Thịt bò của bầu Đức: Bò Úc hay bò giống Úc?

05/02/2015 17:05 PM | Kinh doanh

Việc HAGL vẫn dùng thương hiệu bò tơ Australia có thể sẽ được người dùng liên tưởng là bò Úc nhập khẩu, thay vì việc nhập bò giống Úc về nuôi như cách làm hiện tại của công ty này.

Nội dung nổi bật:

- Tháng 6/2014, bầu Đức đầu tư nuôi bò thịt (nhập từ Úc và Thái Lan) và bò sữa (nhập từ Mỹ và New Zealand). Giai đoạn 1 (2014-2015) đầu tư 3.150 tỷ đồng. Tháng 2/2015, ông tuyên bố: "Nuôi bò lãi hơn bất động sản thời cực thịnh"

- Đàn bò trong nước đang giảm mạnh so với 5 năm trước, trong khi bò nhập khẩu tăng mạnh. Cung thấp, cầu cao, bước đi của bầu Đức là đúng hướng.

- Việc HAGL vẫn dùng thương hiệu bò tơ Australia có thể sẽ được người dùng liên tưởng là bò Úc nhập khẩu, thay vì việc nhập bò giống Úc về nuôi như cách làm hiện tại của công ty này.


Tháng 6/2014, giới kinh doanh trong nước khá bất ngờ với quyết định bỏ hơn 6.000 tỷ đồng để nuôi bò của bầu Đức, hợp tác với Vissan và Nutifood.

Thực ra trước đó, ông bầu này đã đầu tư khá nhiều vào nông nghiệp, từ cây mía, cao su cho đến cọ dầu, bắp. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, mọi con mắt đổ dồn vào bầu Đức mới chỉ qua hình ảnh của bò sữa bởi nguồn cung nguyên liệu sữa trong nước quá thấp và bởi sự lên ngôi của tuyển U19 với cúp bóng đá mang tên HAGL – Nutifood (đơn vị chịu trách nhiệm đầu ra cho sữa của HAGL). Thị trường kỳ vọng, bò của ông Đức sẽ giúp thị trường sữa “lập lại mặt bằng giá, và chắc chắn mức giá của HAGL rất cạnh tranh” như tuyên bố của vị này.

"Nuôi bò lãi hơn bất động sản thời cực thịnh"

Đầu tháng 2 năm nay, tức chỉ già nửa năm kể từ thời điểm công bố thông tin hợp tác 3 bên, bầu Đức đã có thể nở mày nở mặt với báo giới về quyết định đầu tư của mình bằng tuyên bố: "Nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh".

Khi bị chất vấn về mức lợi nhuận cụ thể có thể thu được từ đàn bò, ông Đức từ chối công bố tại buổi ra mắt sản phẩm mới và hẹn sẽ có đáp án rõ ràng từng con số trong dịp Đại hội cổ đông sắp tới. Tuy nhiên, bầu Đức không ngần ngại đặt việc chăn nuôi đàn gia súc này lên bàn cân và khẳng định lợi nhuận từ bò hơn hẳn các ngành còn lại như: thủy điện, mía đường, bắp, cao su, cọ dầu. Ngay cả dự án khu phức hợp cao cấp Hoàng Anh Myanmar sắp mang về cho tập đoàn khoản thu hàng nghìn tỷ đồng cũng bị ông Đức ví là không sánh bằng lợi nhuận từ nuôi bò.

Có một điều chắc chắn rằng, lợi nhuận hiện tại của ông bầu này đang đến trước tiên từ những con bò thịt (chứ chưa phải từ bò sữa), những con bò giống Úc và Thái Lan, vốn được nhập về chỉ để “anh em có thời gian thực tập nuôi bò thịt trước. Vì nuôi bò sữa đòi hỏi điều kiện khó hơn” (ông Đức từng chia sẻ trước báo giới hồi năm ngoái).

 

Ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAGL (bên trái) bắt tay Chủ tịch HĐQT Nutifood Trần Thanh Hải (bên phải) sau khi ký kết hợp tác dự án nuôi bò ngày 9/6/2014.

Ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAGL (bên trái) bắt tay Chủ tịch HĐQT Nutifood Trần Thanh Hải (bên phải) sau khi ký kết hợp tác dự án nuôi bò ngày 9/6/2014.

Trở lại với kế hoạch mà HAGL công bố hồi tháng 6/2014, 6.300 tỷ của HAGL đầu tư vào dự án này sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, HAGL sẽ phát triển 236.000 con bò. Theo bầu Đức, giống bò thịt sẽ được HAGL nhập về từ Thái Lan và Úc, còn bò sữa sẽ nhập từ Mỹ và New Zealand. Giai đoạn 1 được triển khai trong 2 năm 2014 và 2015 với mức đầu tư 3.150 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào năm 2017 với số vốn 3.150 tỷ đồng.

Công ty Vissan sẽ xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc với công suất 78.000 tấn/năm tiêu thụ toàn bộ lượng thịt bò do HAGL cung cấp.

Những lợi thế sẵn có về quỹ đất (hơn 100.000 ha tại ba nước Việt Nam, Lào và Myanmar), cùng các sản phẩm và phụ phẩm từ các cây trồng hiện có (5.000 ha bắp, hàng chục ngàn ha cọ dầu, mía), bầu Đức từng cho biết, doanh nghiệp của mình có thể phát triển đàn bò lên tới 300.000 con chứ không dừng ở con số trên 200.000.

Kết quả chăn nuôi và kinh doanh hiện tại đối với bò thịt của HAGL thuận lợi đến mức, ban đầu quy mô dự kiến là 110.000 con bò thịt thì hiện nay bầu Đức cho hay ông có kế hoạch tăng lên 200.000 con.

Sau khi nuôi bò tại Gia Lai, Lào, Campuchia, nhận thấy Đắk Lắk cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển ngành này HAGL đã xin phép lãnh đạo tỉnh phê duyệt một dự án đầu tư nuôi bò quy mô lớn. "Dự án tại Đắk Lắk ước tính cần đầu tư 5.000-7.000 tỷ đồng nhưng hiện nay vẫn còn nằm trong kế hoạch", ông Đức cho hay.

Bò của bầu Đức: Bò Úc hay bò giống Úc?

Khoảng 5-6 năm gần đây, đàn bò trong nước đang có xu hướng giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng nóng. Tổng đàn bò năm 2014 chỉ đạt hơn 5 triệu con, giảm 1,5 triệu con so với 6 năm trước (năm 2007). Điều này đặt áp lực lên giá thịt bò trong nước và tăng cao nhu cầu nhập khẩu thịt bò ngoại.

Hiếm có thời điểm nào tổng đàn bò tụt dốc mạnh như vậy, bình quân mỗi năm giảm hơn 300 ngàn con. Trái lại, bò "ngoại” liên tục tăng theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2013, cả nước nhập khẩu xấp xỉ 1 triệu con bò. 

Có thể nói, với nguồn cung hiện tại, việc đầu tư vào con bò, cụ thể là bò thịt đang là chiến lược khôn ngoan và đúng thời điểm của bầu Đức và HAGL.

Chẳng thế mà khi chia sẻ với báo chí chiều ngày 4/2/2015, ông Đức đã tuyên bố: "Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh" (Theo VnExpress).

Ông Đức phân tích, có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, dù vấp phải rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, nuôi bò giúp doanh nghiệp tận dụng được mọi nguồn lực đang có (đồng cỏ, nguồn nước, các phụ phẩm nông nghiệp và quỹ đất lớn).

Thứ hai, đây là ngành cho doanh thu ổn định, quay vòng vốn nhanh, lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng hơn hết, ngành này có thể tạo điều kiện để người Việt được ăn thịt bò Úc chất lượng cao, giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc bầu Đức vẫn sử dụng thương hiệu bò tơ Australia mà không dùng thương hiệu bò tơ Việt Nam có lẽ sẽ khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn.

Bởi thực tế các giống bò dù được HAGL nhập từ Australia, Thái Lan hay Mỹ, nhưng việc nuôi dưỡng và chăm sóc đều bằng nguồn thức ăn, nước uống và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam. Nếu sử dụng thương hiệu bò tơ Úc, có thể sẽ được người dùng liên tưởng là bò Úc nhập khẩu, thay vì nhập bò giống Úc về nuôi như cách làm hiện tại của HAGL.

Lý giải về điều này, ông Đức có giải thích rằng, việc giữ thương hiệu như vậy vì ông muốn tôn trọng nguồn gốc, xuất xứ của giống bò này. Ông Đức kỳ vọng, đến năm 2017, HAGL sẽ nhập bò Australia và cả giống bò tốt nhất của Mỹ về nước, cho sinh sản và nuôi lớn bằng nguồn thức ăn Việt Nam. "Lúc đó chúng ta sẽ có thương hiệu bò tơ Việt Nam chất lượng quốc tế đúng nghĩa “.

Với nhu cầu thịt bò ngày càng tăng, cách chăn nuôi quy mô và hiện đại của HAGL và một số nhà đầu tư khác (đang có kế hoạch nuôi bò) được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cơ cấu nguồn cung, giá cả và thói quen tiêu dùng thịt bò trong thời gian tới.

>> Vì sao bầu Đức đổ hàng ngàn tỷ nuôi bò sữa?

Kỳ Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM