Thương mại Việt chênh tỷ “đô” với Trung Quốc: Lỗi do buôn lậu?

28/06/2015 15:17 PM | Kinh doanh

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh số liệu thống kê thương mại với Trung Quốc là do Việt Nam khó khăn trong việc kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại.

Trong nhiều năm trở lại đây, số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn luôn có sự chênh lệch.

Con số Việt Nam đưa ra cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều thấp hơn rất nhiều so với thống kê từ phía Trung Quốc. Năm 2014, con số này lên tới gần 20 tỷ USD.

Trao đổi với báo chí chiều 26/6, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng vụ thống kê thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này.

 

Theo bà Thủy, từ năm 2010 Việt Nam áp dụng nguyên tắc nhập khẩu tính theo nước xuất xứ. Từ đó chênh lệch số liệu có xu hướng tăng lên.

“Hải quan Việt Nam chỉ xác nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi đó là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Hàng nước khác dù qua Trung Quốc rồi xuất sang Việt Nam thì sẽ ghi chú là xuất xứ từ nước khác”, bà Thủy nói.

Đối với thống kê với hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam được tính vào thống kê xuất khẩu của Trung Quốc nhưng không tính vào nhập khẩu của Việt Nam, do hàng hóa này không tham gia vào quá trình sản xuất tiêu thụ ở Việt Nam.

Nhóm nguyên nhân thứ hai, bà Thủy nhận định do việc kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại “rất khó”. Trung Quốc xuất khẩu hàng qua biên giới bộ thì được ghi nhận nhưng ở Việt Nam lại không được cơ quan chức năng tính.

 

Bên cạnh đó, không loại trừ việc cố tình khai báo sai lệch số lượng, chủng loại hàng hóa với mục đích né thuế. Ví dụ, doanh nghiệp Trung Quốc có thể khai báo tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu để được hưởng ưu đãi. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam lại khai báo thấp giá trị nhập khẩu để được hưởng mức thuế thấp hơn thực tế đáng ra phải nộp.

Từ đó, theo bà Thủy, đặt ra vấn đề nếu cơ quan chức năng Việt Nam không kiểm soát được vấn đề gian lận thì trị giá hàng hóa này sẽ không được tính vào số liệu nhập khẩu. Với các doanh nghiệp khai giảm trị giá nhập khẩu với các nhóm hàng có thuế nhập khẩu cao để giảm số thuế phải nộp thì các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có những giải pháp quyết liệt.

Không chỉ riêng Việt Nam

Trao đổi thêm xung quanh câu chuyện vênh số liệu, bà Thủy cho biết đây không chỉ là trường hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bởi thực tế số liệu thống kê của Trung Quốc lệch rất nhiều so với các nước khác theo hai xu hướng là ở các nước ASEAN và các nước phát triển.

Bà Lê Thị Minh Thủy

Cụ thể, năm 2013, xuất khẩu của Trung Quốc sang các đối tác cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc ở Malaysia là 12 tỷ USD, tương đương 27%; Indonesia 7,1 tỷ USD, tương đương 19%; Philippines 11,3 tỷ USD tương đương 57%.

Nhập khẩu của Trung Quốc cao hơn xuất khẩu của Thái Lan 11,3 tỷ USD tương đương 30%, Malaysia 29,4 tỷ tương đương 49%; Indonesia 8,8 tỷ USD tương đương 28%, Philippines 11,6 tỷ USD tương đương 63%.

Với các đối tác đặc thù và đối tác là nước phát triển như Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ… tình trạng trên cũng diễn ra tương tự.

Trong khi đó, đối với các nước phát triển như Mỹ, EU thì xu hướng lại ngược lại. Số liệu xuất khẩu Trung Quốc thấp hơn nhập khẩu của các nước này và xuất khẩu của các nước này qua Trung Quốc thấp hơn số liệu nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo Mạnh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM