Tăng lương, tăng phí bảo hiểm xã hội: Mừng chưa tới, lo đã cận kề

19/01/2016 18:28 PM | Kinh doanh

Bắt đầu từ đầu năm 2016, mức lương tối thiểu vùng và mức đóng hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động đã thay đổi với kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho họ. Đây là tin vui với người lao động nhưng bên cạnh đó vẫn còn những nỗi lo. Tweet

Giá “tát nước theo mưa”

Với bất kỳ người lao động nào, tăng lương là điều mừng vì ít nhiều cuộc sống của họ cũng được cải thiện. Tuy nhiên, trong thực tế, nói đến chuyện tăng lương nhiều người lao động lại không mấy hào hứng, thậm chí tỏ ra lo lắng với mỗi lần điều chỉnh như vậy.

Anh Đồng Văn Ngọc (công nhân thiết bị điện tử tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho biết, lương của anh tại Công ty hiện nay thuộc dạng “khoán” theo sản phẩm, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Tăng lương là chuyện xa vời với chúng tôi bởi đơn giá đã cố định như vậy mấy năm nay rồi. Nhà nước có quy định lương tăng bao nhiêu đi nữa thì cũng không ảnh hưởng đến những công nhân ăn lương theo sản phẩm như tôi”.

Không mặn mà với tăng lương, mặt khác người lao động lại thêm một lần phấp phỏng lo sợ bởi quan sát những lần tăng lương trong thời gian vừa qua cho thấy mỗi khi tăng lương, tất cả các mặt hàng trên thị trường đều tăng theo, người lao động luôn hụt hơi chạy theo việc tăng giá.

Đây câu chuyện thực tế về "tác dụng phụ" của tăng lương. Trong khi chưa kịp tận hưởng niềm vui được tăng lương thì hầu hết người lao động đều phải đối mặt với giá cả tăng do thời điểm tăng lương vào ngày 1/1 hàng năm, giáp với tết Âm lịch cũng chính là khi giá cả có nhiều biến động nhất.

Chị Khuất Thị Như (công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) đang ở trọ tại khu Chợ Bầu (Đông Anh - Hà Nội), cho biết, những lần trước tăng lương, giá phòng trọ đều tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng/phòng/tháng, tiền điện, tiền nước chủ nhà trọ đều tính tăng lên. Chính vì thế mà phần tăng lương không bù đủ phần tăng giá. Với những công nhân như chị Như, mỗi lần tăng giá như vậy chị lại phải tính toán kỹ lưỡng hơn những bữa ăn gia đình để việc chi cho thực phẩm không quá nhiều, làm "thâm hụt" tới các khoản chi khác do giá tăng.

Tại nhiều buổi họp báo về nâng mức lương tối thiểu vùng, ông Mai Đức Chính (Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng thừa nhận, mỗi lần tăng lương, công nhân, người lao động phải đối mặt với nỗi lo giá cả tăng là điều có thật. Giá điện, giá nước tăng, các mặt hàng ở khu công nghiệp đều tăng từ 7 đến 9%.

Người lao động đi thuê nhà lại phải chịu phần lũy tiến phía sau với giá rất cao. Do vậy, theo ông Mai Đức Chính, vấn đề là các cơ quan quản lý Nhà nước sau đợt điều chỉnh tăng lương lần này cố gắng kìm được giá cả những mặt hàng mà người công nhân đang cần là điều rất quan trọng.

Chưa nghĩ đến hưu

Không chỉ có nỗi niềm tăng lương, người lao động còn có những băn khoăn khác. Kể từ ngày 1/1/2016, theo cách tính BHXH mới, mức tiền đóng BHXH được tính dựa trên lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng thay vì dựa vào bảng lương như hiện nay. Người lao động khi được nâng mức lương tối thiểu và phụ cấp thì việc đóng bảo hiểm cũng tăng theo. Theo lý giải, đây là điều có lợi cho người lao động bởi họ sẽ được hưởng nhiều hơn các chế độ chính sách của BHXH.

Chị Lê Minh Tâm (công nhân Công ty May Sông Hồng, Nam Định) cũng như hàng nghìn công nhân Công ty này được thông báo sẽ phải đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp từ đầu năm 2016. Theo tính toán của chị Tâm, trước đây chị đóng bảo hiểm dựa trên mức lương căn bản là hơn 3 triệu đồng thì mỗi tháng phải đóng bảo hiểm khoảng 250.000 đồng.

Hiện cộng cả phụ cấp hoặc tính theo lương thực lĩnh, số tiền BHXH chị phải đóng mỗi tháng là gần 500.000 đồng. Bên cạnh việc đồng tình, chị Tâm lo lắng, nếu tính theo cách mới, chị sợ một số khoản phụ cấp như xăng xe, tiền ăn trưa sẽ bị cắt giảm.

“Vẫn biết là đóng bảo hiểm ở mức cao thì sau này lương hưu cũng cao hơn. Rồi các chế độ trợ cấp rủi ro khác như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và chế độ thai sản cũng sẽ tăng. Thế nhưng, đối với công nhân, thêm được vài chục nghìn mỗi tháng cũng rất quý. Lương tối thiểu vùng hiện nay thấp, tăng chi phí đóng BHXH thì thu nhập của chúng tôi chẳng còn được là bao”, chị Tâm nói.

Nhiều công nhân lo lắng, khi tăng mức phí BHXH, công nhân đóng một thì doanh nghiệp phải đóng gấp đôi. Liệu doanh nghiệp có chịu chi trả cho không? Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp nợ BHXH hoặc vì lý do nào đó không thể tiếp tục đóng thì người lao động như chị coi như bị mất trắng.

Nhiều người lao động cho biết họ không trông chờ vào lương hưu, bởi "tuổi làm việc" của công nhân rất ngắn, chỉ đi làm vài năm rồi lấy chồng, lấy vợ hoặc về quê sinh sống, xoay sang công việc khác. Nhiều công nhân không thể chờ tích lũy đủ năm theo quy định để hưởng chính sách lương hưu.

“Việc dưỡng già sẽ nghĩ đến nếu thu nhập ổn định. Còn công nhân như chúng tôi chỉ làm việc một thời gian và khi đã kiếm được một khoản tiền thì về quê sinh sống, nên không quan tâm đến lương hưu khi về già. Trong khi đó, thủ tục để được nhận chế độ thực sự mất nhiều thời gian và công sức, trong khi chúng tôi không rõ về cách làm và các loại giấy tờ nên tôi không quan tâm đến các chế độ sau này”, một công nhân cho hay.

Theo Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM