SSI - Bibica: Đối trọng hay đối thủ?

22/04/2013 11:15 AM | Kinh doanh

Để đưa Bibica (BBC) từ một doanh nghiệp có thị phần đứng thứ hai thị trường bánh kẹo lên vị trí số 1, ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Bibica (BBC), đã phải tìm cách tăng thêm sức mạnh bằng việc ký hợp đồng đối tác chiến lược với Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan. “Nhìn chung, hiệu quả của sự hợp tác chiến lược vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của cổ đông”, ông Chiến chiêm nghiệm lại lợi ích của BBC sau nhiều năm hợp tác với Lotte.

Bài học từ Lotte

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007. Trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ cho Công ty, ông Chiến nhận thấy Lotte có nhiều tiêu chí đáp ứng yêu cầu một đối tác tốt. Lotte sản xuất bánh kẹo từ năm 1967, có thương hiệu toàn cầu, hệ thống phân phối rộng lớn và các chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) bài bản. Vì thế, BBC đã ký hợp đồng với Lotte với niềm tin rằng Công ty sẽ được chuyển giao công nghệ và cải tiến chất lượng sản phẩm, qua đó giúp Công ty tăng được thị phần.

Đáp lại thiện chí này, đơn vị hợp tác là Lotte Confectionery (thuộc Tập đoàn Lotte) đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với phí rất thấp. Dây chuyền sản xuất bánh Lottepie được triển khai với công nghệ đó. Đồng thời, đối tác cũng mua 30% cổ phần của BBC.

Theo hợp đồng, BBC sẽ phân phối sản phẩm Lotte trên hệ thống phân phối hơn 20.000 điểm bán của mình. Đổi lại, Công ty được nhập hàng của Lotte về bán ở Việt Nam, còn hàng của BBC sẽ xuất khẩu ra nước ngoài qua hệ thống của Lotte. Sai lầm của ông Chiến cũng bắt đầu từ đó.

“Sai lầm của tôi là chưa làm rõ các chi tiết trong hợp đồng”, ông thừa nhận. Chính vì vậy, một số điều khoản đã không được thực hiện. Chẳng hạn, dây chuyền công nghệ chưa được tận dụng để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Bibica mà chỉ cho sản phẩm mang tên Lottepie. Mong muốn đưa hàng mang nhãn hiệu Bibica vào hệ thống siêu thị Lotte cũng chưa thực hiện được.

Bởi vậy, theo ông, hợp tác chiến lược ngoài việc chọn đối tác phù hợp còn phải phân định rạch ròi quyền lợi với đối tác ngay từ đầu, đến từng chi tiết. “Nếu không ngang bằng, chẳng thà doanh nghiệp bỏ tiền mua luôn dây chuyền công nghệ”, ông chia sẻ. Vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động nguyên liệu đầu vào, sản xuất và phân phối, cũng không phụ thuộc vào nhãn hiệu của đối tác.

Bên cạnh đó, khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược, nên có thỏa thuận về quá trình gia tăng sở hữu. Hoặc cần thiết, có thể giới hạn tỉ lệ sở hữu tối thiểu và tối đa của đối tác, nếu muốn không bị thâu tóm. Đối tác chiến lược thường muốn mua ít nhất 30% cổ phần. “Nhưng tối đa có lẽ nên hạn chế ở 34%. Nếu hơn mức này, cũng không nên chênh lệch nhiều so với cổ đông lớn nhất”, ông cho biết.

Sở dĩ xác định mức 34% là vì khi sở hữu đến tỉ lệ 35%, cổ đông đó có quyền phủ quyết tất cả các quyết định kinh doanh quan trọng. Còn nhiều hơn, rõ ràng đối tác chiếm ưu thế hơn hẳn, nhất là với cơ cấu sở hữu cổ phần phân tán ở BBC.

Việc quy định tỉ lệ sở hữu này có thể tốt cho BBC theo góc nhìn của ông Chiến. Nhưng nếu nhìn ở góc độ đầu tư thì có vẻ như chưa hợp lý. Giám đốc Đầu tư một công ty chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên) nhận xét: “Hạn chế tỉ lệ sở hữu của đối tác cũng đồng nghĩa với việc làm giảm sự hấp dẫn của doanh nghiệp và mức độ thành công của cuộc thương lượng”. Tuy nhiên, vị này thừa nhận, đó cũng là một cách phòng vệ để khỏi bị thâu tóm.

Thực ra, nỗi lo này ở BBC không phải không có cơ sở. Hiện nay, Lotte đã nắm hơn 38% cổ phần. Cổ đông trong nước xem Lotte là đối tác chiến lược nước ngoài, còn Lotte thì xem BBC như công ty con. Thực tế cho thấy không ít đối tác nước ngoài sau thời gian hợp tác đã dùng nhiều cách để thâu tóm và biến doanh nghiệp Việt Nam thành xưởng sản xuất trên thị trường mới. Điều này có lẽ cũng giải thích vì sao ông Chiến gấp rút đi tìm đối trọng để cân bằng tiếng nói với cổ đông nước ngoài này.

Bắt tay với SSI

Từ tháng 4.2012, ông Chiến đã đi tìm đối trọng. Ngay trong đại hội cổ đông năm ngoái, ông Chiến cho biết sẽ liên kết với nhà đầu tư thực hiện kế hoạch tăng sở hữu lên trên 25%. Đến lúc đó, chỉ có hai nhà đầu tư sở hữu mỗi người trên 5% cổ phần BBC.

Hai cổ đông này hiện đã biến mất, thay vào đó là nhóm Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Ông Chiến thừa nhận có thỏa thuận với SSI để nhóm này tăng tỉ lệ sở hữu lên 25% nhằm tạo thế cân bằng với Lotte. Tuy nhiên, đến nay nhóm này đã sở hữu trên 32% cổ phần BBC. Theo ông Chiến, hai cổ đông lớn trước kia có thể đã bán cổ phần cho SSI.

 Cơ cấu cổ đông hiện tại của Bibica.

SSI từ chối bình luận bất cứ vấn đề nào liên quan đến mối quan hệ này. Nhưng động thái nâng tỉ lệ sở hữu của nhóm SSI tại BBC có lẽ đã nói lên tất cả. Trong tháng 11.2012, Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã mua thêm gần 180.000 đơn vị (hơn 1%) để nâng tỉ lệ sở hữu lên gần 20% cổ phần BBC. Cộng với gần 9% cổ phần đã mua từ giữa năm 2009 của SSI, nhóm cổ đông mới này đã nắm gần 29% cổ phần. Trong tháng 11.2012, giá cổ phiếu BBC đã tăng gần 50% vì những lệnh tranh mua trên sàn.

Mới đây, nhóm này đã công bố tăng tỉ lệ sở hữu tại BBC lên hơn 34% khi Bất động sản SSI mua thêm hơn 170.000 cổ phiếu BBC. Như vậy, nhóm SSI hiện là cổ đông lớn thứ hai tại BBC, chỉ sau Lotte. Cả hai đều nắm trên 30% cổ phần.

Vậy là mục đích tạo ra đối trọng với Lotte của ông Chiến đã có kết quả. Và vai trò mới của SSI tại BBC đã tạo ra được thế cân bằng trong việc thương thảo với đối tác theo đúng kỳ vọng của ông Chiến.

Năm rồi, cổ đông của BBC, ngoài Lotte, đa số đều là nhỏ lẻ. Vì vậy, trước sự lấn át của Lotte, ông Chiến phải đi vận động từng cổ đông trong nước để bảo vệ thương hiệu của Công ty. Nhưng năm nay, chuyện “giữ thương hiệu bằng miệng” sẽ được thay bằng tiếng nói có “trọng lượng về tài chính” với tỉ lệ cổ phần ngang ngửa của SSI.

Thế nhưng, dù sao SSI, với tư cách là một tổ chức tài chính thì việc hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Điều này có lẽ là mối lo ông Chiến chưa muốn nhắc đến. Vị Giám đốc Đầu tư trên đánh giá: “Do không có thiên hướng đầu tư dài hạn vào một doanh nghiệp sản xuất, nên bước tiếp theo có thể là SSI sẽ bán cổ phần tại BBC cho nhà đầu tư khác với giá cao hơn lúc mua”. Nhất là lúc này đây, kết quả kinh doanh của BBC đang kém khả quan, chưa phải là dấu hiệu tốt cho đầu tư lâu dài.

Nhưng SSI sẽ bán cho ai? “Nếu bán, chắc chắn SSI sẽ không bán cho Lotte”, ông Chiến cho biết lãnh đạo SSI đã xác nhận với ông như thế.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn sở hữu 49% ở BBC đã hết. Riêng Lotte, nếu muốn mua, họ sẽ có nhiều cách, ông Chiến cho biết.

Trên thực tế, Lotte có thể mua lại một doanh nghiệp Việt Nam (quy mô và hoạt động của doanh nghiệp này không quan trọng) rồi thông qua đó mua thêm cổ phần tại BBC để thâu tóm. Hoặc đơn giản hơn là ủy thác cho tổ chức khác mua cổ phiếu BBC rồi tổ chức đó ủy quyền biểu quyết lại cho Lotte. Điều này vẫn có thể xảy ra dù chứa nhiều rủi ro.

Như vụ Công ty Dược Viễn Đông thực hiện thâu tóm Công ty Dược Hà Tây (DHT) chẳng hạn. Dược Viễn Đông đã dùng nhiều tài khoản và pháp nhân mua cổ phiếu DHT tạo ra thay đổi lớn về giá. Trong giải trình, Dược Hà Tây chỉ rõ Dược Viễn Đông đang thao túng giá để thâu tóm DHT. Vụ thâu tóm này sau đó không thành công do phạm luật. Lotte cũng có thể gặp rủi ro này khi dùng nhiều pháp nhân mua cổ phiếu BBC để lách quy định chỉ được sở hữu 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, vị Giám đốc Đầu tư trên lưu ý, về mặt lý thuyết vẫn còn khả năng khác là thâu tóm sau khi hủy niêm yết tự nguyện. “Khả năng Lotte ủy thác cho tổ chức khác thu gom cổ phiếu BBC rồi tập hợp quyền biểu quyết để hủy niêm yết vẫn có thể xảy ra”, vị này nói. Lúc đó, BBC không còn là công ty đại chúng và chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Còn đối với nhà đầu tư trong nước, khi SSI muốn bán, hẳn có không ít doanh nghiệp trong ngành thực phẩm muốn mua. Đã có không ít tuyên bố mua lại doanh nghiệp thực phẩm tốt nhờ có nhiều tiền mặt hay sẵn sàng mua doanh nghiệp để phục vụ chiến lược bành trướng quy mô. Tuy nhiên, để bước vào BBC và trở thành đối trọng nặng ký với cổ đông lớn Lotte chắc chắn đó phải là một doanh nghiệp tầm cỡ.

Dù bán cho ai, đằng nào SSI cũng được lợi lớn. SSI đã mua cổ phiếu BBC với giá thấp hơn giá trị sổ sách rất nhiều. Giá trị sổ sách của BBC hiện ở mức trên 37.000 đồng/cổ phiếu. Còn giá BBC mà SSI mua chỉ xoay quanh khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. “Có thể nói, SSI đã mua được cổ phiếu giá rẻ xét về tài sản”, vị Giám đốc Đầu tư trên nói. Giá trị này còn chưa xét đến yếu tố vô hình như thị phần hay hệ thống phân phối đứng thứ hai trong ngành bánh kẹo của BBC.

SSI cũng sẽ bán được giá cao. Đối tác chiến lược luôn trả giá cao hơn trên sàn. Và trong khi cuộc chiến quyền lực đang diễn ra căng thẳng, mua được một lần với số lượng lớn cổ phiếu sẽ là lợi thế không nhỏ giúp nhà đầu tư mới có tiếng nói đáng kể khi muốn bước chân vào BBC. Vậy là từ vị trí đối trọng, SSI có thể trở thành đối thủ của BBC khi bán lại số cổ phần này cho người khác. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM