Thuế nhập khẩu nhựa về 1%, hàng chục doanh nghiệp niêm yết sẽ hưởng lợi

22/02/2016 11:03 AM | Kinh doanh

Theo VCSC, Nhựa An Phát (AAA) sẽ gián tiếp hưởng lợi khi thuế suất nhập khẩu hạt PP về 1%.

Mới đây, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2016/TT-BTC điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 27.07, 29.02, 39.02 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, các sản phẩm Benzen, Xylen trong nhóm dầu và các sản phẩm khác từ chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao, các sản phẩm tương tự có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm (mã 27.07); với benzen, xylen, p-xylen trong nhóm hydrocacbon mạch vòng (mã 29.02) sẽ được điều chỉnh thuế suất về 1%.

Đáng chú ý, sản phẩm polypropylen (hạt nhựa PP) cũng được Bộ tài chính điều chỉnh thuế suất về 1%.

Mức thuế suất mới được áp dụng sẽ chính thức có hiệu lực từ 6/3/2015.

Trước đó, thông tư số 107/2013/TT-BTC đã quy định mức thuế suất nhập khẩu đối với một số mặt hàng như benzen, xylen, p-xylen và hạt nhựa PP tăng theo lộ trình từ 0% lên 3% nhằm bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất hạt nhựa trong nước.

Tuy vậy, việc tăng thuế này cũng gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp sản xuất, sử dụng hạt nhựa. Do đó, việc Thông tư số 16/2016/TT-BTC được ban hành mới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu.

Doanh nghiệp nào được hưởng lợi?

Trên 2 sàn niêm yết và upcom, hiện có không ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhựa. Có thể kể tới như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Đông Á (DAG), Nhựa An Phát (AAA), Bao bì nhựa Sài Gòn (SPP), Nhựa bao bì Vinh (VBC) hay các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện như Cadivi (CAV), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC)….

Việc giảm thuế suất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ắt hẳn mang lại niềm vui cho nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, không hẳn doanh nghiệp nào cũng sẽ được hưởng lợi.

Theo CTCK Bản Việt (VCSC), chính sách mới được áp dụng sẽ giúp mặt bằng giá hạt nhựa PP nhập khẩu giảm. Như vậy, các doanh nghiệp sử dụng hạt nhựa PP làm nguyên liệu sản xuất sẽ được hưởng lợi trực tiếp như Bao bì Nhựa Sài Gòn, Bao bì PP, Nhựa Tân Đại Hưng, Bao bì PP Bình Dương, Nhựa Bao bì Vinh….

Trong khi đó, những “ông lớn” như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Cadivi, Nhựa Đông Á, Cáp nhựa Vĩnh Khánh….sẽ không được hưởng lợi từ việc giảm thuế do nguyên liệu đầu vào của chủ yếu là hạt PVC.

Trong khi đó, Nhựa An Phát dù cũng sản xuất túi, bảo bì nhưng nguyên liệu đầu vào là hạt PE. Do đó Nhựa An Phát cũng không được hưởng lợi trực tiếp từ thông tư này.

Tuy vậy, Nhựa An Phát hiện đang nắm giữ 32% cổ phần tại Nhựa Bao bì Vinh, đơn vị sử dụng nguyên liệu đầu vào là hạt PP. Do đó, Nhựa An Phát cũng sẽ gián tiếp hưởng lợi từ đợt giảm thuế này.

Nhóm doanh nghiệp bao bì chủ yếu sử dụng PP làm nguyên liệu đầu vào

Trong báo cáo triển vọng 2016, CTCK BSC cho rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu túi nilon trong năm 2016 có thể giảm do nhiều nước EU đã thông qua quy định về hạn chế sử dụng túi nhựa và xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm bao bì tự phân hủy. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ tiếp tục kéo dài áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm túi nhựa Việt Nam.

Với ưu đãi giảm thuế nhập khẩu PP về mức 1% tới đây, có lẽ các doanh nghiệp sản xuất bao bì nilon có phần “dễ thở” hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo Tuấn Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM