Thuế tăng, ngành ô tô vẫn "hút" giới đầu tư ngoại

27/01/2016 08:32 AM | Kinh doanh

Năm 2015 khép lại với kết quả kinh doanh ngoài mong đợi của các hãng xe khi đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Và dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng các hãng xe vẫn muốn"đồng hành" cùng ngành ô tô Việt Nam.

Bùng nổ

Năm 2015, ngành ô tô Việt Nam tăng trưởng đến 55% so với năm trước. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng tiêu thụ ô tô năm 2015 đạt 244.914 chiếc, tăng 55% so với năm 2014.

Trong đó, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 173.040 chiếc, tăng 48%, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 71.874 chiếc, tăng 74%.

Về chủng loại, đã có 143.392 xe du lịch được tiêu thụ (tăng 44% so với năm 2014), 89.327 xe thương mại được bán ra (tăng 74%) và 12.195 xe chuyên dụng được đặt mua, tăng 105% so với năm 2014. Đây là lần đầu tiên sản lượng toàn thị trường vượt mốc 200.000 xe/năm.

Nếu xét riêng về thị trường xe con, đứng đầu hiện nay vẫn là Toyota Việt Nam với 49.778 xe được bán ra trong năm 2015, tăng 22% so với năm 2014, chiếm 37% thị phần.

Trong 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường thì thương hiệu này chiếm đến 5 mẫu, đó là Vios, Fortuner, Innova, Altis và Camry.

Vị trí thứ 2 thuộc về Trường Hải - Thaco với 42.231 xe, chiếm 32% thị phần. Thứ 3 là Ford với 11% thị phần, Honda 6%, GM 5%, Mitsubishi 3%, Mercedes-Benz 3%...

Theo nhận định của giới kinh doanh ô tô, có hai lý do chính khiến thị trường ô tô, đặc biệt là ô tô nhập khẩu bùng nổ trong thời gian qua. Thứ nhất là nhu cầu mua xe của người dân vào dịp cuối năm tăng cao.

Thứ hai là nhiều người tiêu dùng và cả các nhà phân phối đang "chạy nước rút" trước khi đối mặt với sự tăng giá do tác động của chính sách, mà cụ thể là việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cụ thể, tại Nghị định 108 được Chính phủ ban hành ngày 28/10/2015, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe nhập khẩu sẽ chuyển từ cách tính trên giá CIF (giá nhập khẩu) cộng với thuế nhập khẩu như trước đây thành giá bán buôn của nhà nhập khẩu.

Với cách tính này, thuế sẽ được tính trên giá vốn cộng thêm phần chi phí vận chuyển, quảng cáo, bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp, và như vậy, giá xe sẽ tăng từ 5 - 15% so với trước và hiện một số hãng xe như Mercedes-Benz, Toyota Việt Nam đã tăng giá xe.

Đánh giá về thị trường ô tô năm qua, ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, cho rằng, 2015 là một năm phát triển mạnh của thị trường ô tô Việt Nam với nhiều sự kiện quan trọng, như Hiệp định TPP đã được thông qua và Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016.

Những thay đổi quan trọng này sẽ tác động trực tiếp đến chính sách giá, chiến lược phát triển và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô trong nước.

Các doanh nghiệp sẽ phải có chính sách cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các mẫu xe hiện hành cũng như phát triển sản phẩm mới chất lượng cao phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Vẫn còn tiềm năng?

Cũng theo ông Dũng, năm 2016, thị trường xe hơi Việt Nam sẽ sôi động và cạnh tranh hơn với sự góp mặt của hầu hết các hãng xe trên thế giới và danh mục sản phẩm cũng sẽ đa dạng hơn. Và dù chính sách về ngành ô tô có thể thay đổi nhưng các hãng xe vẫn không ngừng đầu tư vào Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hãng sản xuất ô tô Ford tại Hiệp hội Các nước Đông Nam Á Mark Kaufman, Việt Nam là thị trường lớn thứ ba của Ford tại ASEAN, sau Thái Lan và Philippines.

Đó là lý do để Ford dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn liên tục đầu tư vào Việt Nam. Trong hai năm trở lại đây, Ford đã đầu tư thêm 10 triệu USD để tăng năng lực sản xuất cho nhà máy tại Việt Nam.

Ford vẫn giữ cam kết đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Tại thị trường này, hãng vẫn theo chiến lược kinh doanh nhất quán - chiến lược One Ford, mang tất cả các sản phẩm toàn cầu vào Việt Nam và cải thiện sản phẩm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Đầu tháng 4/2015, trước những chính sách thay đổi, Công ty Toyota Việt Nam đã từng đề cập đến việc "sẽ cân nhắc việc sản xuất ở Việt Nam".

Thế nhưng, chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn mới đây về định hướng phát triển của Công ty trong thời gian tới, ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, khẳng định: "Toyota sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam, cung cấp những chiếc xe tốt nhất và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội bất kể tình hình sẽ thay đổi thế nào trong 20 năm tới".

Kế hoạch cụ thể là Công ty sẽ tiếp tục mang tới cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đồng thời tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Toyota Việt Nam cũng sẽ giới thiệu dòng xe Hybrid và tăng cường các thiết bị an toàn trên các sản phẩm, nhằm giảm thiểu các tác động tới môi trường và gia tăng sự an toàn cho khách hàng.

Trong lĩnh vực sản xuất, "Toyota sẽ tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa góp phần đưa ngành công nghiệp ô tô trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Công ty cũng tiếp tục triển khai thêm các hoạt động mới nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng và sự phát triển bền vững của Việt Nam", ông Maruta nói.

Không chỉ có các hãng xe có nhà máy tại Việt Nam, mới đây, Prico - một nhà cung cấp các thiết bị, linh kiện ô tô của Ấn Độ có 40 năm tuổi cho biết đang có kế hoạch mở rộng hoạt động ở nước ngoài bằng việc mở nhà máy và thực hiện các thương vụ M&A.

Theo kế hoạch của thương hiệu này thì từ nay đến năm 2020, Prico sẽ mở nhà máy ở Mexico và Việt Nam.

Theo MINH HÀO

Cùng chuyên mục
XEM