Sau thảm họa Paris, những "chiếc cầu" liên kết châu Âu đóng lại?

24/11/2015 18:36 PM | Kinh doanh

Việc mở cửa biên giới giữa các nước châu Âu theo hiệp ước Schengen vốn đã phải chịu nhiều áp lực. Các cuộc tấn công khủng bố mới nhất có thể sẽ là "giọt nước tràn ly".

Trước đây, khi đi từ Hà Lan sang Tây Ban Nha, người ta sẽ chẳng có cảm giác vừa mới ra khỏi biên giới một quốc gia nếu không thấy những dòng chữ “chào đón bạn tới Tây Ban Nha". Nhưng đó là chuyện trước khi có khủng hoảng di cư và vụ khủng bố tại Paris vừa qua.

Sự tự do đi lại giữa 26 quốc gia thuộc khối Schengen vốn được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi là “biểu tượng độc nhất về sự hội nhập của châu Âu" nay lại trở thành mối đe dọa lớn nhất.

Người ta bắt đầu lên tiếng kêu gọi hạn chế du lịch không biên giới kể từ tháng 8, sau khi một thanh niên 28 tuổi người Ma-rốc tên là Ayoub El Khazzani xả súng trên tàu khi đoàn tàu vừa vượt qua khu vực biên giới Bỉ để vào miền Bắc nước Pháp. Vào tháng 9, thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng nếu không có thỏa thuận về cách xử lý người tị nạn, số lượng người tị nạn sẽ tiếp tục tăng.

Số lượng người tị nạn quá lớn nên một số nước bao gồm Hungary, Slovenia, Đức và Áo đã phải tạm thời đóng cửa biên giới. Sau đó, Thụy Điển phải tiếp nhận đến 10.000 lượt người mỗi tuần, nên cũng đã đóng cửa biên giới vào ngày 12/11. Hà Lan tăng cường kiểm tra tại khu vực biên giới. Trong khi đó, Đan Mạch thông báo sẽ đặt máy quét điện tử tại các cửa khẩu để hạn chế việc tự do đi lại theo hiệp ước Schengen.

Các vụ tấn công ở Paris đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Khi đã xác định những kẻ khủng bố có liên hệ chặt chẽ với Bỉ thì đối với Pháp, một chiếc xe ôtô từ Brussels hay máy bay bay từ Syria đều có thể mang theo mối đe dọa lớn như nhau.

Khi các nhà điều tra lần lại các bước đi của những kẻ khủng bố và con đường vận chuyển vũ khí, họ sẽ nhận ra có nhiều liên kết trong chính nội khối châu Âu và sẽ tìm ra nhiều hơn nữa những điểm yếu của Schengen.

Sau cuộc tấn công hôm 13/11, Pháp nhanh chóng khôi phục lại chế độ kiểm tra nghiêm ngặt tại các cửa khẩu lớn. Hiệp ước Schengen cũng cho phép các biện pháp tạm thời như vậy để đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, nếu không có vụ tấn công tại Paris, Pháp vẫn phải lên kế hoạch tương tự để đảm bảo an toàn cho hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc tổ chức vào cuối tháng này.

Tại cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ tại Brussels vào ngày 20/11, Pháp đã đề nghị châu Âu bắt đầu thu thập hồ sơ của khách du lịch. Đề nghị này đã được đưa ra từ vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo. Để có được hồ sơ, các nước phải trao đổi thêm dữ liệu thông qua cơ sở dữ liệu bảo mật của hệ thống thông tin Schengen.

Pháp cũng sẽ yêu cầu thắt chặt an ninh biên giới đối với các nước ngoài khối Schengen. Tổng thống Pháp François Hollande vẫn muốn châu Âu với biên giới mở, không phải là một lục địa toàn những tường và hàng rào dây kẽm gai.

Tuy nhiên, rất nhiều người không đồng ý với Pháp, đặc biệt là các nước ở phía Đông. Hungary đã xây dựng một hàng rào 100 dặm dọc theo biên giới với Serbia. Áo cũng đang có kế hoạch xây dựng hàng rào tương tự tại biên giới với Slovenia. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết nước này sẵn sàng xây dựng hàng rào, bởi sự an toàn của công dân Slovakia được ưu tiên cao hơn quyền của người di cư.

Sau vụ tấn công tại Paris, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ba Lan tuyên bố rằng EU không đạt được thỏa thuận về phân bố người xin tị nạn. Chiến dịch tranh cử của Slovakia trở thành nơi mà những người chống nhập cư la hét.

Thủ tướng Hungary, Viktor Orban cho rằng làn sóng nhập cư làm tăng các vụ hiếp dâm và đe dọa văn hóa châu Âu, và cũng cho rằng đây là nguyên nhân gây nên vụ thảm sát ở Paris.

Những người theo chủ nghĩa dân túy tại Tây Âu dường như đang không quan tâm đến lo ngại của công chúng. Xung quanh vụ khủng bố tại Paris, chỉ có một bản báo cáo cho thấy rằng một trong những tay súng đã vào châu Âu qua Hy Lạp, với tư cách là một người tị nạn Syria.

Matteo Salvini, một người theo đảnh cánh hữu của Italia lặp đi lặp lại những lời kêu gọi ngừng hiệp ước Schengen. Trong cuộc thăm dò được thực hiện sau khi các vụ đánh bom diễn ra, có đến 70% người Hà Lan nói nên đóng cửa biên giới.

Người ta không chỉ sợ hãi và ghê tởm các vụ tấn công. Ngày 15/11, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière đã phải kêu gọi báo chí và xã hội không liên kết các cuộc tấn công với vấn đề tị nạn.

Các chương trình talk show ở Đức và nhiều nước Tây Âu luôn nhấn mạnh rằng những người tị nạn là nạn nhân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS nên không phải là thủ phạm. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đồng tình với bà Merkel và cho biết: việc coi người tị nạn là những kẻ khủng bố là "trốn tránh trách nhiệm nhân đạo".

Theo Thu Trang

Cùng chuyên mục
XEM