"Số phận" Công ty Sứ Hải Dương đang phụ thuộc vào quyết định của SCIC

17/10/2012 08:15 AM | Kinh doanh

Sứ Hải Dương dường như chỉ còn "vang bóng một thời".

Những ngày này, người dân xứ Đông đang quan tâm đến “cánh chim đầu đàn” Sứ Hải Dương đã từng gãy cánh và có thể chết hẳn, khi mảnh đất vàng của đơn vị này đang trở thành “mục tiêu” của nhiều doanh nghiệp ngắm đến.

Khi nói đến địa danh Hải Dương ngày nay, nhiều người thường nghĩ đến đặc sản “Bánh đậu xanh”, còn cái tên vang bóng một thời “Sứ Hải Dương” dường như chỉ còn trong ký ức. Vậy tại sao thời gian qua, các “lình xình” lại liên tục diễn ra ở đơn vị này, đó là những “đấu đá” nội bộ, hay sự “va chạm” của các đơn vị đang nhắm đến mảnh đất “kim cương” của xứ Đông này?

Theo số liệu của Công ty cổ phần sứ Hải Dương cho biết, đến hết năm 2008, với số vốn điều lệ là hơn 21 tỷ đồng nhưng sứ Hải Dương đã lỗ tới 13,389 tỷ đồng- tương đương 63% vốn điều lệ, còn số nợ phải trả lên đến hơn 42,2 tỷ đồng – gấp đôi số vốn điều lệ của công ty. Vốn tự có chỉ còn lại hơn 9 tỷ đồng và hàng loạt cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của Nhà máy “xếp hàng ra đi”.

Đến cuối năm 2008 nhân sự của Nhà máy chỉ còn khoảng 1/3 với khoảng hơn 400 lao động trong tình cảnh bấp bênh với mức thu nhập trung bình khoảng 1,1 triệu đồng/người/tháng...
 
Số liệu này công bố tại Đại hội cổ đông tổ chức ngày 26/4/2008 đã làm cho hầu hết các cổ đông có mặt tỏ ra chán nản, mà theo một cán bộ trong tổ công tác chuyên trách của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần sứ Hải Dương thì các thành viên trong tổ công tác của SCIC chuyên trách hỗ trợ tái cơ cấu sứ Hải Dương của SCIC đã phải “ toát mồ hôi” khi ngồi lắng nghe ý kiến phát biểu của nhiều người là cổ đông là cán bộ, công nhân viên.

Hơn 400 lao động ở lại với một mức thu nhập bấp bênh, một tinh thần bi quan với viễn cảnh phía trước, nhưng có rất nhiều người đã gắn bó gần 30 năm với Nhà máy này cho biết: “Kể cả người đã ra đi hay người ở lại  không ai không tiếc nuối và mong mỏi Nhà máy phát triển trở lại, bởi nơi đây không chỉ là nơi “kiếm bát cơm manh áo” mà còn có sự gắn bó như một gia đình lớn của hàng ngàn hộ gia đình...”. Có lẽ chính tình cảm đó là tài sản quý nhất còn lại của sứ Hải Dương đến giờ phút này.

Về phía lãnh đạo Công ty Cổ phần sứ Hải Dương hiện nay thì vẫn một mực trông đợi UBND tỉnh Hải Dương, SCIC hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy đang sử dụng để lấy kinh phí hỗ trợ di dời nhà máy ra khỏi thành phố Hải Dương để vừa thực hiện chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp theo chủ trương của Nhà nước, vừa bảo vệ thương hiệu sứ Hải Dươn tồn tại suốt 52 năm qua.
 
Còn với SCIC, hiện nay cơ quan này đã rục rịch làm các thủ tục bán phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương theo quy định. Hiện nay SCIC đã thuê công ty chứng khoán làm đơn vị tư vấn bán vốn.

Nhưng điều mà hàng trăm công nhân, cũng như người dân xứ Đông trăn trở, liệu khi Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương đã nằm trọn vẹn trong tay một ai đó, họ có còn quan tâm, duy trì, phát triển thương hiệu “Sứ Hải Dương” nữa không, hay tất cả các việc làm này chỉ nhằm “phù phép” xơi tái hàng ngàn m2 đất “kim cương” giữa trung tâm Thành phố Hải Dương, để rồi “cánh chim đầu đàn” Sứ Hải Dương đã từng gãy cánh, có thể chết hẳn vì chính mảnh đất đắc địa này.

Theo Dân Trí

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM