Sợ khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh của người Việt Nam thấp hơn Thái Lan và Malaysia

30/12/2015 10:02 AM | Kinh doanh

Đó cũng chính là lí do vì sao doanh nghiệp Việt Nam không lớn được vì người dân không có niềm tin vào kinh doanh, lập doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn chứng, theo chỉ số kinh doanh toàn cầu GEM 2013, tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định kinh doanh trong vòng 3 năm tới chỉ đạt 24,1% so với mức trung bình 44,7% ở các nước Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển như Việt Nam.

Như vậy, tỷ lệ người Việt Nam thấy có niềm tin, tự tin để khởi sự kinh doanh thấp. Đó cũng chính là lí do vì sao doanh nghiệp VN không lớn được vì người dân không có niềm tin vào kinh doanh, lập doanh nghiệp.

Điều này dẫn đến về thành lập doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, sau Thái Lan và Malaysia.

Bên cạnh đó, phần lớn nhân sự cao cấp ở các doanh nghiệp của Việt Nam chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh.

Trong nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam chỉ có 4,4% tốt nghiệp đại học, cao đẳng; 8,9% đã qua trường lớp kỹ thuật; 86,7% không có tay nghề.

Một trong những cản trở đối với tinh thần khởi sự kinh doanh của người Việt Nam, bà Lan lý giải:

Thứ nhất, chương trình giáo dục phổ thông không có nội dung khuyến khích phát triển tinh thần kinh doanh cho học sinh. Trong khi ở nước khác, ở bậc giáo dục phổ thông, đa số học sinh đã được dạy, được học cách kinh doanh. Văn hóa Việt Nam ít nhiều vẫn thể hiện sự kỳ thị đối với người kinh doanh.

Thứ hai, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển tương xứng. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hoạt động kinh doanh. Việt Nam chưa phát triển đầy đủ đến mức mong đợi, cần thiết, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để nâng cao tinh thần khởi sự kinh doanh, từ đó phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, theo vị chuyên gia kinh tế này, cần phải xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

Trong đó bao gồm: Các chương trình hướng nghiệp, giáo dục kinh doanh cần được giới thiệu và phổ biến ở các bậc phổ thông.

Các kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp, bao gồm cả người chủ và người làm thuê phải được đào tạo trong tất cả các trường đại học và trường nghề.

Các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa một cách tối đa.

Đặc biệt, đào tạo khởi sự doanh nghiệp có thể phải là chương trình bắt buộc để hạn chế tổn thất của cá nhân và xã hội do thiếu hiểu biết về kinh doanh. Nguồn tài chính cho khởi sự ở quy mô nhỏ luôn sẵn có.

"Các chương trình hỗ trợ người trưởng thành khởi sự cần phải được xây dựng và phổ biến rộng rãi như vườn ươm doanh nghiệp, chương trình tư vấn truyền thụ. Xây dựng thái độ thân thiện với đối với những người kinh doanh, phát triển các dịch vụ phục vụ kinh doanh hiện đại...", bà Lan nhấn mạnh.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM