Thu tiền tải nhạc số: Cuộc chơi không ai muốn tham gia

10/01/2013 09:01 AM | Kinh doanh

Khi quyết định thu phí tải nhạc số có hiệu lực, các cư dân mạng vốn đã quen miễn phí hốt hoảng và thậm chí một số còn tranh thủ download nốt vào thời điểm trước 0h 1/11. Hai tháng trôi qua kể từ ngày đó nhưng có vẻ như cuộc sống của cư dân mạng vẫn không có ảnh hưởng gì đáng kể.


Ngay cả đơn vị đi đầu trong phong trào này, MV Corp cũng thừa nhận không ngờ việc thu tiền nhạc khó đến vậy. Và mới đây, tôi chợt nhận ra rằng thu tiền download nhạc là cuộc chơi không ai muốn tham gia và ngay cả một số đơn vị đi đầu cũng đang tìm cách "né" việc dấn quá sâu vào cuộc chơi, lợi thì có nhưng không trực tiếp này. 


Hãy cùng xem xét bản chất thực sự của vấn đề và vì sao tất cả, có lẽ trừ MV Corp không muốn hay ít nhất là chưa muốn tham gia sâu vào cuộc chơi đầy rủi ro này.


Tóm tắt "luật chơi"


Điểm chính của việc thu tiền này là như sau: người dùng sẽ phải trả 1000đ/bài hoặc 1 khoản phí cố định hàng tháng để có quyền download nhạc 320kbps (chất lượng âm thanh tương đối cao) với đầy đủ thông tin về bài hát. Còn nếu không, người dùng vẫn được quyền nghe miễn phí nhạc 128kbps (hiểu đơn giản thì bitrate càng cao thì file mp3 càng thực và càng hay).


Thu tiền tải nhạc số: Cuộc chơi không ai muốn tham gia? (Phần 1) 1


Không ai muốn chơi và cũng có vẻ là chưa sẵn sàng


Trước hết phải khẳng định rằng người dùng hầu hết (tôi không dám nói tất cả) đều không khoái tham gia cuộc chơi này. Xét cho cùng việc phải bỏ thêm một khoản tiền là không ai thích. Còn các nhà phân phối nhạc, hay gọi một cách dân dã hơn là các website nghe nhạc trực tuyến, họ có vui với cuộc chơi này?


Nhiều người cho ràng họ rất vui vì tự nhiên được một khoản doanh thu thêm và tôi có nghe điều gì đó liên quan đến "ý thức người dùng"... Có vẻ như vậy nhưng sự thật thì chính họ mới là những người buồn nhất trong cuộc chơi này.


Để làm rõ hơn, trước hết hay tìm hiểu doanh thu của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đến từ đâu. Tất nhiên, họ cho nghe nhạc miễn phí, download miễn phí không phải là không có doanh thu (không có tiền và không hấp dẫn thì còn lâu mới có nhiều người lao vào thị trường này như vậy).


Mô hình kiếm tiền của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hay nói một cách "chuyên ngành" hơn, revenue model của họ về cơ bản có điểm giống vớiGoogle. Các website này cung cấp dịch vụ miễn phí nhằm kéo về một lượng người dùng lớn nhất có thể và họ kiếm tiền dựa trên việc bán quảng cáo trên lượng người dùng khổng lồ đó. Và điểm chính của mô hình này là số lượng người dùng tỷ lệ thuận với doanh thu.


Thu tiền tải nhạc chính là việc họ buộc phải tự giảm bớt lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Và tất nhiên, bạn đã thấy mâu thuẫn.


Thu tiền tải nhạc số: Cuộc chơi không ai muốn tham gia? (Phần 1) 2


Lợi ích các doanh nghiệp có được từ việc thay đổi này tạm tính bằng: Số tiền nhạc bản quyền thu được - số tiền mất do giảm người dùng (giảm sức hấp dẫn của việc quảng cáo). Và vì thế có thể hiểu được các trang nhạc như Zing, Nhaccuatui,... không khoái vài triệu kiếm thêm từ tải nhạc bản quyền đến vậy.


Bản chất do người dùng


Thật ra, phương trình lợi ích kia âm hay dương phụ thuộc hoàn toàn vào người dùng. Nói một cách vĩ mô và chung chung, người dùng có ý thức càng cao thì phương trình càng dương và ngược lại. Tất nhiên, tôi không muốn thừa nhận ý thức của người dùng chúng ta còn thấp và tư duy: cứ không phải trả tiền là tốt, nhưng đó là sự thật và mọi chuyện đang diễn ra như vậy.


Tạm chưa nói đến câu chuyện tiết kiệm được 15000 ngàn đồng mỗi tháng hay 1000 mỗi lượt tải, hãy nói đến chuyện ý thức dùng sản phẩm có bản quyền. Tôi đã từng nghe thấy một người bạn của tôi bị chê cười vì... bỏ tiền ra mua key IDM (sản phẩm có khá nhiều "thuốc). Anh bạn này giải thích hành động của mình là: "thuốc" cho IDM có thể gây thiệt hại lớn hơn 500.000 đồng tiền mua bản quyền phần mềm này. 


Nhạc cũng vậy. Nếu như tư duy dùng chùa vẫn cứ còn thì còn lâu chúng ta mới nên nói đến câu chuyện thu tiền nội dung số, và trong đó, nhạc là một phần.


Tất nhiên, cũng không thể đổ hết cho người dùng. Trách nhiệm và vai trò của các nhà cung cấp chúng ta sẽ bàn tại phần 2 của bài viết này: Câu chuyện lách luật và cách hành xử của các trang nghe nhạc.


Y thức người dùng sẽ quyết định chủ yếu việc thu tiền nội dung, mà cụ thể là nhạc số ở đây có thể thành công hay không. Tất nhiên, trong vai trò một nhà cung cấp, họ, những trang web nghe nhạc không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người tiêu dùng. Có điều, để định hình và nghiêm túc trong một thị trường lộn xộn như Việt Nam là rất khó.

Bát nháo

Chúng ta chưa có và có lẽ cũng không thể trong một sớm một chiều có một quy chế quản lý nội dung số hoàn hảo. Nhất là trong lĩnh vực nghe nhạc. Để có 1 site nghe nhạc tàm tạm, mọi việc quá đơn giản và hiện tại tôi đếm sơ sơ có khoảng 40 50 trang nghe nhạc trực tuyến mà phần lớn trong số đó là tự phát. Tuy không có một lượng user đông đảo và chất lượng còn thấp nhưng những site tự phát sẽ là nguồn thay thế trong trường hợp các site "chính thống"' siết quá chặt việc quản lý.

Chính vì có những đối thủ không bị quản lý như vậy, thật khó để mong muốn các website chính thống có thể điều chỉnh hành vi người dùng bằng dịch vụ của mình, đơn giản, nghe nhạc trực tuyến là một loại dịch vụ mà sự gắn kết giữa người dùng và dịch vụ là rất thấp. Nói cách khác, người dùng có thể chuyển dịch vụ nghe nhạc với chi phí gần như bằng 0, ít nhất là với mô hình tại Việt Nam.

Và trách nhiệm của các dịch vụ nghe nhạc

Tất nhiên, không quá hứng khởi đồng nghĩa với việc họ không quá muốn xúc tiến việc thu tiền. Và hậu quả, những điều sau đã xảy ra:

Hệ thống thanh toán

Với một nước có thói quen sử dụng tiền mặt là chủ yếu và thanh toán thẻ vẫn còn là khái niệm xa lạ với nhiều người thì không quá khó hiểu tại sao thu tiền nhạc trực tuyến lại khó đến thế. Ở phương Tây, thẻ thanh toán gần như là thứ bắt buộc với mỗi người. Thậm chí, họ có thể nhận diện người dùng gần như chính xác thông qua thẻ thanh toán mà người đó sử dụng. Ở Việt Nam, không như vậy.

Thu tiền tải nhạc số: Cuộc chơi không ai muốn tham gia (Phần 2) 2

Thực tế, hệ thống thanh toán đang được đánh giá là rào cản lớn nhất về mặt kỹ thuật để tiến tới việc thu tiền bản quyền. Thật ra, tôi hoàn toàn đồng ý việc trả tiền và sẵn sàng để trả 15 đến 30k/ tháng để nghe nhạc. Tuy nhiên, cách nạp tiền và sử dụng quá lằng nhằng khiến tôi không được quyết tâm cho lắm.

Các nhà cung cấp hiện tại, có vẻ như VNG đang làm tốt nhất nhờ vào hệ thống thanh toán rộng lớn của mình có được từ thời còn làm game online.  Bên cạnh đó "gà nhà" Keeng của Viettel cũng hỗ trợ thanh toán thuận tiện, nhờ chiêu trừ trực tiếp tiền vào tài khoản di động Viettel của người dùng. Còn hầu hết các nhà cung cấp khác đang sử dụng các dịch vụ thanh toán trung gian như Bảo Kim hay Ngân Lượng khiến người dùng phải trải qua thêm một vài khâu thanh toán trung gian trước khi mua được nhạc.

Chất lượng

"Hứa thật nhiều thất hứa cũng thật nhiều" đã trở thành thói quen ở Việt Nam. Ngay ngày đầu ra mắt, Zing Mp3 đã "dính" một vụ trá hình nhạc 128 thành 320kbps. Dù hãng này đã xin lỗi sau đó nhưng sự cố này đã khiến lòng tin của người dùng tổn hại nhiều.

Thu tiền tải nhạc số: Cuộc chơi không ai muốn tham gia (Phần 2) 3

Và hầu hết các trang web hiện tại đều chưa hỗ trợ triệt để cho việc thu phí. Chỉ riêng Mp3 Zing là trang duy nhất tôi nhớ là một store tử tế đàng hoàng cho người mua sử dụng. Còn lại, hầu hết chỉ thêm một nút thu tiền khi người dùng download.

Tất nhiên, với người dùng trả tiền, họ sẽ khó tính hơn rất nhiều.

Và lách luật

Không thể trách người dùng thờ ơ hay những rào cản kỹ thuật một khi mà chính các doanh nghiệp còn đang tìm mọi cách để lách luật. Một số trang mà ai cũng biết là trang nào đấy sử dụng chiêu bài "người dùng upload", một số thì "trục trặc kỹ thuât". Một số khác thì "không biết" chặn download từ IDM hay nút download free vẫn vô tình sống...

Tất nhiên, có nhiều lý do để họ lách luật bởi vài triệu mang lại mỗi tháng. Hai tháng đầu tiên thí điểm cả 7 trang lớn thu được gần 20 triệu đồng, không bằng một banner rẻ tiền nhất của MP3 Zing.

Và một khi, ngay chính các nhà cung cấp còn tìm cách lách không muốn tham gia cuộc chơi, thì đâu có lý do gì để nó bắt đầu?

Theo Genk

duchai

Cùng chuyên mục
XEM