Thiết bị y tế: Đấu ở tầm cao

30/10/2014 07:50 AM | Kinh doanh

Thị trường thiết bị y tế (TBYT) được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt, lên tới 1 tỷ USD vào năm 2015, nhưng do đặc thù, lợi thế kinh doanh lại chỉ tập trung ở một số công ty

Mảnh đất màu mỡ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2013, cả nước có 1.069 bệnh viện và hơn 40.000 phòng khám. Con số này rất khiêm tốn so với quy mô 92 triệu dân ở Việt Nam. Tính ra Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 25 giường bệnh cho 10.000 người. Không chỉ thế, hệ thống TBYT ở các bệnh viện vẫn thiếu, chưa đồng bộ và lạc hậu so với các nước trong khu vực.

Vì thế nhu cầu mua, thay thế TBYT là rất lớn. Riêng TP.HCM dự kiến sẽ cần khoảng 900 triệu USD để nâng cấp TBYT cho các bệnh viện. Bên cạnh đó, trước xu hướng xã hội hóa y tế và người dân ngày càng có nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, các bệnh viện, phòng khám phải đầu tư thêm TBYT để có thể cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận chung, Việt Nam mới có hơn 50 công ty sản xuất TBYT, phần lớn chỉ sản xuất các mặt hàng đơn giản. Vì thế, nghiên cứu của Espicom Business Intelligence (công ty con của Business Monitor-BMI) cho hay, 90% TBYT ở Việt Nam đều phải nhập khẩu.

Trong đó, 30% tổng giá trị nhập khẩu TBYT là các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, bao gồm máy cộng hưởng từ MRI, máy chụp CT, thiết bị siêu âm và X-quang. Các quốc gia cung cấp chính TBYT cho Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đức, chiếm khoảng 55% giá trị nhập khẩu TBYT của Việt Nam.

Espicom Business Intelligence cũng chỉ ra, doanh thu từ thị trường TBYT Việt Nam đã liên tục tăng, từ mức hơn 634 triệu USD năm 2012 lên 609 triệu USD năm 2013, dự kiến đạt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2015 và ước đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2018.

Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành này cho giai đoạn 2013 - 2018 dự báo là 16,6%, vượt trội so với với mức tăng trưởng bình quân hiện nay của thế giới (7%).

Tuy nhiên, chi tiêu cho TBYT của Việt Nam năm 2013 tính trên đầu người mới chỉ 7 USD, thấp so với Thái Lan (12 USD), Malaysia (35 USD), Singapore (103 USD) và bình quân trên thế giới (50 USD). Giới phân tích kỳ vọng đến năm 2018, mức chi tiêu TBYT ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, lên 14,5 USD/người.

Với tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn, ngành TBYT vẫn là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều công ty tham gia. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 1.000 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực TBYT. Đặc biệt, nếu như năm 2012, Bộ Y tế chỉ cấp phép nhập khẩu TBYT cho 3.997 đơn thì đến năm 2013, con số này là 4.205 đơn hàng.

Lợi thế quyết định

Sức hút của ngành TBYT còn đến từ khả năng sinh lời. Ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) cho rằng, đầu tư TBYT ít rủi ro, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận hấp dẫn. Nhìn vào kinh doanh TBYT của JVC, biên lợi nhuận gộp trung bình các năm qua là 35-40% - một mức biên lợi nhuận vượt trội so với các ngành khác.

Tuy nhiên, để có được mức tăng trưởng này, JVC cũng như các đơn vị cùng ngành là Danameco, Vimedimex đều phải đạt một vị thế nhất định trong ngành. Chỉ sau 13 năm hoạt động, JVC trở thành công ty nắm thị phần cung cấp thiết bị chẩn đoán hình ảnh lớn nhất (40%), vượt cả các đổi thủ nước ngoài như Siemens (chiếm 30% thị phần), Philips, GE, Toshiba, Smith, Shimazdu, Gold Life...

Theo các báo cáo phân tích, JVC cũng tự xây dựng nhiều lợi thế mà các đơn vị khác phải thèm muốn. Thứ nhất, JVC đã trở thành nhà phân phối độc quyền hoặc nhà phân phối trực tiếp cho nhiều hãng sản xuất TBYT nổi tiếng thế giới như Hitachi, Fuji, GE, Carestream Health, Elekta, Kinky Roentagen, Toray, Konica, Horizon... tại Việt Nam.

Vì thế, so với các nhà phân phối thứ cấp, JVC có lợi thế về giá và được hưởng chiết khấu tốt hơn. JVC lại tạo được nhiều mối quan hệ thân thiết, trực tiếp với lãnh đạo các bệnh viện, các sở y tế, các phòng khám... nên 75% doanh thu của JVC là bán hàng trực tiếp.

Cách thức mua tận gốc bán tận ngọn giúp JVC vừa có thể bán với giá cạnh tranh lại vẫn đạt biên lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Đặc biệt, nhờ thiết lập quan hệ tốt với nhà cung cấp lẫn các bệnh viện mà JVC thuận lợi hơn các đơn vị phân phối trong nước (nước ngoài không được tham gia) khi đấu thầu và thắng thầu ở các dự án mua sắm TBYT tại các bệnh viện công, các hợp đồng đầu tư y tế của Chính phủ cũng như của các tổ chức quốc tế như World Bank, Global Fund...

Các công ty như JVC thường chỉ mất 1 tháng để thực hiện xong các quy trình thủ tục trong khi một số công ty lại cần đến vài tháng. Đó là nhờ các TBYT mà JVC nhập từ Nhật và châu Âu đều được Bộ Y tế và các bệnh viện lớn công nhận nhờ tiêu chuẩn cao và hoạt động tốt.

Cơ cấu doanh thu của JVC năm 2013:
Kinh doanh thiết bị y tế: 53,87%
Bán vật tư tiêu hao: 26,09%
Đầu tư liên kết: 16,33%
Khám sức khỏe lưu động: 1,85%
Dịch vụ khác: 1,85%

Với các hãng nước ngoài như Siemens, lợi thế là cung cấp các giải pháp và công nghệ y tế sáng tạo, đa dạng, từ thấp đến cao và hỗ trợ được cho khách hàng ở mức cao nhất.

Những cơ hội mới

Mặc dù kinh doanh thiết bị y tế đạt tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhưng theo các nhà phân tích, đây là ngành chịu rủi ro về chính sách, tỷ giá và thường bị thanh toán chậm trễ.

Chưa kể, ở nhiều đơn vị, tăng trưởng lợi nhuận gộp của TBYT đã gần đạt mức tối ưu. Để có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh doanh tốt hơn trong tương lai, các doanh nghiệp phải mở rộng thêm hoạt động trên cơ sở các lợi thế sẵn có.

Cụ thể, JVC đang chú ý đẩy mạnh mảng liên kết đầu tư và khám bệnh lưu động cũng như mở rộng thêm trung tâm kỹ thuật cao và triển khai mô hình tổng thầu vật tư tiêu hao (SPD). Theo lãnh đạo Công ty, đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, mang tính tiên phong lại ít rủi ro.

Chẳng hạn, năm 2013, dịch vụ xe khám lưu động đạt tăng trưởng doanh thu 15,3% với biên lợi nhuận gộp trên 50%. Nhưng với 30 xe khám bệnh lưu động như hiện nay, công ty mới chỉ đáp ứng 2% nhu cầu thị trường. Hay thị trường đang cần đến 3.600 TBYT mới theo hình thức liên kết đầu tư.

Theo đó, Công ty cung cấp TBYT cho bệnh viện, cử kỹ sư đến hướng dẫn và hưởng 60 - 70% thu nhập mỗi ca. Biên lợi nhuận gộp của hoạt động này lại rất hấp dẫn, từ mức 31% năm 2013 lên 45,6% trong 6 tháng 2014.

Theo kế hoạch trình đại hội cổ đông bất thường giữa 9 vừa qua, JVC đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của mảng liên kết và khám sức khỏe lưu động từ 18% tổng doanh thu như hiện nay lên 60% tổng doanh thu vào năm 2018. Để làm được điều này, JVC cần 1.008 tỷ đồng cho đầu tư.

JVC dự định rót 140 tỷ đồng để đầu tư thêm 100 xe khám bệnh lưu động cũng như chi 426 tỷ đồng để đầu tư liên kết cho 21 bệnh viện mà Công ty đã thương thảo thành công. JVC cần 316 tỷ đồng để đầu tư 3 trung tâm kỹ thuật cao ở 3 bệnh viện.

Riêng với mô hình hợp tác SPD, JVC sẽ phải hợp tác với đối tác Nhật Bản và rót thêm 215 tỷ đồng để nắm 51% vốn tại đây. Trước mắt, JVC sẽ triển khai thử nghiệm mô hình này ở 2 bệnh viện công và 2 chuỗi bệnh viện tư.

Tính ra chỉ hơn 2 năm trở lại, JVC đã liên tục tăng vốn, từ mức 224 tỷ đồng (cuối 2011) dự kiến lên 1.325 tỷ đồng đầu 2015. Điều này cho thấy, dù là kinh doanh hay mở rộng hoạt động, lĩnh vực TBYT luôn đòi hỏi vốn lớn. Các công ty không xoay xở vốn được sẽ khó có được ưu thế, không thể nắm bắt cơ hội và khó duy trì đà tăng trưởng cao.

>> Bác sỹ giàu nhất thế giới và khát vọng cải tiến nền y tế toàn cầu

Theo Ngọc Thủy

Cùng chuyên mục
XEM