Sếp Thực phẩm Mavin: Làm nông nghiệp, tiền không mua được kinh nghiệm

03/05/2015 14:00 PM | Kinh doanh

“Với bất kỳ ngành mới nào, các doanh nghiệp lớn cũng cần có thời gian hiểu ngành, mặc dù họ có rất nhiều tiền. Về năng lực tài chính họ có thể mạnh hơn, nhưng về mặt kinh nghiệm thì tiền không thể mua được…”

Nội dung nổi bật:

- Mặc dù lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung được nhận định sẽ “đặc biệt gặp khó”, lĩnh vực nông nghiệp mới đây lại thu hút nhiều ông lớn “dấn thân”. Vingroup gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với việc thành lập công ty VinEco. Hòa Phát cũng "thử" tham gia lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi

- Chiến lược của Mavin là phát triển theo chuỗi, “Từ nông trại đến bàn ăn”. "Nếu chúng tôi phát triển tốt như thế, chúng tôi sẽ cạnh tranh được về giá, cạnh tranh được với chất lượng tốt hơn".

- “Với bất kỳ ngành mới nào, các doanh nghiệp dù lớn cũng cần có thời gian hiểu ngành, mặc dù họ có rất nhiều tiền. Về năng lực tài chính họ có thể mạnh hơn, nhưng về mặt kinh nghiệm thì tiền không thể mua được…”


Mặc dù lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung được nhận định sẽ “đặc biệt gặp khó” với các hiệp định thương mại tự do như AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN) hay TPP (Hiệp định đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương), lĩnh vực nông nghiệp mới đây lại thu hút nhiều ông lớn “dấn thân”.

Đầu năm, Vingroup gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với việc thành lập công ty VinEco, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đưa một số nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới. Còn công ty mới của Hòa Phát với 2 mảng chính là chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Sự gia nhập của 2 đại gia lớn như Vingroup và Hòa Phát làm nóng thêm thị trường nông nghiệp, vốn đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Thực phẩm Mavin – về thực tế ngành nông nghiệp mà doanh nghiệp này đang tham gia 10 năm qua.

* Ngành nông nghiệp được đánh giá không khả quan khi Việt Nam gia nhập TPP và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác. Riêng với doanh nghiệp ông thì sao, đâu là khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi gặp khó khăn về vốn và một số vấn đề liên quan đến sức mua của thị trường trong nước còn chưa cao. Tôi hy vọng từ giờ đến cuối năm sẽ đón nhận được tín hiệu tốt của thị trường.

* Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp, đâu là chiến lược vượt khó của doanh nghiệp?

Chúng tôi đã hoạt động trong ngành nông nghiệp khoảng 10 năm. Phải thừa nhận rằng năm 2014 vừa rồi là một năm tương đối khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát triển theo chuỗi, theo hướng “Từ nông trại đến bàn ăn” (quy trình sản xuất thực phẩm khép kín bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm...- PV).

Chúng tôi có thức ăn chăn nuôi, nhà máy thuốc thú y, hệ thống trang trại chăn nuôi heo và dùng chính thịt ấy để sản xuất thực phẩm. Chuỗi của chúng tôi rất khép kín, do đó tận dụng được tối đa nguồn lực trong chuỗi.

* Ông đánh giá thế nào về tính cạnh tranh của thị trường thức ăn chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, đặc biệt khi mới đây cả Vingroup và Hòa Phát cùng tuyên bố tham gia thị trường này?

Thực ra, thị trường thức ăn chăn nuôi đã có sự cạnh tranh rất khốc liệt trong những năm gần đây. Gần đây, các đại gia tham gia vào ngành nông nghiệp rất nhiều như bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai – PV), Hòa Phát, Vingroup…

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ Việt Nam là một nước nông nghiệp phát triển, thị trường cũng luôn phát triển. Nếu đánh giá về mặt tiềm năng, ví như giá thịt ở Việt Nam, được cho là còn cao trong khu vực. Do đó, nếu có sự cạnh tranh, có thêm nhà cung cấp trên thị trường thì tôi nghĩ giá thịt, giá nông nghiệp của Việt Nam sẽ trở về mức cạnh tranh hơn.

* Đấy mới là cái lợi về phía người tiêu dùng. Còn về doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Về doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phải thay đổi, cải cách, làm thế nào để thích nghi hơn, để phù hợp hơn với thị trường ngày càng cạnh tranh nhiều hơn.

* Gần đây có một loạt ông lớn từ Mỹ, Úc, Đức… dồn dập xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Với cách làm hiện tại, ông có cho rằng doanh nghiệp mình có đủ sức cạnh tranh?

Theo đánh giá của tôi, các sản phẩm của Úc, Mỹ về đây thường là thịt đông lạnh, do đó, đối tượng khách hàng cũng khác với nhu cầu tiêu dùng chung ở Việt Nam. Ví như ở Việt Nam, người tiêu dùng dùng thịt tươi nhiều hơn. Nên về mặt cơ bản, tôi nhận thấy rõ ràng sẽ có sự cạnh tranh, tuy nhiên, trong 5 năm tới, sự cạnh tranh không phải vấn đề lớn.

* Vậy sau 5 năm thì sao?

Chúng tôi đã có sự chuẩn bị cách đây 5 năm rồi, đã nhìn ra rằng khi Việt Nam tham gia vào AFTA, TPP, thị trường nông nghiệp tại Việt Nam sẽ mở cửa và cạnh tranh rất nhiều. Do đó, chúng tôi đã có chiến lược phát triển theo chuỗi, “Từ nông trại đến bàn ăn”. Nếu chúng tôi phát triển tốt như thế, chúng tôi sẽ cạnh tranh được về giá, cạnh tranh được với chất lượng tốt hơn.

* Như ông có nói, chiến lược Mavin chuẩn bị sẽ là “Từ nông trại đến bàn ăn”. Nhưng liệu ông có cho rằng: Chiến lược đó đã đủ để doanh nghiệp cạnh tranh với những đại gia mới vào lĩnh vực này như Hòa Phát, Vingroup, và những ông lớn đã định hình thị trường như Cargill, CP?

Về mặt ngành, doanh nghiệp chúng tôi đã hoạt động 10 năm trong ngành. Những cái mà chúng tôi đã chuẩn bị thì chúng tôi tự tin hoàn toàn có thể cạnh tranh được.

Bởi đối với bất kỳ ngành mới nào, các doanh nghiệp dù lớn cũng cần có thời gian hiểu ngành, mặc dù họ có rất nhiều tiền. Về năng lực tài chính họ có thể mạnh hơn, nhưng về mặt kinh nghiệm thì tiền không thể mua được.

Tôi hy vọng với sự chuẩn bị sẵn của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phát triển tốt, và hoàn toàn có thể cạnh tranh được trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

>> Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: “Vingroup không đầu tư theo mốt”

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM