Thu nhập khủng nhờ buôn đồ “đồng nát sang chảnh”

05/11/2015 10:14 AM | Kinh doanh

Mới du nhập vào Việt Nam chưa lâu nhưng buôn hàng ký gửi đã trở thành một trào lưu kinh doanh thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, nhất là những người không có quá nhiều vốn đầu tư.

Cũ người, mới ta

Trên thế giới, dịch vụ kinh doanh đồ ký gửi không còn xa lạ. Có rất nhiều thương hiệu bán đồ cũ nổi tiếng làm ăn rất phát đạt như: Second Time Around, Once Upon a Child... hay các website ký gửi như: Tradesy, Theadup...

Ở Việt Nam, mô hình này tuy còn ít nhiều lạ lẫm nhưng đang trở thành một “mốt” kinh doanh mới vô cùng hấp dẫn. Các nhà kho ký gửi (tên Tiếng Anh là Consignista) sẽ là nơi nhận đồ cũ đã qua sử dụng từ quần áo, giày dép, túi xách, sách truyện đến đồ điện tử, đồ gia dụng, nội thất, đồ trẻ em...

Người ký gửi tự định giá hàng ký gửi. Sau đó cửa hàng ký gửi sẽ rao bán lại những món đồ này cho khách hàng có nhu cầu. Khi bán được hàng, một phần hoa hồng từ tiền thu được sẽ thuộc về cửa hàng ký gửi theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên (thường dao động từ 15 – 30% số tiền bán được).

Chị Thanh Ngà, nhân viên một công ty bảo hiểm ở Đống Đa (Hà Nội) đang sở hữu một cửa hàng ký gửi quần áo cũ chia sẻ "mình đến với nghề này sau lần tình cờ đọc một bài viết trên báo về dịch vụ ký gửi."

Sau gần 1 năm kinh doanh, cửa hàng của chị Ngà mỗi ngày đã tiếp nhận cả chục đơn hàng ký gửi đồ. Không chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng, chị còn xây dựng một website, một trang cá nhân Facebook riêng để tiếp thị, bán trực tuyến.

“Mức hoa hồng nhận được sau mỗi lần bán được một sản phẩm là khoảng 20 – 30%. Càng bán được hàng sớm, khách ký gửi càng nhận được nhiều tiền hơn. Đến khi hết hạn ký gửi, nhiều khách thậm chí còn tặng lại đồ cho mình”, chị Hà chia sẻ. Tính ra mỗi tháng, cửa hàng của chị cũng thu được cả chục triệu đồng.

Bạn Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội), ngay sau khi ra trường cũng chọn cách khởi nghiệp cho mình bằng dịch vụ ký gửi đồ. Hùng cho biết với những bạn sinh viên mới tốt nghiệp, muốn thử sức kinh doanh ngay nhưng lại không có nhiều vốn thì đây là mô hình rất hấp dẫn.

Khác với nhiều người thường nhận ký gửi quần áo, đồ thời trang, Hùng nhận ký gửi sách cũ và bán hàng qua Facebook. Khách hàng đặt mua qua mạng còn Hùng thì trực tiếp vận chuyển tới tận tay.

“Thời gian đầu phải làm quen với thị trường nên hàng bán khá chậm. Nhưng dần dần, một đồn mười, mười đồn trăm, bạn bè, anh em ủng hộ, giới thiệu nhiều nên hiện tại công việc kinh doanh rất ổn. Có lúc cao điểm, kho của mình có đến 4000 – 5000 đầu sách ký gửi."

Lấy công làm lãi, tiết kiệm triệt để chi phí (vừa quản lí, vừa trực tiếp giao hàng, dùng nhà làm kho giữ hàng), lại bắt mối với nhiều nguồn hàng, mỗi tháng thu nhập của Hùng cũng lên đến 10 – 15 triệu đồng.

Hàng hiệu cũng vào kho ký gửi

Với chỉ 25 – 30% hoa hồng nhận được từ mỗi sản phẩm, muốn gia tăng thu nhập, đương nhiên các chủ cửa hàng ký gửi phải tìm nhập những món hàng có giá trị cao. Hàng hiệu thời trang trở thành một lựa chọn khôn ngoan.

Ký gửi hàng hiệu mang đến lợi ích cho cả ba phía: kho nhận ký gửi, người ký gửi và người mua. Với người mua, món lợi này rõ ràng không nhỏ. Với số tiền hạn chế, nhiều khi họ có thể “rinh” về nhà những món đồ hạng sang đắt tiền vốn đang được bày bán với giá cắt cổ ngoài tiệm.


Một nhà kho ký gửi Consignista tại Hà Nội.

Một nhà kho ký gửi Consignista tại Hà Nội.

Ở cửa hàng ký gửi hàng hiệu có thể dễ dàng bắt gặp những nhãn hàng thời trang nổi tiếng như: Dior, Burberry, Chanel, Hermes hay Luis Vuitton... Với những món hàng hiệu, chủ hàng ký gửi dù chỉ nhận được 5 – 10% tổng giá trị thì cũng đã... sống khỏe.

Chị Minh Ngọc, chủ một tiệm ký gửi hàng hiệu ở Láng Hạ cho biết: “Mới đầu khách tỏ ra khá e dè khi tới mua hàng. Nhưng mức giá rất ưu đãi nhiều khi lên tới 40% giá ngoài thị trường của sản phẩm, ngày càng có nhiều người tìm đến đặt mua”.

“Cách đây ít ngày, có người tới bỏ ra 35 triệu đồng để mua một chiếc túi xách Chanel. Chị được 10% hoa hồng, nghĩa là 3,5 triệu đồng. Tháng cao nhất, chị đã từng thu về gần 100 triệu đồng”.

Chị Ngọc cho biết, khi nhập hàng phải rất cẩn thận và có con mắt tinh tường để nhận diện đâu là hàng thật, hàng nhái hay hàng đã qua sửa chữa. “Bán hàng nhái cho khách, cửa hàng sẽ mất uy tín ngay, có khi còn phải đền gấp 2 lần tiền thiệt hại cho khách nữa”.

Kinh doanh hàng ký gửi đang mở ra những cơ hội làm ăn mới cho những người ít vốn muốn khởi nghiệp. Nó càng phát triển mạnh mẽ hơn khi tận dụng được thế mạnh của mạng Internet và các dịch vụ bán hàng trực tuyến.

Trong tương lai, bán hàng ký gửi qua mạng sẽ sớm trở thành một công việc trong mơ của những người ham làm giàu.

Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM