Thu phí tải nhạc: Chỉ là nước đi an toàn của các trang nghe nhạc trực tuyến

03/11/2012 20:00 PM | Kinh doanh

“Vải thưa che mắt thánh” ?

Kể từ đầu tháng 11/2012, 7 website được MV Corp công bố đã tiến hành thu phí tải nhạc. Tuy nhiên, đây có thực sự là một giải pháp hữu hiệu hay chỉ là chiêu “vải thưa che mắt thánh”, làm sao để giữ chân các đối tác quảng cáo mà không ảnh hưởng tới lượng người truy cập?

Nước đi an toàn

Chuyện giới nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc than phiền việc các ca khúc của mình được đăng lên và cho phép tải thoải mái trên các trang mạng nghe nhạc đã có từ lâu, nhưng dư luận chỉ thực sự nóng lên khi vào đầu tháng 10, Coca-Cola và Samsung thông báo gỡ bỏ quảng cáo tại trang nghe nhạc hàng đầu Việt Nam Zing.vn.

Động thái của Coca-Cola và Samsung được tiến hành sau khi hãng tin AP đưa ra cảnh báo nỗi quan ngại về nạn vi phạm bản quyền với trang web hiện đứng thứ 6 về lượng người truy cập ở Việt Nam.

Trước sự tác động của những đối tác nước ngoài, các trang nghe nhạc trên mạng đã nhanh chóng nghĩ ra biện pháp sửa đổi. Và biện pháp thu phí tải nhạc được đưa ra.

Thoạt nhìn, nhiều người kỳ vọng đây có thể trở thành bước tiến mới trong cách nghe nhạc, cũng như trong việc khẳng định bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam Tuy nhiên, việc “thu hẹp tiện ích” của các trang mạng lần này tỏ ra quá khiêm tốn.

Dạo qua 7 trang web đi vào thử nghiệm đầu tiên, cũng như các trang nhạc trực tuyến khác, không thấy một thông tin nào nói về việc thu phí tải nhạc. Quyết định được xem là “lịch sử” với nhạc Việt và cư dân mạng, thực tế lại rất nhạt nhòa.

Nguyên nhân đơn giản là những tiện ích bị thu hẹp gần như không ảnh hưởng gì đến người dùng. Các trang nghe nhạc đưa ra định mức thu phí 1.000 đồng với một ca khúc chất lượng cao 320 kbps. Tuy nhiên, những ca khúc ở chất lượng 128 kbps – mức phổ biến nhất hiện nay và được nhiều người sử dụng nhất thì vẫn hoàn toàn miễn phí. Đấy là chưa kể, với những công cụ hỗ trợ download, người dùng cũng có thể download các bài hát chất lượng cao mà không tốn xu nào.

Việc thu phí chỉ được thực hiện với 100 album cũ mà Hiệp hội RIAV bán bản quyền cho Tập đoàn MV. Trong khi đó các ca khúc mới, album mới, thì vẫn tải được miễn phí. Ngay cả việc những bài hát nằm trong 100 album cũ kia, nếu không vào chính danh sách đó tải, mọi người vẫn tải được ở danh sách upload khác.

Chỉ thu phí bài hát cũ, chất lượng không phổ biến, ít người nghe, cách thức thu phí của các trang này cũng hết sức phức tạp.

Một số website buộc người dùng phải đăng kí thành viên và thực hiện thủ tục thanh toán qua hệ thống của riêng mình như Zing thì có Zing xu, Mega Music thì có iCoin.

Những khó khăn nêu trên có thể làm nản lòng chính những người dùng muốn trả phí. Trên thực tế, mọi hình thức thu phí trước khi được đưa ra đều được các trang nghe nhạc trực tuyến “cân đo đong đếm” hết sức thận trọng. Với thói quen sử dụng hàng “miễn phí” bám sâu trong tâm trí người Việt những năm qua, các trang mạng hiểu rằng, chỉ một quyết định sai lầm sẽ khiến mình mất đi một lượng lớn người truy cập, từ đó kéo theo sự sụt giảm về doanh thu quảng cáo.

Vì thế, động thái của các trang mạng vào ngày 1/11 vừa qua không phải là một bước đi “lịch sử”, mà mang tính chất an toàn nhiều hơn. Bằng cách thu phí những thứ … không ai mua, các trang không lo bị ảnh hưởng tới lượng người truy cập những vẫn cho thấy mình “tích cực” bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Học theo Youtube

Các trang chia sẻ nhạc ở Việt Nam có thể học theo cách làm của Youtube. Là một trang chia sẻ video miễn phí, Youtube hiện là một trong những trang web được nhiều người truye cập nhất thế giới, (đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Google và Facebook).

Dù cho phép người dùng thoải mái upload những video mình thích lên, nhưng Youtube vẫn luôn đảm bảo cho người sản xuất đầy đủ quyền sở hữu ở mức cao nhất.

Với một video được tải lên, các công cụ số của Youtube đã ngay lập tức nhận dạng âm thanh, hình ảnh và gửi một bản thông báo tới người upload về sự trùng lắp thông tin. Nếu sau đó có bất kì phản hồi nào từ phía tài khoản sở hữu gốc, ngay lập tức video sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ.

Trong trường hợp người upload ngoan cố không tự gỡ bỏ, Youtube sẽ làm điều này và hạ mức tín nhiệm của chủ tài khoản. Sau vài lần vi phạm bản quyền, tài khoản sẽ bị xóa trên kênh.

Vì thế, dù là một trang web chia sẻ video miễn phí, tất cả các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu thế giới đều có một kênh riêng trên Youtube. Ở Việt Nam, Mỹ Tâm là ca sĩ duy nhất có kênh riêng trên trang mạng này.

Các ca sĩ hài lòng bởi họ được thụ hưởng những lợi ích khác nhau ở trên kênh (như nghe nhạc, lưu trữ, chia sẻ, quảng bá, tiếp cận khán giả... đều miễn phí) mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Điều đó khiến Youtube thu hút mạnh mẽ người dùng trong nhiều năm qua và bản thân người dùng cũng trở thành những người sáng tạo trên Youtube.

Quyền sở hữu trí tuệ thực sự cần phải được xem xét một cách nghiêm túc nếu công dân muốn cộng đồng của mình tồn tại và phát triển nhờ tri thức. Tuy nhiên, để nhìn xa hơn quá trình thực hiện quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, các nhà quản lý nên có những biện pháp mang tính thực tế nhiều hơn là hình thức như hiện nay.

Quốc Dũng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM