Sẽ giảm quyền tự tăng giá điện của EVN từ 7% xuống 3-5%

01/02/2015 08:22 AM | Kinh doanh

Phó Thủ tướng nêu rõ, nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá; các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Ngày 29/1, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, chỉ đạo EVN xây dựng phương án để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 12/2014/TT-BCT ngày 1/6/2014 quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân.

Phó Thủ tướng nêu rõ, nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá; các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Theo Quyết định 69, các mốc biến động giá điện cơ sở là 7-10%. Trong đó, nếu giá điện tăng dưới 7%, EVN sẽ được tự tăng giá. Nếu tăng từ 7-10%, EVN sẽ phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thẩm định. Nếu giá điện tăng trên 10%, việc điều chỉnh giá sẽ do Bộ Công Thương trình Thủ tướng cho ý kiến phê duyệt.

Tại kết luận này, Phó Thủ tướng cũng giao EVN xây dựng kế hoạch và các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên, trình Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt trước ngày 28/2/2015; phối hợp với WB nghiên cứu phương án quản trị rủi ro tỷ giá, báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, trong cuộc họp công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2014 EVN còn rất nhiều khoản chi phí “treo” như chi phí giá than, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng... Do vậy, EVN đã trình Chính phủ phương án tăng giá điện để "bù đắp" vào các khoản chi phí treo này.

Mới đây nhất, tại cuộc họp tổng kết của Bộ Công thương ngày 26/1, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải  cho biết, tình hình “sức khỏe” tài chính của EVN hiện đang “rất nguy cấp” theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB).

Thậm chí, WB cho rằng, nếu giá điện ở Việt Nam tiếp tục bán dưới giá thành như hiện nay mà không được điều chỉnh tăng thì EVN sẽ đứng trước nguy cơ quá sức chịu đựng trước các khoản nợ “khủng”, có thể sẽ bị phá sản.

Trong khi đó, tại phiên họp liên bộ điều hành kinh tế vĩ mô ngày 22/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu EVN chỉ đạo ngay việc rà soát để giảm mạnh chi phí giá điện nhằm giảm giá thành, nhất là vấn đề giảm hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động.

>> EVN đề nghị tăng thêm chi phí vào giá điện 2015

Theo Nguyệt Quế

 

Cùng chuyên mục
XEM