hút người tiêu dùng bằng tiêu chí nhanh và giá rẻ.

Bách hóa Xanh cũng không mở trên đường trục đường thương mại mà chủ yếu ở đường nhỏ, hẻm, gần khu dân cư, tung ra lượng hàng hóa phong phú (như rau củ, thịt, các mặt hàng thiết yếu…), giá rẻ để cạnh tranh trực diện với chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa.

Ông Nguyễn Đức Tài cũng cho biết mô hình mà Bách hóa Xanh được xây dựng sau khi đi tham quan học hỏi chuỗi bán lẻ Alfa Mart của Indonesia. Với trên 10.000 cửa hàng, Alfamart chiếm hơn 50% thị phần cửa hàng tiện ích của Indonesia với doanh thu vượt ngưỡng 3 tỷ USD năm 2014.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM