Sẽ là dấu chấm hết cho ngành truyền hình?

05/01/2016 19:24 PM | Kinh doanh

Trong 15 năm qua, tiêu đề “Dấu chấm hết của truyền hình” đã được nhiều tờ báo, chuyên gia đưa lên tít, nhưng ngành truyền hình vẫn sống tốt và kinh doanh có hiệu quả. Dẫu vậy, năm 2015 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng ảnh hưởng lớn đến ngành kinh doanh này.

Năm 2015 đánh dấu một sự thay đổi quan trọng khi khán giả ngày nay muốn được xem truyền hình tùy chọn thông qua mạng Internet hơn là phải phụ thuộc vào nhà đài qua mạng cáp.

Ngay cả những kênh truyền hình thể thao như ESPN, vốn luôn phù hợp với thị hiếu khán giả, cũng đã thừa nhận thua lỗ thuê bao trong năm 2015.

Trong khi đó, hàng loạt cổ phiếu ngành truyền thông đã bị các nhà đầu tư bán tháo năm 2015. Dù những cổ phiếu này đã hồi phục phần nào vào cuối năm nhưng điều này cho thấy vị thế của ngành truyền hình cáp đang bị đe dọa.

Trên thực tế, lượng khán giả xem tivi ngày một đông hơn nhưng họ chuyển từ lựa chọn phải xem một hệ thống các kênh nhất định theo những giờ cố định sang trả tiền để xem những gì mình muốn.

Trong 5 năm qua, các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình qua mạng như Netflix đã tạo nên làn sóng mới cho thị hiếu khán giả và thách thức ngành truyền hình cáp truyền thống. Rõ ràng, ngành truyền hình truyền thống đang gặp khó để cạnh tranh với một đối thủ linh hoạt cung cấp nhiều gói dịch vụ tùy sở thích của người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Internet không chấm dứt ngành truyền hình như nhiều dự báo mà thay vào đó cải tiến mảng truyền thông giải trí này.

Hòa bình mong manh

Trong thập niên 90, nhiều người đã dự báo sự xuất hiện của những kỹ thuật truyền thông mới, như công nghệ kỹ thuật số hay Internet sẽ chấm dứt ngành truyền thông truyền thống, bao gồm mảng truyền hình.

Tuy vậy, ngành truyền hình vẫn sống tốt và thường xuyên cải tiến kỹ thuật để phục vụ khán giả.

Những công ty như Netflix, Amazon hay Youtube là các hãng truyền thông băng thông rộng, có khả năng phân phối dịch vụ truyền hình trên Internet và có công nghệ mới hơn các kênh truyền hình truyền thống.

Tuy vậy, kể từ năm 2010, các hãng truyền hình thay vì cạnh tranh lại hợp tác với những công ty truyền thông băng thông rộng này và tăng sự chọn lựa cho khán giả.

Netflix là một ví dụ, hãng cung cấp dịch vụ xem truyền hình trả phí qua Internet. Như vậy, khán giả không cần chờ vài ngày hay 1 tuần để xem một tập phim mới hay phải chờ quảng cáo giữa lúc giải lao.

Dẫu vậy, sự hợp tác này có thể không kéo dài quá lâu khi một số hãng truyền hình bắt đầu tham gia mảng truyền thông trả phí trên Internet.

Hãng HBO đã cho ra mắt dịch vụ HBO Now, còn CBS cũng xây dựng hệ thống CBS All Access. Cả 2 dịch vụ này đều giống Netflix là người dùng phải trả tiền để có thể xem những chương trình mà họ thích một cách tùy chọn.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác như Noggin của Nickelodeon hay SeeSo của NBC, DisneyLife của Disney cũng có chức năng tương tự.

Ngành truyền hình sắp hết thời?

Những kỹ thuật truyền thống khiến ngành truyền hình chỉ có thể phát các chương trình theo thời gian cố định với các quảng cáo. Đây chỉ là giới hạn kỹ thuật của ngành truyền hình chứ không phải là sự hạn chế của lĩnh vực này.

Điều này tương tư như ngành âm nhạc khi chuyển từ thu băng sang thu đĩa. Đây đơn giản chỉ là tiến bộ kỹ thuật chứ không phải là sự chấm dứt cho ngành âm nhạc.

Rõ ràng, dịch vụ truyền hình trực tuyến cho phép khán giả truyền hình có thể xem các chương trình theo nhu cầu và cải tiến phương thức phục vụ khách hàng của toàn ngành chứ không làm suy giảm nhu cầu xem tivi của người dân.

Khi truyền hình thành chợ...ứng dụng

Với sự thay đổi chóng mặt của kỹ thuật, ngành truyền hình chắc chắn sẽ có nhiều biến động trong những năm tới.

Khi công bố sản phẩm Apple TV vào tháng 9/2015, CEO Tim Cook đã nói rằng “tương lai của tivi là các ứng dụng”. Hiểu theo cách khác, các chương trình truyền hình có thể được bán như một chợ ứng dụng, khi khách hàng có thể xem những kênh miễn phí hoặc trả tiền để xem những chương trình đặc sắc hơn.

Tất nhiên, tất cả những chương trình này đều có thể được xem qua mọi loại thiết bị, từ smartphone cho đến tivi.

Ngoài ra, những dịch vụ truyền hình này có thể cho phép người dùng trả các gói cước khác nhau tùy nhu cầu. Điều này tiện ích hơn hằn những gói cước truyền hình cáp khi khách hàng phải trả phí cho hơn 100 kênh trong khi họ chỉ xem khoảng 20 kênh.

Tuy nhiên, ngành truyền hình cáp vẫn còn cơ hội tồn tại khi hầu hết các dịch vụ mới trên yêu cầu một đường truyền Internet đủ mạnh để tải các chương trình hoặc xem online. Trong khi đó, nhiều khu vực trên thế giới vẫn có đường truyền rất kém và không đủ sức hỗ trợ cho loại dịch vụ mới này.

Bên cạnh đó, việc tính phí dung lượng Internet cũng đang là một khó khăn khiến truyền hình băng thông rộng gặp cản trở.

Dẫu vậy, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay cùng với sự nhạy bén của các doanh nghiệp, việc truyền hình băng thông rộng tìm ra được biện pháp giải quyết cho vấn đề giới hạn dung lượng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Rõ ràng, dù ngành truyền hình băng thông rộng có thật sự là xu thế mới hay không thì lĩnh vực này đã bắt đầu thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM