Tỉnh dậy sau ác mộng 2015, vua Tôm Minh Phú còn dám ôm giấc mơ tỷ đô?

03/03/2016 10:38 AM | Kinh doanh

Báo lỗ gần 7 tỷ đồng sau nhiều năm lãi lớn, 2015 là năm tệ nhất trong 7 năm qua của Vua Tôm.

Được mệnh danh “Vua tôm”, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là cái tên luôn có mặt trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Vua Tôm và giấc mơ tỷ đô

Ngày còn niêm yết trên thị trường chứng khoán, vị thế “vua Tôm” tạo nên cho cổ phiếu MPC sức thu hút rất lớn.

Kết quả kinh doanh năm 2014 của công ty là một bước nhảy vọt so với năm 2013 với doanh thu gần 4.300 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 755 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông năm 2015, lãnh đạo Công ty tiếp tục tin tưởng vào một năm 2015 rực rỡ hơn nữa và đặt kế hoạch doanh thu gần 20.000 tỷ đồng. Nếu đạt được, Minh Phú sẽ là cái tên mới trong câu lạc bộ “doanh nghiệp tỷ đô” của Việt Nam.

Nhưng giấc mơ đã thành xa vời

Niềm tin của Minh Phú khi bước vào năm 2015 rất lớn nhưng lại không gặp được thiên thời địa lợi.

Cả năm 2015, báo cáo hợp nhất cho biết công ty chỉ đạt gần 12.300 tỷ đồng doanh thu thuần – giảm 19% so với 2014. Sau nhiều năm lãi lớn, công ty đã báo lỗ gần 7 tỷ đồng.

Đây là năm tệ nhất trong 7 năm qua của Vua Tôm.

Tình cảnh của Minh Phú cũng là bức tranh chung của ngành thủy sản và ngành tôm. Số liệu của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam VASEP cho biết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 16,5% so với năm 2014. Trong đó, mặt hàng bị giảm sâu nhất là tôm. Mặc dù chiếm tỷ trọng 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng tôm chỉ thu được gần 3 tỷ USD, bằng 75% kết quả của năm 2014, thị trường bị thu hẹp gần 1/3.

Chia sẻ trên báo chí, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT của Minh Phú cho biết, nguyên nhân của kết quả kinh doanh không tích cực này là do chính sách tỷ giá của Việt Nam.

Từ đầu năm 2015, các nước xuất khẩu tôm lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan đã liên tiếp phá giá đồng nội tệ của họ để hỗ trợ xuất khẩu. Trong khi đó, đến tháng 8/2015, Việt Nam mới có những động thái mới trong chính sách tỷ giá theo xu hướng chung. Theo tính toán sơ bộ của Minh Phú, giá tôm Việt Nam xuất khẩu đắt hơn đến 20% so với giá tôm từ Indonesia và Ấn Độ. Mức giá này khiến cho sức cạnh tranh của con tôm Minh Phú sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đột biến của ngành nuôi tôm tại Ấn Độ và Thái Lan dẫn đến việc nguồn cung tôm vượt qua nhu cầu của thị trường thế giới khoảng 7%. Khi cung vượt cầu, giá tôm trên thị trường thế giới giảm liên tục.

Minh Phú sẽ tiếp tục ước mơ?

Dù hẫng hụt, nhiều người vẫn tin tưởng vào Vua Tôm. Dự án xây dựng chuỗi khép kín từ giống nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, kênh phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng đang được Minh Phú hoàn thiện từng bước, tạo nên lợi thế cạnh tranh mà chỉ doanh nghiệp lớn mới có.

Trong khi đó, theo nhận định của VASEP, trên cơ sở thuận lợi về thuế đối với các thị trường chính như EU và Nhật Bản , xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2016 với kim ngạch 3,3 tỷ USD - tăng 12% so với năm 2015. Ngay từ những ngày đầu năm 2016, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đã có những tín hiệu lạc quan về lượng tiêu thụ.

Với vị thế đứng đầu cùng khả năng điều tiết thị trường, Minh Phú liệu có tiếp tục giấc mơ tỷ đô?

Theo Tú Linh

Cùng chuyên mục
XEM