Thế lưỡng nan của GrabTaxi, đâu sẽ là điểm cân bằng?

01/09/2015 09:06 AM | Kinh doanh

Không thuyết phục được những hãng taxi lớn, nay những hãng taxi nhỏ cũng quay lưng, GrabTaxi đang lâm vào thế khó.

Hơn 1 năm trước, khi lần lượt Easy Taxi, GrabTaxi rồi đến Uber vào Việt Nam, thị trường ứng dụng booking taxi online (đặt xe trực tuyến) hứa hẹn sôi động với cuộc đua tam mã.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, một chú ngựa đã tỏ ra hụt hơi. Tuyên bố bỏ ra tới 1 triệu USD để thu hút người dùng Việt Nam, nhưng Easy Taxi nhanh chóng 'mất hút'.

Cánh tài xế đánh giá, ứng dụng này khó dùng hơn hẳn so với GrabTaxi. GrabTaxi một mô hình tương đồng với Easy Taxi nhưng được phát triển bởi một công ty ở Đông Nam Á là Malaysia. Những hoạt động quảng bá của GrabTaxi tỏ ra hiệu quả hơn hẳn khi sau những đợt khuyến mãi lớn, ứng dụng này đã thu về những thành công nhất định khi lôi kéo được nhiều người sử dụng.

Về bản chất, mô hình GrabTaxi có nguồn thu từ việc công ty vận tải/tài xế trả tiền để GrabTaxi kết nối họ với khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, để lôi kéo một lượng người dùng đủ lớn, trong giai đoạn đầu tại Việt Nam GrabTaxi chấp nhận làm ngược lại: Trả tiền cho cánh tài xế để phát triển thị trường.

Những bước đi của GrabTaxi cũng rất khôn ngoan khi công ty công nghệ này được sự hậu thuẫn của Chính phủ thông qua chương trình lái xe an toàn hay xây dựng hệ thống quản lý taxi. Bộ giao thông vận tải cũng chỉ định Grabtaxi thí điểm dịch vụ gọi xe bằng công nghệ.


Tuy nhiên, sau bước khởi đầu tốt đẹp, đến lượt GrabTaxi bộc lộ những điểm yếu chí mạng. Rất nhanh sau khi GrabTaxi giảm dần các hình thức khuyến mãi và tiến hành thí điểm việc thu phí taxi tại Hà Nội, các hãng taxi tại đây nhanh chóng quay lưng lại với ứng dụng này.

Những hãng taxi nhỏ tại Hà Nội như Thành Công, Ba sao, Thanh Nga, sao Hà Nội lần lượt tuyên bố cấm tài xế của mình sử dụng ứng dụng của GrabTaxi. Đây là một thiệt hại nặng nề cho GrabTaxi bởi điều này tương đương với khoảng 5.000 xe taxi sẽ ngừng sử dụng dịch vụ này.

Nếu coi những công ty trên là một đơn vị, thì con số 5.000 taxi xếp thứ 3 thị trường, chỉ sau Mai Linh và Vinasun.

Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thiên Phong (taxi Thành Công) cho rằng, taxi Thành Công đã hợp tác với GrabTaxi triển khai ứng dụng này và kết quả thu được khả quan khi lượng khách tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, công ty cho rằng GrabTaxi không tuân thủ cam kết, đưa cả taxi “dù” vào hệ thống làm ảnh hưởng đến tên tuổi các hãng.

Trước đó, ông Quân thường là đại diện cho các hãng taxi ra mặt ủng hộ GrabTaxi. Khi ứng dụng này chuẩn bị thu phí với tài xế, chính ông cũng là người cho rằng “Mức phí này là hợp lý. GrabTaxi đã chịu lỗ nhiều tại Việt Nam và đây là lúc họ bù lỗ”.

Tại sao một liên minh “Nhiều bên cùng có lợi” - từ các hãng taxi, người tiêu dùng lẫn GrabTaxi lại dễ dàng tan vỡ đến vậy?

Câu trả lời dường như không phải chỉ là sự hiểu lầm như GrabTaxi tuyên bố. Các hãng taxi nhỏ tỏ ra lo ngại việc dựa vào GrabTaxi sẽ khiến họ mất dần tên tuổi và thương hiệu của mình. Dần dần, các hãng taxi sẽ phải phụ thuộc vào GrabTaxi để tìm kiếm nguồn khách hàng.

“Hành khách không biết, taxi đó của hãng nào mà chỉ nghĩ đó là xe của GrabTaxi. Trong khi đó, xe taxi đó là tài sản, con người của các hãng taxi,” đại diện taxi Thành Công chia sẻ.

Ngoài ra, hàng tháng, các công ty taxi đều thu một khoản phí cố định không nhỏ gọi là “phí bộ đàm” cho tài xế, vì vậy, việc tài xế thường xuyên sử dụng GrabTaxi để tìm khách hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro mất nguồn thu của các hãng taxi.

Thực tế, ứng dụng GrabTaxi chỉ được sử dụng phổ biến ở các hãng taxi nhỏ. Những hãng taxi lớn nhất thị trường, như Vinasun (Tp Hồ Chí Minh), hay Taxi group (Hà Nội) đều cấm nhân viên của mình sử dụng ứng dụng này ngày từ đầu. Mai Linh, chưa bao giờ công khai cho tài xế của mình dùng GrabTaxi, nay cũng đã tuyên bố lệnh cấm. Thậm chí, Vinasun và Mai Linh còn tự xây dựng ứng dụng booking online cho riêng hệ thống của mình.


Vinasun và Mai Linh cũng không chịu thua kém khi xây dựng ứng dụng đặt xe trực tuyến của riêng mình

Không thuyết phục được những hãng taxi lớn, nay những hãng taxi nhỏ cũng quay lưng, GrabTaxi đang lâm vào thế khó.

Còn lượng người dùng đông đảo mà GrabTaxi đã chấp nhận chịu thua lỗ để kéo về thì sao?

Trong một cuộc hội thảo về phát triển TMĐT, bà Emily Thu Đỗ, giám đốc marketing của GrabTaxi Việt Nam cho biết, sự trung thành của khách hàng Việt Nam khi sử dụng các ứng dụng không cao bằng các nước khác.

Thị trường Việt Nam rất dễ chia sẻ thông tin khuyến mại, dẫn đến sự lạm dụng quảng cáo cao. Các doanh nghiệp làm ứng dụng di động cần xác định đây là chặng đường dài hạn, mỗi pha có thể kéo dài tới 3 - 5 năm, tốn khá nhiều vốn, vốn đầu tư phải ổn định, lúc nào cũng phải tìm kiếm hướng đi mới để mở rộng thị trường", bà Emily chia sẻ.

Câu trả lời của bà Emily không mới. Câu hỏi đặt ra là với người dùng kém trung thành như vậy thì sau những đợt khuyến mãi, GrabTaxi sẽ còn lại gì? Ứng dụng này sẽ phải làm gì để mang tới những giá trị bền vững cho người tiêu dùng, thỏa mãn các hãng taxi và đồng thời vẫn mang về lợi nhuận cho bản thân? Đâu sẽ là “điểm cân bằng” cho GrabTaxi tại Việt Nam?

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM