Tại sao Uber Trung Quốc muốn lên sàn chứng khoán?

08/09/2015 17:06 PM | Kinh doanh

Uber tin rằng lên sàn chứng khoán Thượng Hải là chiến lược giúp Uber tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc.

Uber tại Trung Quốc đang phải đấu tranh với chính quyền và để không bị đá ra khỏi Trung Quốc như Facebook hay Google, Uber đang lựa chọn một chiến thuật mới.

Hơn 80 thành phố trên 5 triệu dân, thị trường taxi rộng lớn ở Trung Quốc với ước tính khoảng 750 triệu hành khách là mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng đối với các công ty cung cấp dịch vụ giao thông cả trong và ngoài nước.

Trong khi công ty cung cấp dịch vụ taxi Didi Kuaidi của Trung Quốc được định giá 15 tỷ đô la thì đối thủ cạnh tranh lớn từ Mỹ Uber lại được định giá cao tới gần gấp 4 lần. Tuy nhiên sự chênh lệch lớn giữa 2 công ty có thể bị thu hẹp nhanh chóng nhờ những cản trở bất lợi mà Uber vấp phải tại Trung Quốc như các báo cáo theo dõi lái xe của Uber – điều chắc chắn không hề xuất hiện với đối thủ cạnh tranh bản địa Didi Kuaidi.

Cuộc kiểm tra văn phòng Uber đột xuất của cảnh sát gần đây nhất là tại Hong Kong vào giữa tháng 8. Trước đó chính quyền cũng đã lật tung các văn phòng của Uber tại các đô thị lớn ở miền nam như Quảng Châu hay Thâm Quyến. Quá rõ ràng để thấy chính quyền Trung Quốc đứng về phía nào trong cuộc chiến giành thị trường taxi tại nước này.

Đầu tháng 8 vừa qua các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin rằng đối thủ cạnh tranh của Uber – Didi Kuaidi – được Quỹ đầu tư Quốc gia Trung Quốc China Investment Corporation đầu tư 500 triệu đô la.

Quỹ đầu tư này trực thuộc Quốc vụ viện dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhận tiền vốn từ sự dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Trên thực tế quỹ này hiếm khi đầu tư vào các công ty internet, tuy nhiên trong trường hợp của Didi Kuaidi phía Bắc Kinh đã thực hiện một ngoại lệ.

Một tuần trước Uber đã phàn nàn về việc tập đoàn internet Tencent của Trung Quốc đã loại bỏ dịch vụ taxi của Uber trên ứng dụng cho smartphone Wechat của mình - ứng dụng với 600 triệu thành viên và được cài đặt trên hầu hết các điện thoại smartphone tại Trung Quốc.

Uber có thể có những hành vi cạnh tranh có phần không công bằng với các đối thủ của mình, và không được nhiều chính phủ trên thế giới chào đón. Tuy nhiên có một sự thật là, không nơi nào trên thế giới tồn tại một danh sách dài những tập đoàn nước ngoài thất bại trong việc chiếm lĩnh thị trường bản địa như ở Trung Quốc. Từ Facebook đến Google, Twitter, tất cả những công ty dịch vụ internet quốc tế đều bị ngăn cấm tại thị trường 1,4 tỷ dân và có mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng này.

Đẩy các ông lớn Mỹ ra khỏi đất nước

Trang Amazon Trung Quốc đã không có bất cứ cơ hội nào để chống lại đại gia Trung Quốc Alibaba – kẻ chiếm lĩnh hơn 4/5 ngành thương mại điện tử nước này.

Những ngoại lệ như nhà cung cấp mạng của Mỹ Cisco hay nhà sản xuất iPhone Apple đã chỉ có thể giữ chân tại thị trường Trung Quốc dựa vào sức hấp dẫn kỳ diệu từ sản phẩm của mình.

Những nỗ lực đẩy các ông lớn Mỹ ra khỏi đất nước của chính phủ Trung Quốc đã xuất hiện từ lâu và xảy ra thường xuyên. Trung Quốc tin rằng, ngành công nghệ có thể tạo nên những thành công mà nền công nghiệp ô tô không bao giờ thực hiện được, nếu các tập đoàn quyền lực trong ngành công nghệ có thể phát triển lâu dài mà không gặp trở ngại từ sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài cho đến khi sản phẩm của họ có thể thâm nhập thị trường thế giới.

Phương pháp của chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn Uber chỉ là hành động cuối cùng của chủ nghĩa bảo hộ. Nhà sáng lập Uber Travis Kalanick không phải là người dễ dàng chấp nhận. Uber đã chứng minh rằng công ty này sẽ đến những nơi và làm những gì mình muốn. Kalanick biết rằng, tại Trung Quốc, Uber sẽ vấp phải những cản trở có thể khiến họ dừng bước.

Uber tin rằng lên sàn chứng khoán Thượng Hải là chiến lược giúp Uber tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc.

Nhà đầu tư mạo hiểm người Thượng Hải Harry Wang – một trong 100 nhân viên đầu tiên của Facebook tại California – cho biết: "Nền kinh tế Trung Quốc chưa từng lo sợ trước Facebook hay Google bởi chúng chưa bao giờ được chấp nhận hay cho phép ở Trung Quốc.

Ngược lại, giờ đây tất cả đều e ngại Uber. Với việc lên sàn chứng khoán Uber hi vọng rằng, khi những nhà đầu tư nhỏ của Trung Quốc trở thành đồng sở hữu doanh nghiệp, có thể Bắc Kinh sẽ xem xét chấp nhận Uber là 'của Trung Quốc' và sự cản trở của nhà chức trách nước này cũng sẽ giảm đi."

Chuyên gia về Trung Quốc Sabine Stricker-Kellerer của văn phòng luật Freshfields, người đã từng tư vấn cho Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng: "Chiến lược lên sàn chứng khoán này có sức hấp dẫn và tác động tích cực nhất định. Ít nhất sẽ không có bất lợi nào cho Uber chừng nào họ được cấp giấy phép lên sàn. Cho đến nay trên sàn chứng khoán Thượng Hải vẫn chưa có công ty có vốn đầu tư nước ngoài nào. Tuy nhiên điều đó có thể thay đổi khi chính phủ Trung Quốc cuối cùng cũng cam kết tự do hóa thị trường tài chính.

Tuy nhiên Stricker-Kellerer cũng bày tỏ hoài nghi của mình về việc liệu chiến lược này có thực sự bảo vệ được Uber khỏi sự can thiệp thường xuyên của hàng loạt các nhà chức trách nước này như tính toán hay không. Thực tế ngay cả khi Uber đã lên sàn chứng khoán, các nhà chức trách cũng chẳng gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện kiểm tra đột xuất Uber với lí do có hành vi vi phạm pháp luật.

Minh Giang

Cùng chuyên mục
XEM