Tiềm lực tài chính của HFIC – “SCIC của Thành phố Hồ Chí Minh” lớn đến mức nào?

10/09/2015 09:37 AM | Kinh doanh

Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh - HFIC có nhiều nét tương đồng với SCIC nhưng hoạt động có phần đa dạng hơn. HFIC hiện trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất và quan trọng nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang trực tiếp quản lý 11 tổng công ty cùng hàng chục doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như Satra, Saigontourist, Samco, Resco… Năm 2010, Thành phố HCM trở thành địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này thành lập một loại hình doanh nghiệp đặc biệt: Công ty đầu tư tài chính nhà nước.

Theo đó, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị thành phố (HIFU) – đơn vị được thành lập từ năm 1996. Do tính chất hoạt động, chỉ sau 5 năm, HFIC nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất và quan trọng nhất của Thành phố HCM.

Đúng như tên gọi, HFIC có nhiều nét tương đồng với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC. Trong khi SCIC chủ yếu tiếp nhận vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì hoạt động của HFIC có phần đa dạng hơn. Các hoạt động chính của HFIC gồm có:

+ Tài trợ tín dụng, huy động vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài

+ Đầu tư kinh doanh vốn, Quản lý vốn nhà nước

+ Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương Thành phố Hồ Chí Minh

Một số khoản đầu tư lớn của HFIC
Một số khoản đầu tư lớn của HFIC

Với xuất thân là quỹ đầu tư phát triển đô thị, các khoản đầu tư, cho vay đối với lĩnh vực cơ sở hạ tầng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên tổng tài sản của HFIC. Nhiều công trình hạ tầng lớn của thành phố Hồ Chí Minh có dấu ấn của HFIC như cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, Nhà máy B.O.O nước Thủ Đức

HFIC hiện nắm giữ lượng cổ phiếu niêm yết trị giá hơn 2.500 tỷ đồng với khoản đầu tư lớn nhất là Chứng khoán HSC (1.500 tỷ), CII (587 tỷ), REE (372 tỷ), CCI, TDH.

Mới đây, HFIC đã thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh – BCCI, thu về hơn 400 tỷ đồng.

Danh mục chưa niêm yết có thể kể đến như cổ phiếu HDBank, Tân Cảng Hiệp Phước, Cầu Sài Gòn 2…

Trong khi SCIC thường tiếp nhận và làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sau khi các DNNN cổ phần hóa; nhưng HFIC thì lại được giao tiếp nhận các công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước về làm thành viên, sau đó mới thực hiện tiến trình tái cấu trúc.

Năm 2012, HFIC đã được giao quản lý 5 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của UBND thành phố, gồm: Xổ số kiến thiết, Chiếu sáng công cộng (Sapulico), Công trình Giao thông Sài Gòn, Công trình Cầu phà, Quản lý kinh doanh nhà (HMTC). Tổng doanh thu hàng năm của 5 công ty này đạt trên 7.000 tỷ đồng.

Tháng 7/2015, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ra quyết định chuyển thêm Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định (Giditex) và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) về làm doanh nghiệp thành viên của HFIC.

Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của công ty mẹ HFIC đạt hơn 10.600 tỷ đồng, bao gồm 4.200 tỷ đầu tư tài chính dài hạn, 2.800 tỷ đồng tiền mặt, gần 3.500 tỷ đồng cho vay đầu tư cùng các tài sản khác.

Tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 766 tỷ và lãi sau thuế đạt 499 tỷ đồng. Nguồn thu chính của HFIC đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay, cổ tức… Năm 2015, hệ thống HFIC đặt mục tiêu 8.000 tỷ doanh thu và 1.251 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, kế hoạch của riêng công ty mẹ tương ứng là 569 tỷ và 328 tỷ đồng.

Ngày 4/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Bến Thành giữ chức vụ Tổng giám đốc của HFIC thay cho ông Diệp Dũng.

Quy mô của HFIC lớn hơn hẳn các doanh nghiệp nhà nước khác tại Thành phố Hồ Chí Minh

Quy mô của HFIC lớn hơn hẳn các doanh nghiệp nhà nước khác tại Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM