Tạp chí tình dục ở Myanmar vừa ra đã bị đình bản

12/01/2013 11:00 AM | Kinh doanh

Vcác trang báo hào nhoáng đầy ảnh người mẫu bắt mắt và các mẹo nhỏ để có sự lãng mạn trong hoạt động giường chiếu, tạp chí giáo dục giới tính, tình dục đầu tiên của Myanmar đã ra mắt tại đất nước này. 

Tạp chí "Hnyo" đã gây tranh cãi lớn kể từ khi nó ra sạp hồi tháng 11, chỉ vài tháng sau khi chấm dứt quá trình kiểm duyệt trực tiếp, trở thành một sản phẩm văn hóa được ưa chuộng của nhiều thanh niên và những người tò mò. 

Nhưng với các nhà kiểm duyệt của nước này, tạp chí đã đi quá xa. Tuần này họ đã đình bản nó chỉ sau có một số báo đầu tiên. Đây cũng là ấn bản đầu tiên bị tước giấy phép kể từ khi kết thúc chính quyền quân sự. 

Hnyo đầy các bức ảnh những cô gái ăn mặc thiếu vải, những bài viết kiểu như "bí mật phòng the" và "lợi ích của sự ôm ấp", hoặc các bài viết khó hiểu hơn như "những lời nói dối hiện đại trước hôn nhân" có thể đã quá quen thuộc với phương Tây, nhưng lại gây nhướn mày ở một đất nước còn bảo thủ như Myanmar, khiến nó bị xếp hạng là tạp chí khiêu dâm.

Tổng biên tập tạp chí đã bác bỏ cáo buộc rằng nó giống như tờ Playboy của phương Tây. "Tạp chí này là sự kết hợp của giáo dục giới tính, tình dục và giải trí" - Ko Oo Swe cho AFP biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nói thêm rằng cảnh báo tạp chí chỉ dành cho người hơn 18 tuổi gắn trên trang nhất của nó đã gây nên những sự so sánh không hay ho. 

"Các tờ báo nói về tình dục vẫn là một vấn đề bị che giấu ở Myanmar. Xã hội của chúng ta đã trở nên cởi mở hơn, nhưng tôi nghĩ rằng giáo dục giới tính và tình dục vẫn còn yếu" - ông nói. 

Sau khi lệnh cấm được thông báo, Ko Oo Swe nói rằng ông có ý định chống lại quyết định này. Ông hy vọng sẽ tăng các nội dung xã hội của tạp chí để đặt trọng tâm lớn hơn vào các vấn đề như ngăn chặn HIV, mại dâm và ngăn chặn bạo lực chống lại phụ nữ. "Giờ tôi đang xin một giấy phép mới để xuất bản Hnyo như một tạp chí y học" - ông nói.

Hnyo, tiếng địa phương có nghĩa "say mê", "mê hoặc", là tạp chí đầu tiên thuộc loại này và đã rất được ưa chuộng dù giá của nó rất đắt, lên tới 3 USD mỗi cuốn. 

Tình dục hay giáo dục giới tính?

Tạp chí đã xuất bản ngay sau khi chính quyền hủy bỏ hoạt động kiểm duyệt trước nội dung các ấn phẩm sách báo đã tồn tại dưới thời chính quyền quân sự. Ngay sau đó, các tạp chí thời trang và cuộc sống đã bắt đầu thử thách giới hạn của sự tự do bằng việc triển khai nhiều nội dung khác nhau. 

Hnyo tỏ ra "chơi trội" nhất và nội dung của nó sốc tới mức nhiều sạp báo đã từ chối bán, nói rằng nó mang tính khiêu dâm nhiều hơn là giáo dục giới tính. 

Bộ Thông tin Myanmar cũng gửi một lá thư tới cơ quan quản lý báo chí trong nước, thể hiện sự không hài lòng với tạp chí. Bộ cáo buộc Hnyo đã đi chệch tôn chỉ mục đích của nó là một tạp chí thời trang, khi xuất bản "các bài viết liên quan tới tình dục và các bức ảnh không phù hợp với văn hóa Myanmar." 

Các độc giả trẻ của Hnyo đã hy vọng nó có thể nâng cao nhận thức về bệnh lây truyền qua đường tình dục và về lâu dài là thay đổi tư tưởng trong xã hội Myannmar sau nhiều thập kỷ bị cô lập. 

"Với những người đã khá cổ hủ, giáo dục giới tính là điều đáng hổ thẹn" - Yoon Lae Khin, một sinh viên 20 tuổi nói - "Mẹ tôi hiểu rằng đó là những điều chúng tôi nên biết, nhưng thật khó khăn để nói chuyện về giáo dục giới tính trước mặt cha tôi và các em. Vì thế chúng tôi đã thu lấy kiến thức về giáo dục giới tính từ các tạp chí."

Các chuyên gia y tế cũng tỏ ra bênh vực Hnyo, cho rằng đã tới lúc để đất nước bàn nhiều hơn về sex. "Thanh niên không có đủ kiến thức, nên các vấn đề như mang thai khi còn trẻ, có bầu trước hôn nhân, lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã thường xảy ra" - Khine Soe Win, một quan chức của Hiệp hội Y học Myanmar (MMA) nói.

Các bình luận của ông nhận được sự đồng tình từ Ne Win, một bác sĩ đang làm việc cho Quỹ Dân số LHQ ở Myanmar, người tin rằng một hệ thống báo chí truyền thông hiện đại, mang tính tiến bộ có thể lấp đầu khoảng trống hình thành từ việc đất nước ngại bàn tới hoạt động giáo dục giới tính. "Các hoạt động của chúng tôi thường không mạnh như hoạt động đưa tin báo chí, vốn có thể với tới hàng trăm độc giả trong thời gian ngắn" - Ne Win nói. 

Nhưng không ít người khác xem tạp chí là mối đe dọa với đạo đức xã hội. Mg Mg Lwin, giám đốc Cửa hàng sách Innwa, một trong những tiệm sách hàng đầu tại Yangon, đã từ chối bán tạp chí Hnyo. "Ngay cả khi ai đó mang tặng các tạp chí đó cho cửa hàng, tôi cũng không bao giờ chấp nhận chúng" - ông tuyên bố./.

duchai

Cùng chuyên mục
XEM