Tại sao chúng ta thường "vung tay quá trán" trong chi tiêu?

05/11/2015 17:46 PM | Kinh doanh

Các nhà nghiên cứu mới đây đã có vẻ đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi trên nằm trong điểm mù tâm lý của người tiêu dùng.

Hầu hết mọi người có cùng một câu trả lời cho câu hỏi trên: lập ngân sách, giảm chi tiêu cho phù hợp với thu nhập và chỉ mua những thứ thật sự hữu ích.

Tuy nhiên, rõ ràng là hầu hết mọi người đều thất bại khi thực hiện cách trên và quay trở lại thời điểm ban đầu dù đã đi theo đúng chỉ dẫn. Vậy tại sao mọi người vẫn chi tiêu quá nhiều dù họ đã theo đúng quy trình cân bằng chi tiêu đặt ra?

Thông thường, mọi người có khả năng dự báo khá tốt mức thu nhập của bản thân trong tương lai nhưng việc dự kiến chi phí lại không thực tế, qua đó tạo nên một ngân sách không hợp lý.

Hơn nữa, nhiều khi mọi người cho rằng năng lực của bản thân là có hạn và tự thưởng cho mình bằng cách mua thứ gì đó khi hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng quyết định vay nợ để mua thứ gì đó họ cho là có giá trị thay vì tiết kiệm tiền, qua đó khiến tình hình tài chính càng trở nên tệ hơn.

Đánh giá cẩn thận mức chi phí trong tương lai

Khi lập ngân sách chi tiêu, mọi người thường dự đoán các khoản thu và chi sẽ đến trong tương lai. Một nguyên tắc chung mà tất cả mọi người đều đồng ý là cố gắng chi tiêu dưới mức thu nhập.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiêu dùng và tài chính của đại học Colorado, ông John Lynch cho biết những ngiên cứu cho thấy người tiêu dùng quá tập trung vào thu nhập mà không thực sự tính toàn mức chi phí khi quyết định chi tiêu.

Rõ ràng, mọi người dự đoán khá tốt họ có thể kiếm được khoảng bao nhiêu trong tương lai nhưng lại không tính toán kỹ những chi phí phát sinh như tiền bảo hiểm, thế chấp, thanh toán lãi vay. Hậu quả là họ mua những thứ khiến tình hình tài chính của bản thân tệ hơn hoặc ra những quyết định không sáng suốt nhất.

Giám đốc Lynch lấy ví dụ về một nữ giáo sư sống tại một thị trấn và có thu nhập khoảng 48.000 USD mỗi tháng. Cô đang thuê một căn hộ nhỏ giá 1.150 USD/tháng. Vị giáo sư này nhận được một công việc mới với mức lương 68.000USD tại thành phố New York.

Dù mức giá thuê nhà ở đây là khoảng 3.000USD mỗi tháng nhưng cô vẫn chấp nhận công việc trên vì cho rằng mức thu nhạp đủ để trang trải chi phí. Tuy nhiên, hàng loạt những chi phí phát sinh sau đó như tiền đi lại, giá cả các hàng hóa và các dịch vụ sinh hoạt tại New York đều cao hơn so với thị trấn cũ. Hậu quả là tổng thu nhập của vị giáo sư sau khi trừ chi phí thấp hơn trước.

Theo ông Lynch, người tiêu dùng tốt nhất nên duy trì thặng dư ngân sách khi ra quyết định nào đó bởi nếu mọi người cho rằng thu nhập của họ đủ để trang trải mọi thứ thì họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Việc giữ thặng dư ngân sách sẽ khiến người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu những thứ không thực sự cần thiết.

Hoạch định rõ nguồn tiền

Đối với nhiều người, một kế hoạch tiết kiệm tài chính nên tập trung vào mục tiêu tích trữ và tiết kiệm cho được một khoản tiền nhất định. Kế hoạch này không có gì sai nhưng đôi khi lại phản tác dụng.

Chuyên gia Abigail Sussman của trường đại học Chicago đã có một cuộc khảo sát, trong đó nhiều người được hỏi nếu phải trả gấp 1.000USD, họ sẽ rút tiền tiết kiệm hay sử dụng ngay thẻ tín dụng có lãi suất. Điều đáng ngạc nhiên là nhiều người đã lựa chọn dùng thẻ tín dụng dù mức lãi suất khá cao.

Theo bà Sussman, nhiều người quá tập trung vào việc tiết kiệm một khoản tiền mà không chú ý đến tổng chi phí của mình cũng như dòng tiền mà họ sử dụng. Bài học ở đây là mọi người nên chú ý nguồn tiền khi chi tiêu cũng như những chi phí kèm theo đó. Người tiêu dùng không nhất thiết phải theo một quy tắc nào đó mà cần tính toán cẩn thận phương án chi tiêu hợp lý nhất.

Biết cách tự thưởng cho bản thân

Rất nhiều người gặp khó khăn về tài chính có vấn đề khi tự giới hạn năng lực của bản thân và tự thưởng cho mình khi đạt được mục tiêu nào đó.

Những nghiên cứu cho thấy nhiều người bị quá tải công việc hay quá căng thẳng do tự giới hạn năng lực bản thân, cho rằng mình không thể làm được điều gì đó. Kết quả là khi bản thân họ đạt được mục tiêu hoặc hoàn thành công việc, những người này quyết định tự thưởng cho mình để giải tỏa căng thẳng, thông thường là với các khoản chi phí du lịch hoặc mua sắm.

Tuy nhiên, chuyên gia Veronica Job của đại học Zurich cho rằng những người muốn hạn chế chi tiêu có thể thay thế việc đi du lịch, mua sắm hoặc chi tiền vào những thứ không thực sự cần thiết bằng những hoạt động khác, như chơi thể thao, nghỉ ngơi tại nhà hay những hoạt động ít chi phí hơn.

Bà Job cho biết những người bị căng thẳng và muốn tự thưởng cho bản thân thường có xu hướng mất kiểm soát và chi tiêu quá đà, qua đó ảnh hưởng đến cán cân ngân sách của họ.

Điều tiết cảm xúc

Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy sư liên hệ mật thiết giữa cảm xúc và thói quen chi tiêu của mọi người. Với những người đang có cảm xúc quá tiêu cực hoặc quá tích cực, họ thường chi tiêu nhiều hơn do trạng thãi mất cân bằng tâm lý thúc đẩy nhu cầu mua sắm, du lịch hay những thứ không thật sự cần thiết để bình ổn tinh thần.

Chuyên gia kinh tế Cahit Guven của đại học Deakin-Australia cho biết người tiêu dùng nên đợi cho đến khi bình ổn tâm lý trước khi đưa ra quyết định về tài chính bởi việc đánh giá đúng sai trong chi tiêu là không hề đơn giản. Bên cạnh đó, ông Guven cũng đề nghị mọi người nên lập kế hoạch dài hạn trong chi tiêu và ngân sách cũng như tham khảo ý kiến của nhiều người.

Không chi tiêu từ khoản thu nhập chưa hiện thực hóa

Một tâm lý chung của nhiều người là họ sẽ thường chi tiêu nhiều hơn khi biết mình có một khoản thu nhập lớn trong tương lai.

Ví dụ, một người đầu tư bất động sản nhận thấy giá nhà tăng lên và tổng tài sản của ông ta cũng tăng theo. Cho rằng mình đã giàu hơn, người đàn ông này nới lỏng các khoản chi tiêu của bản thân.

Theo Tạp chí kinh tế thống kê (RES), giá nhà đất cứ tăng 1USD vào năm 2013 thì chi tiêu của hộ gia đình lại tăng 6-18 cent.

Không riêng gì bất động sản, tình trạng này xảy ra với nhiều loại tài sản, từ cổ phiếu, trái phiếu cũng như trong nhiều trường hợp, từ kinh doanh đến đầu tư. Tâm lý chung của người tiêu dùng khi nhận thấy tài sản của họ tăng lên, dù chưa hiện thực hóa lợi nhuận, là cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu.

Một nghiên cứu của chuyên gia Daniel Cooper thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Boston cho thấy chi tiêu của người dân Mỹ tăng khi giá nhà tăng ngày càng nhiều người có khả năng vay nợ bằng thế chấp bất động sản.

Mọi người nên có suy nghĩ rằng ngôi nhà là để ở, hay chí ít là một tài sản mang lại doanh thu hàng tháng (cho thuê) hơn là một khoản lợi tài chính có thể thu được trong tương lai.

Nếu người tiêu dùng sử dụng việc giá nhà tăng, hay bất cứ khoản tài sản nào tăng giá để làm lý do cho việc nới lỏng chi tiêu, rất có thể họ sẽ phải đối mặt với rủi ro mất cân bằng tài chính trong tương lai.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM