Tại sao gỡ bỏ trần tỉ giá lại là lối thoát của ngân hàng Thụy Sĩ?

20/01/2015 17:24 PM | Kinh doanh

Trong ngành ngân hàng, hầu hết đều hướng tới những quyết định chậm rãi và có thể đoán trước. Vì vậy, khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) bất ngờ tuyên bố bỏ áp trần đồng franc Thụy Sĩ với đồng euro, tất cả đều hoảng loạn.

Sau quyết định của SNB, đồng franc đã tăng vọt. Trước đó một ngày, 1 euro đổi được 1,2 franc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, chỉ sau thông tin này, 1 euro chỉ còn đáng giá 0,85 franc. Hàng loạt quỹ đầu tư trên thế giới bị thiệt hại nặng nề. Thị trường chứng khoán Thụy Sĩ sụp đổ.

Tại sao SNB lại đưa ra một quyết định khiến cả thị trường hỗn loạn như vậy?

Quay lại thời điểm SNB đưa ra trần tỉ giá vào năm 2011, khi đó thị trường tài chính Thế giới đang hỗn loạn. Các nhà đầu tư xếp đồng tiền Thụy Sĩ là tài sản an toàn “phải có”, không thua kém gì trái phiếu chính phủ Mỹ. Tất cả đều tin rằng, mua franc Thụy Sĩ và đồng tiền của bạn sẽ được an toàn.

Tiếng tăm và một bảng cân đối tuyệt vời là lý do để nhà đầu tư đặt niềm tin vào chính phủ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư mua vào đồng franc, đồng tiền này nhanh chóng tăng giá. Một đồng franc tăng giá ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế Thụy Sĩ, vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu. Xuất khẩu của quốc gia này chiếm tới 70% GDP.

Để “hạ giá” đồng Thụy Sĩ, SNB đã in thêm tiền và đem đi mua đồng euro. Với chính sách in tiền và "neo" đồng franc với euro, Thụy Sĩ vừa khiến đồng tiền không tăng giá, vừa thu về ngoại tệ. Ước tính tới năm 2014, SNB đã dự trữ được khoảng 480 tỉ USD ngoại tệ, tương đương với 70% GDP quốc gia này.

Tuy nhiên, một đồng tiền ổn định và dự trữ ngoại tệ dồi dào không khiến tất cả hạnh phúc. Việc SNB bất ngờ bỏ trần tỉ giá cuối tuần qua đến từ nhiều lý do.

Đầu tiên, nhiều người dân Thụy Sĩ tỏ ra tức giận vì Ngân hàng Quốc gia của nước này có lượng dự trữ ngoại tệ quá lớn. Đi in thật nhiều tiền rồi mua ngoại tệ, theo các công dân nước này, có thể dẫn tới siêu lạm phát. Nỗi lo sợ này thật ra không rõ ràng. Hiện tại, lạm phát ở Thụy Sĩ ở mức cực thấp. Tuy nhiên, về vấn đề chính trị, đây lại là một đề tài nóng.

Hồi tháng 11, một cuộc chưng cầu dân ý đã diễn ra, nếu được thông qua, nó sẽ ngăn cản SNB tiếp tục tăng lượng dự trữ ngoại tệ của mình.

Thứ hai, SNB tiếp tục hứng chịu sự chỉ trích mạnh vì nhiều thông tin dự báo, ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ tung ra gói “nới lỏng định lượng”. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ in thêm tiền để mua lại nợ chính phủ ở các quốc gia thuộc EU.

Việc in thêm tiền euro sẽ làm giảm giá trị đồng euro xuống, và SNB sẽ phải tiếp tục in thêm tiền để duy trì mức tỉ giá trần giữa franc và euro.

Ngoài hai yếu tố trên lý thuyết kia, còn một nguyên nhân thứ ba dẫn tới quyết định của SNB. Năm 2014, đồng euro đã mất giá so với hầu hết đồng tiền chính khác. Kết quả là đồng franc Thụy Sĩ, neo theo đồng euro cũng bị giảm giá theo. Năm 2014, đồng franc đã mất 12% giá trị so với USD và 10% giá trị so với đồng rúp (sau khi quyết định bỏ áp trần của SNB, đồng franc đã lập tức tăng giá so với hai đồng tiền này)

Một đồng franc rẻ hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu tới Mỹ và Ấn Độ, hai thị trường chiếm 20% xuất khẩu của Thụy Sĩ. Theo SNB lý giải, miễn là đồng franc không quá mạnh, không có lý do gì để SNB tiếp tục cố gắng làm nó suy yếu đi.

Vấn đề đặt ra là việc bỏ áp trần sẽ tác động tới nền kinh tế Thụy Sĩ như thế nào. Thị trường chứng khoán đã sụt giảm bởi các công ty Thụy Sĩ sẽ gặp khó khăn hơn khi bán hàng cho các khách hàng EU (do giá tăng cao). Ngân hàng UBS đã giảm dự báo tăng trưởng của Thụy Sĩ, từ 1,8% xuống còn 0,5% trong năm 2015. Trong khi đó, mối lo lạm phát của Thụy Sĩ vẫn còn đó.

Mặc dù vậy, SNB không đáng bị chỉ trích vì dỡ bỏ trần tỉ giá. Nếu chỉ trích, ngân hàng này đáng bị lên án vì đã đưa ra trần tỉ giá này vào năm 2011. Lịch sử đã chứng minh, khi các ngân hàng trung ương cố gắng điều khiển tỉ giá, kết cục luôn tồi tệ.

>> Thụy Sĩ chuyển vàng về Zurich

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM