Thị trường bia Việt: 'Mảnh đất màu mỡ' cho nhà đầu tư nước ngoài

22/05/2015 14:50 PM | Kinh doanh

Theo VBA, năm 2014 sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng khoảng 3% và đạt 3,1 tỷ lít, tương ứng giá trị khoảng 4,56 tỷ USD.

Nội dung nổi bật:

- Theo Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA),  trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 30 lít bia/năm, đứng hàng thứ 50 trên thế giới, đứng thứ 5 trong 10 nước châu Á, chỉ xếp sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

- Hầu hết các nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới như Carlsberg, Anheuser – Busch InBev, Sapporo đều đã đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

- Thai Beverage (ThaiBev) –  tập đoàn bia thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi từng bày tỏ mong muốn nắm giữ 40% cổ phần tại Sabeco.


“Mảnh đất màu mỡ”

Theo VBA, năm 2014  sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng khoảng 3% và đạt 3,1 tỷ lít, tương ứng giá trị khoảng 4,56 tỷ USD. Lượng bia tiêu thụ của Việt Nam được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng cao trong tương lai. Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết, theo quy hoạch phát triển ngành bia rượu, nước giải khát Việt Nam, mục tiêu của nước ta đặt ra là đến năm 2020, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia sẽ đạt 4,5 tỷ lít, tăng khoảng 1,3 tỷ lít so với hiện tại. Đây là một "mảnh đất màu mỡ" cho các nhà đầu tư ngoại đến "khai phá".

Mới đây nhất, ngày 21-5, tại KCN VSIP 2 (Bình Dương), tập đòan Anheuser – Busch InBev đã chính thức khánh thành Nhà máy bia AB InBev tại Việt Nam sau 1 năm rưỡi đầu tư và xây dựng nhà máy. Nhà máy bia này được xây dựng trên tổng diện tích 100.000m2 với công suất thiết kế ban đầu 50 triệu lít bia/năm và sẽ tăng lên 100 triệu lít bia/năm trong giai đoạn II.  Trước mắt nhà máy sẽ sản xuất 2 nhãn hiệu bia đang được bán ở hơn 80 nước trên thế giới đó là bia Budweiser và Beck’s với phân khúc được nhắm đến là bia cao cấp có giá bán khỏang 20 USD/thùng (tương đương 430.000đ/thùng).

Nhà máy bia AB InBev ở Bình Dương.

Nhà máy bia AB InBev ở Bình Dương.

Ông Michel Doukeris, Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của AB InBev chia sẻ: “Châu Á Thái Bình Dương là một trong 3 thị trường lớn nhất của công ty AB InBev trên toàn thế giới về mặt sản lượng và Việt Nam được xem là bước ngoặt tiếp theo của chúng tôi tại Đông Nam Á. Tại đây có một nền văn hoá bia mạnh mẽ, một môi trường kinh doanh lành mạnh và lực lượng lao động cạnh tranh.  

Đặc biệt, Việt Nam có một vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, có thể dễ dàng tiếp cận các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng các hoạt động tại đây và việc thành lập nhà máy tại Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và cho phép chúng tôi có thể phục vụ tốt hơn cho 90 triệu người tiêu dùng tại đây”.

Một “đại gia” từ Nhật Bản là Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cũng cho biết đang có kế hoạch từng bước nâng công suất nhà máy sản xuất bia tại Long An sang giai đoạn 2, tức 100 triệu lít/năm so với mức 40 triệu lít/năm như hiện nay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Theo đánh giá của Sapporo, thị trường bia trong năm 2015 sẽ còn tiếp tục giữ vị trí tăng trưởng khoảng 8-10% tương tự như năm 2014. Chính vì thế việc mở rộng công suất của nhà máy trong giai đoạn này là cần thiết để đón đầu những cơ hội cạnh tranh trên thị trường.

Ông Hirofumi Kishi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, chia sẻ: “Là người mới ở thị trường bia sôi động Việt Nam, Sapporo cam kết mang đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm với chất lượng Nhật Bản và sự an toàn, an tâm cao nhất. Bên cạnh đó, việc đầu tư và nâng cao công suất sản xuất nhà máy cũng đã khẳng định Sapporo đã có những bước đi đúng đắn, chiến lược phát triển thị trường phù hợp.”

Người Thái đang đến

Hồi cuối năm 2014, Thai Beverage (ThaiBev) – tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi, đã trình bày với Chính phủ Việt Nam đề xuất muốn mua cổ phần tại Tổng công ty Cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). ThaiBev định giá công ty này ở mức khoảng 2,4 tỷ USD và bày tỏ mong muốn nắm giữ 40% cổ phần tại đây. Trong khi đó, một doanh nghiệp khác của Thái là Tập đoàn Singha - hãng sản xuất Singha Beer cũng đã bày tỏ sự quan tâm với Sabeco.

Sabeco hiện chiếm lĩnh 46% thị trường bia Việt Nam với nhiều thương hiệu như bia 333 hay Bia Sài Sòn. Chính phủ đang sở hữu hơn 89% cổ phần công ty này và đang có kế hoạch bán tối đa 53% cổ phần cho một hoặc một vài nhà đầu tư chiến lược. Năm 2014, Sabeco thu về 30.110 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, sản lượng tiêu thụ năm 2014 đạt 1.394 triệu lít bia, và hơn 35 triệu lít nước giải khát, lãi ròng đạt 3.049 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013.  Năm 2015, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu tăng 3% lên 31.721 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 2%, đạt 3.108 tỷ đồng.

Ngoài Sabeco, một loạt các doanh nghiệp Việt đình đám khác cũng lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư ngoại. Hồi cuối năm 2011, hãng bia lừng danh của Đan Mạch là Carlsberg đã mua toàn bộ Huda Beer (bia Huế).  Carlsberg thâm nhập thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1993 thông qua việc thiết lập liên doanh với Công ty Bia Việt Hà và Carlsberg sở hữu 60% cổ phần của liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á. Tỷ lệ vốn góp ban đầu của Carlsberg tại Việt Hà chỉ là 35%.

Năm 2007, Carlsberg đã mua lại 30% cổ phần của Công ty Bia Hạ Long và cuối năm 2007, Habeco và Carlsberg cùng nhau thành lập liên doanh mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nhà máy công suất 50 triệu lít/năm.  Năm 2008, Carlsberg được chỉ định là đối tác chiến lược của Habeco - doanh nghiệp đang chiếm 15% thị phần bia, và mua lại 16,07% cổ phần của Habeco. Hiện doanh nghiệp này đang chiếm tới 17,23%% vốn điều lệ và đang đề xuất tăng phần vốn nắm giữ lên 30%.

Duy Khánh

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM