Tàu siêu tốc Shinkansen: "Người hùng" giúp Tokyo lột xác

24/09/2015 14:42 PM | Kinh doanh

Trong lịch sử 51 năm hoạt động, tàu siêu tốc shinkansen đã vận chuyển hơn 10 tỷ hành khách và chưa bao giờ có một thương vong nào.

Tầm nhìn thế kỷ của người Nhật

Nửa thế kỷ trước, 10h sáng ngày 01/10/1964, không sai chỉ một giây, hai chuyến Shinkansen đầu tiên đã chính thức đến Osaka và Tokyo.

Hàng trăm người đã ngủ đêm ở nhà ga để chờ đón sự kiện trọng đại này. Chuyến shinkansen lịch sử được vận hành chỉ một tuần trước khi Olympic Tokyo bắt đầu. Người Nhật đã có một tuần mất ngủ để chứng kiến những thành công mới của đất nước. Hai chuyến Shinkansen đến nơi, người ta vỡ òa ra trong niềm hạnh phúc hân hoan và lạc quan tin tưởng vào tương lai đất nước.

Nước Nhật bước sang một chương mới của sự phát triển và phục hồi từ đống đổ nát hoang tàn của Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trước đây để đi từ Tokyo đến Osaka người ta mất 7 tiếng, nay với Shinkansen, thời gian chỉ còn lại 4 tiếng.

Chuyến tàu siêu tốc Shinkansen đầu tiên được khai trương tại Nhà ga quốc gia Tokyo ngày 1/10/1964 trong hành trình đến Osaka.

Chuyến tàu siêu tốc đầu tiên trên thế giới được xây dựng với mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế Nhật lên mức thần tốc hơn nữa. Trước khi có shinkansen, người Nhật đã có một hệ thống tàu điện khá hiệu quả, tuy nhiên dường như nó vẫn là chưa đủ với tham vọng phát triển thành “siêu cường” của người Nhật.

Shinkansen ra đời đã đáp ứng được mong muốn đó. Tên gọi đầu tiên “Tokaido Shinkansen” đã cho thấy rõ mục đích của những nhà hoạch định chính sách Nhật cũng như những kỹ sư tâm huyết để chế tạo được Shinkansen: Đưa người Nhật đến với thủ đô.

 

Mục tiêu này có nhiều lý do lịch sử của nó. Các nhà hoạch định chính sách Nhật đã nhìn trước tương lai phát triển của Tokyo, vì thế họ cần một loại phương tiện để giúp người lao động của mình có thể dễ dàng kết nối với thủ đô, đồng thời giúp kích thích nhiều hoạt động kinh tế khác phát triển.

Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Tokyo bị phá hủy nặng nề. Theo định hướng của chính phủ Nhật, phần lớn các ngành nghề được tập trung ở Tokyo. Hàng triệu người trẻ Nhật đổ xô đến Tokyo tìm việc và sinh sống. Tuy nhiên họ không có nhiều tiền tiết kiệm, chính vì vậy họ chỉ có thể mua nhà ở xa những khu trung tâm đô thị đông đúc.

Nhu cầu bất động sản cao trong bối cảnh kinh tế phát triển tốt khiến giá bất động sản tại Tokyo tăng vọt vào thập niên 1970, đến thời kỳ thị trường bất động sản rơi vào trạng thái “bong bóng” thập niên 1980, các gia đình ít tiền càng bị đẩy ra xa trung tâm hơn. Tokyo phình to với tốc độ khủng khiếp.

Khu vực Tokyo mở rộng bao trùm đến 4 tỉnh xung quanh đã trở thành một trong những siêu đô thị đầu tiên trên thế giới. Đến năm 2010, có đến 35 triệu người sinh sống ở Tokyo mở rộng, tức là tương đương 27% tổng dân số Nhật. Chính vì vậy, việc mỗi ngày dành 2 tiếng để đi phương tiện công cộng là điều bình thường. Với sự phát triển chóng mặt như trên, shinkansen đáp ứng được rất tốt nhu cầu đi lại của người làm việc trong Tokyo.

Shinkansen ra đời đã đáp ứng được mong muốn đưa người Nhật đến với Thủ đô.

 

Thế giới chắc chắn không xa lạ gì với những hình ảnh hàng chục người bị dồn và ấn vào những toa tàu đã quá chật chội đến cảm tưởng như mỗi người chỉ được đứng bằng một chân. Hình ảnh đó có thể đáng sợ nhưng nó cũng cho thấy tính hiệu quả của hệ thống tàu điện Nhật.

Hiệu quả và kỷ cương được đặt lên hàng đầu

Tất cả những người nước ngoài đã từng đến Nhật đều phải công nhận về sự hiệu quả và kỷ cương của hệ thống tàu ở Nhật. Các chuyến tàu ở Nhật chưa bao giờ chạy sai giờ dù chỉ một phút. Tàu ở Nhật sạch nhất thế giới. Những nhân viên nhà ga đeo găng tay trắng lịch sự nhất thế giới.

Ngay cả ở thời điểm hiện tại khi kỷ cương làm việc của nhiều công ty Nhật đã ít nhiều thay đổi sau 2 thập kỷ kinh tế tăng trưởng trì trệ, khó khăn thì nếp làm việc của nhân viên các công ty vận tải của Nhật vẫn được giữ vững.

Thời gian chuyển tàu ở Nhật được tính cả bằng giây, với số lượng người cần được vận chuyển cao khủng khiếp, các chuyến tàu không bao giờ được phép đến muộn. Shinkansen cũng như vậy. Chính vì thế ngoài việc vận hành Shinkansen, tất cả các hoạt động liên quan cũng phải được tiến hành nhanh gọn và hoàn toàn chính xác. Việc dọn vệ sinh Shinkansen cũng như vậy.

Mỗi khi những chuyến shinkansen dừng lại ở nhà ga cuối, ngay lập tức hành khách sẽ được thấy những “thiên thần áo hồng” đứng ngoài chờ sẵn. Để chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến shinkansen tiếp theo, họ sẽ dọn dẹp thật sạch tất cả các toa. Những nhân viên phục vụ áo hồng sẽ dọn sạch hoàn toàn mọi rác rưởi và các vết bẩn trong vòng 5 phút để shinkansen bắt đầu hành trình mới.

 

Những nhân viên phục vụ áo hồng sẽ dọn sạch hoàn toàn mọi rác rưởi và các vết bẩn trong vòng 5 phút.

Theo ông Takashi Hara, giáo sư ngành khoa học chính trị đồng thời là chuyên gia về đường sắt tại Nhật, chính sách phát triển tuyến Shinkansen có sự góp công của rất nhiều người, trong đó đặc biệt phải kể đến ông Kakuei Tanaka, Thủ tướng Nhật từ năm 1972 đến năm 1974.

Ông đã bắt đầu những nỗ lực để phát triển hệ thống tàu siêu tốc suốt từ đầu thập niên 1960 trong vai trò của một chính trị gia. Ông muốn giao thông từ Tokyo đi các tỉnh và ngược lại phải nhanh và hiệu quả hơn để có thể phát triển được kinh tế. Giáo sư Hara chỉ ra Shinkansen đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của đất nước Nhật Bản. Thời gian đi lại giảm đáng kể, tần suất rung lắc được giảm xuống mức tối thiểu.

Shinkansen đi đến đâu, dịch vụ phát triển nở rộ đến đó. Chính quyền các tỉnh của Nhật ra sức vận động để chính phủ mở tuyến Shinkansen về tỉnh của họ, bởi họ tin Shinkansen sẽ giúp mang lại rất nhiều tiền, việc làm, khách du lịch và doanh thu cho địa phương.

Shinkansen của hiện tại và tương lai

Đến đầu thập niên 1990, tuyến Shinkansen mới đã được xây dựng để nối Tokyo với Nagano, nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông năm 1998. Đây được coi như tuyến đường sắt lãng mạn nhất tại Nhật bởi nó đi qua nhiều khu vực nông thôn rất đẹp.

Tuy nhiên cũng giống như nhiều tuyến tàu đi qua khu vực nông thôn khác, tuyến shinkansen này hứng chịu nhiều chỉ trích bởi nó không mang lại nhiều lợi nhuận. Cuối cùng, chỉ còn nhà ga Nagano và Karuizawa có shinkansen, các khu vực nông thôn khác không còn được dùng shinkansen nữa. Người dân địa phương phải chuyển sang dùng ô tô hoặc xe bus.

Dù vậy shinkansen cũng đã giúp đưa rất nhiều người lao động trẻ ở nông thôn ra Tokyo. Đến lúc này, chức năng của những căn nhà ở nông thôn chỉ đơn giản là nơi ngủ đêm của người lao động. Sở dĩ người lao động Nhật có thể đi khoảng cách xa đến chỗ làm như vậy là bởi các tập đoàn luôn chịu trách nhiệm trả tiền cho tiền đi lại của nhân viên.

Cơ quan thuế của Nhật không tính khoản tiền đi lại 100 nghìn yên/tháng vào phần thu nhập chịu thuế, chính vì vậy việc đi shinkansen 2 tiếng mỗi ngày không phải điều gì quá to tát. Chính vì vậy, những chuyến shinkansen giữa các tỉnh lân cận và Tokyo lúc nào cũng đông chật những người đi làm ở Tokyo và cuối ngày về nhà nghỉ ngơi.

Bởi đầu tư một tuyến shinkansen rất tốn kém, vì vậy, các điểm đến chỉ được nối với thủ phủ của các tỉnh hoặc những điểm rất đông khách du lịch. Chính vì lý do đó mà nhiều khi đi shinkansen đến thành phố trung tâm của một tỉnh ở xa còn dễ hơn việc đi đến một thị trấn rất gần.

Số lượng người đi shinkansen ngày một đông. JR East đã phải đào rất sâu xuống dưới lòng đất dưới ga Tokyo để xây dựng tuyến shinkansen mới. Nhà ga shinkansen sâu nhất chính là nhà ga mới cho chuyến shinkansen nối Tokyo và Nagoya nằm 40 mét dưới lòng đất dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2027. Dù hiện tại giữa Tokyo và Nagoya đã có shinkansen, thế nhưng tuyến mới khi đi vào hoạt động sẽ còn khiến Tokyo và Nagoya trở nên gần nhau hơn nữa.

Nằm cách Tokyo 260 cây số, hiện tại nếu đi bằng shinkansen, từ Tokyo đến Nagoya sẽ mất khoảng 100 phút. Tuy nhiên khi tuyến shinkansen mới được vận hành, thời gian đi lại sẽ chỉ còn 40 phút. Khi đó, Nagoya sẽ chỉ như một tỉnh vùng ngoại thành Tokyo. Nó giống như việc ở Anh, nhiều người có thể đi làm ở London và quay về Birmingham để ngủ.

Từ năm 2027, để đi từ Tokyo đến Osaka sẽ chỉ mất 1 tiếng 7 phút cho quãng đường 400km.

Shinkansen của Nhật sẽ ngày một phát triển nhanh hơn nữa, dịch vụ hoàn hảo hơn nữa. Trước năm 1964, để đi từ Tokyo đến Osaka sẽ mất 6 tiếng 40 phút. Năm 1964, thời gian di chuyển còn 4 tiếng. Với shinkansen hiện đại, thời gian trên là 2 tiếng 25 phút. Từ năm 2027, để đi từ Tokyo đến Osaka sẽ chỉ mất 1 tiếng 7 phút cho quãng đường 400km.

Tuy nhiên tương lai của shinkansen của Nhật sẽ đối diện với khá nhiều thách thức trong đó phải kể đến việc số lượng người đi sẽ ngày một giảm bởi dân số Nhật giảm dần đều qua các năm, trong khi số người nước ngoài tại Nhật không tăng nhanh tương ứng. Ngoài ra khi vận tải hàng không ngày một phát triển, sự cạnh tranh đối với shinkansen sẽ ngày một gay gắt hơn. Ví dụ như nếu đi từ Tokyo lên Hokkaido, người tiêu dùng có thể chỉ phải trả khoảng 12 nghìn yên cho vé máy bay khứ hồi giá rẻ trong khi nếu đi bằng shinkansen, chỉ riêng giá vé một chiều đã có thể gấp 3 lần như vậy.

Tất cả những chuyến shinkansen dài hơn quá 2 giờ đi lại tính từ Tokyo sẽ dễ thua lỗ và thất bại so với máy bay giá rẻ. Các công ty kinh doanh shinkansen ở Nhật cần phải chú ý nhiều hơn đến việc phát triển hệ thống shinkansen ở cả các tỉnh khác nữa bởi sẽ còn rất lâu nữa Tokyo mới có thể mở rộng về quy mô, còn sự phát triển các tuyến shinkansen từ Tokyo cho đến nay được tính toán là đã đến mức bão hòa.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM