Tại sao quỹ ngoại "thích" mua cổ phiếu ngân hàng Việt Nam dù giá đã cao?

12/11/2015 10:14 AM | Kinh doanh

Giám đốc đầu tư Bill Stoop của Dragon Capital cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn có thể tăng tiếp.

Cổ phiếu của 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã tăng bình quân 62% từ đầu năm đến nay, trong đó riêng cổ phiếu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được hãng tin Bloomberg cho là có diễn biến tốt nhất trên thị trường chứng khoán.

Tỷ lệ nợ khó đòi hiện nay của BIDV chỉ bằng 1/6 so với cách đây 3 năm và tỷ lệ cho vay mua bất động sản của ngân hàng này đang tăng trưởng mạnh.

Cổ phiếu của BIDV, ngân hàng có mức vốn hóa lớn thứ 2 thị trường, đã tăng 90% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, cổ phiếu Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã tăng 50%, còn Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tăng 47% từ đầu năm đến nay.

Không có gì là ngạc nhiên khi quỹ đầu tư Dragon Capital và công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Securities có nhận định lạc quan về cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam dù mức giá đã lên khá cao.

Giám đốc đầu tư Bill Stoop của Dragon Capital cho rằng các ngân hàng Việt Nam sẽ tăng cường cho vay nhiều hơn vào năm 2016 và thu thêm được lợi nhuận. Vì vậy, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn có thể tăng tiếp.

Những nhận định tích cực trên là minh chứng cho các nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải tổ ngành ngân hàng. Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu một số ngân hàng phải sáp nhập nhằm làm giảm số ngân hàng hiện nay từ 40 xuống 15 vào năm 2017.

Việc Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) mua 91,3 tỷ đồng (4,08 tỷ USD) nợ khó đòi từ đầu năm đến nay đã khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng giảm từ 17% năm 2012 xuống khoảng 2,9% vào tháng 9/2015.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã có những biện pháp kiên quyết khi mua lại một số ngân hàng với giá 0 đồng.

Nhờ những động thái tích cực trên, ngành bất động sản, một lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với ngành ngân hàng Việt nam đã có những chuyển biến tốt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, trong 9 tháng đầu năm 2015 đã có khoảng 30.000 giao dịch bất động sản được ghi nhận.

Theo hãng tin Bloomberg, tỷ lệ P/E của BIDV vào khoảng 12,3 lần, của Vietcombank là 25,2 lần và Vietinbank là 13,2 lần.

Giám đốc quỹ đầu tư cho thị trường sơ khai James Bannan của Coeli Assat Management cho rằng mức P/E trên là quá cao và nhận định ngành ngân hàng Việt Nam là một trong những lĩnh vực có giá cổ phiếu đắt đỏ nhất trong số các thị trường sơ khai trên thế giới

Trong khi đó, Giám đốc Patrick Mitchell của Maybank Kim Eng Securities lại cho rằng giá cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam cao là do những triển vọng trong nền kinh tế đất nước.

Tỷ lệ tín dụng tại Việt Nam năm 2015 được dự đoán tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Chính phủ Việt Nam ước tính nền kinh tế đất nước sẽ tăng trưởng 6,7% vào năm 2016 nhờ sự thúc đẩy của ngành xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 9 năm qua. Đầu năm 2015, hãng PwC cũng đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay cho đến năm 2050.

“Với sự tích cực của nền kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong thị trường bất động sản, chúng tôi kỳ vọng ngành ngân hàng (Việt Nam) sẽ có những biểu hiện tích cực”,ông Mitchell nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM