Sự thất bại của siêu xe 6 bánh

07/08/2013 08:00 AM | Kinh doanh

Đơn giản: không có lốp.

CafeBiz xin giới thiệu với bạn đọc series "Mỗi ngày một Case Study" giới thiệu những câu chuyện kinh doanh thú vị, giàu ý nghĩa do các giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp tại các trường kinh doanh hàng đầu thế giới biên soạn. Series "Mỗi ngày một Case Study" đăng mỗi tuần hai số, vào thứ 4 và thứ 7.

Nội dung nổi bật:

- Năm 1976, đội đua Tyrrell cho ra lò chiếc xe đua F1 đầu tiên có 6 bánh khiến các đội đua khác phải kinh ngạc (chiếc P34).

- Hãng lốp Goodyear từ chối dành ngân sách phát triển loại lốp riêng cho P34.

- Không có lốp tiêu chuẩn, P34 trở nên mất ổn định, gần như không thể lái được và bị khai tử chỉ sau hai mùa giải.

- Bài học: Trong môi trường công nghệ cao, phải có sự hỗ trợ và tham gia của nhiều bên mới mong đổi mới thành công.


Người viết là ông Paolo Aversa, nghiên cứu viên về chiến lược doanh nghiệp tại Trường Kinh doanh Hass, Đại học California, Berkely.

Xem toàn series

Năm 1970, sự xuất hiện của Derek Gardner với tư cách giám đốc kỹ thuật tại đội đua xe công thức một Tyrrell đã đem tới một loạt thành công rực rỡ, bao gồm chiến thắng của Sir Jackie Stewart trong Giải đua Công thức Một (F1) năm 1971, 1973 cũng như toàn đội Tyrrell trong giải phụ về kỹ thuật 1973.

Hồi đó quy định của F1 thoáng hơn ngày nay, các đội không ngừng thử nghiệm những ý tưởng mới để bắt kịp những tay đua hàng đầu. Năm 1974, rõ ràng là Ford, công ty hỗ trợ xe cho Tyrrell có thể ngẩng cao đầu tự đắc trước loại động cơ 12 xi lanh mới của Ferrari và Matra.

Thách thức: Theo Gardner, Tyrrell cần một sự đột phá lớn nếu không sẽ có nguy cơ bị "tụt hậu thảm hại".

Trong tình cảnh Ford không thực hiện bất cứ sự cải tiến đáng kể nào cho động cơ, Gardner quyết định ra tay bằng cách thiết kế bánh trước nhỏ hơn nhằm giảm sức nâng và tăng tốc độ. Nhưng điều đó sẽ đe dọa độ bền nói chung và độ bám đường của xe khi rẽ nói riêng.

Chiến lược giải quyết: Gardner nghiên cứu lại bản thiết kế ông từng phát triển trước đây để giải quyết các vấn đề bất ổn nhưng không được ứng dụng.

Tyrrell P34, chiếc xe sáu bánh đầu tiên với bốn bánh nhỏ đằng trước và hai bánh chuẩn đằng sau đã tăng được lực ép lốp và độ bám đường, từ đó tốc độ của xe được cải thiện đáng kể.

Thật không dễ dàng gì khi thuyết phục toàn đội lẫn nhà cung cấp hỗ trợ thực hiện bước đột phá này. Nhưng cuối cùng P34 cũng ra mắt trong mùa giải 1976 với tư cách là chiếc xe sáu bánh đầu tiên khiến ai cũng phải há hốc mồm ngạc nhiên.

Kết quả không như mơ: Dường như Tyrrell P34 sẽ thống trị F1, nhưng thực tế chỉ được một thời gian ngắn.

Trong bốn chặng đua sau khi ra mắt, Jodie Scheckter và Patrick Depailler đã về nhất và nhì trong giải Swedish Grand Prix. Cuối mùa giải, Tyrrell rinh giải ba trong giải phụ về thiết kế kỹ thuật, còn Scheckter về thứ ba và Depailler về thứ tư trong toàn giải.

Tuy nhiên, Tyrrell vẫn chưa tính đến tầm quan trọng của Goodyear, nhà cung cấp lốp xe chính thức cho tất cả các đội F1. Công ty này đã đồng ý sản xuất mẫu lốp cỡ nhỏ theo yêu cầu cho Tyrrell. Nhưng hóa ra Goodyear không chuẩn bị để tiếp tục phát triển loại lốp này.

Với Goodyear, làm lốp cho Tyrell không đảm bảo tính kinh tế theo quy mô vì Tyrrell là dòng xe duy nhất dùng bánh nhỏ. Chi phí nghiên cứu và phát triển quá "chát" để có thể dồn lên vai của duy nhất một đội đua.

Tyrrell thất bại trong việc thuyết phục Goodyear rằng nếu dòng sáu bánh đạt thành công liên tiếp, các đội khác cũng sẽ áp dụng thiết kế. Goodyear cũng không tin tưởng lắm về tiềm năng mở rộng của thiết kế này.

Trong suốt mùa giải 1976, Goodyear tập trung cải tiến lốp chuẩn nhưng không đả động tới loạt lốp trước của P34 dù đã được đặt trước. Kết quả là lốp sau của xe nhanh hơn và bền hơn lốp trước. Sự chênh lệch này khiến xe kém cân bằng và gần như không thể lái được.

Ngoài ra, hệ thống phanh trước còn gặp phải vấn đề quá nhiệt do bộ thông gió trong bánh trước bị hạn chế. Cuối cùng, Tyrrell đã dẹp bỏ dự án P34. Scheckter nhảy sang đội Wolf F1 còn Gardner, một trong những nhà thiết kế sáng tạo và nổi tiếng nhất, đã nghỉ việc và mãi mãi quay lưng lại với F1.

Bài học về tầm quan trọng của nhà cung cấp: Ý tưởng đổi mới lý thú nhưng chưa chắc đã đảm bảo tính thành công. Kinh nghiệm của Tyrrell P34 đã khẳng định tầm quan trọng của các nhà cung cấp chiến lược trong quy trình hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo.

Trong môi trường công nghệ cao, kết quả của sự đổi mới thường phụ thuộc vào sự hỗ trợ và tham gia của nhiều bên. Các doanh nghiệp phải phối hợp với các nhà cung cấp quan trọng của mình trong quá trình này.

Xe sáu bánh là một ý tưởng hữu ích. Cho dù nó đã vắng bóng khỏi F1 và sau đấy cũng bị cấm khi bộ môn đưa ra những hạn chế thiết kế khắt khe hơn, nhưng ngày nay đã được ứng dụng cho nhiều loại xe như xe địa hình, xe tải, xe buýt, xe thể thao Covini.

Nếu khi xưa Tyrrell thuyết phục được Goodyear hỗ trợ P34, có khi những chiếc xe ta lái hàng ngày lại có thêm hai bánh nữa cũng nên.

Thùy An

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM