"Sao nhà mạng lớn nhất lại xin "bình đẳng" với các mạng bé?"

18/07/2015 10:15 AM | Kinh doanh

Phó Tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn tiếp tục kiến nghị Bộ TT&TT "xem xét, điều chỉnh, sửa đổi" lại các văn bản quy phạm hiện hành để mọi nhà mạng tham gia thị trường, trừ những tân binh mới gia nhập cuộc chơi, không phân biệt lớn - nhỏ, đều phải bị quản lý "bình đẳng như nhau".

Tuy nhiên, đáp lời Viettel, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nêu câu hỏi "Doanh nghiệp lớn nhất thị trường sao lại xin "bình đẳng" với các doanh nghiệp khác nhỏ hơn?"

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ TT&TT sáng nay, ông Sơn đã dẫn lại Điều 54 của Luật Viễn thông, với nội dung "tôn trọng quyền tự xác định và cạnh tranh về giá cước của các doanh nghiệp viễn thông", các nhà mạng được bình đẳng, không phân biệt trong quản lý và quy định giá cước viễn thông.

Vị đại diện của nhà mạng lớn nhất trong nước khẳng định, khi Viettel đi ra nước ngoài đầu tư đều phải cạnh tranh công bằng với các mạng lớn, lâu đời ở những thị trường này, không nhận được bất cứ sự ưu ái nào hơn. Chính vì thế, Viettel mong muốn được sửa đổi một số quy định tác động trực tiếp đến nhà mạng này, chẳng hạn như Thông tư quy định các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (SMP) phải chịu sự quản lý chặt hơn từ Cơ quan Nhà nước, với lý do là để "thúc đẩy cạnh tanh công bằng, bình đẳng hơn" giữa các mạng với nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên Viettel đưa ra đề xuất này. Còn nhớ tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT hồi đầu tháng 6, một phó Tổng giám đốc khác của Tập đoàn này là ông Lê Đăng Dũng cũng từng kiến nghị Bộ TT&TT không rút bất cứ mạng nào ra khỏi Top 3 "doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường", để tránh tình trạng người dùng nhao từ mạng này sang mạng khác.

Khi ấy, lập luận của Viettel là "thị trường và khách hàng bao giờ cũng coi Viettel, MobiFone và VinaPhone đang là những doanh nghiệp lớn gần tương đương nhau". Do đó, nếu một doanh nghiệp được rút ra khỏi vị trí thống lĩnh thị trường, đồng nghĩa với việc được "nới lỏng quản lý hơn", thì nếu nhà mạng đó thay đổi chính sách về giá, "khách hàng sẽ nhao từ mạng này sang mạng kia, gây xáo trộn thị trường", ông Dũng nêu kịch bản, "thậm chí có thể gây ra cuộc chiến về giá".

Nhưng ngay tại Hội nghị đó, đề xuất này đã vấp phải sự không đồng tình từ các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT. Chẳng hạn như ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, quy định về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đã được nêu rất rõ trong Luật nên việc đưa doanh nghiệp nào vào, rút doanh nghiệp nào ra khỏi danh sách đó "không phụ thuộc ý muốn chủ quan của Bộ hay của doanh nghiệp".

Thực tế là vào ngày 15/6 vừa qua, Thông tư 15 do Bộ TT&TT ban hành cũng chính thức có hiệu lực, nêu rõ chỉ còn duy nhất Viettel là nhà mạng thống lĩnh thị trường. Hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone đều đã được đưa ra khỏi danh sách, trở thành mạng non-SMP (không thống lĩnh thị trường), đồng nghĩa với việc sẽ được linh động hơn trong việc xây dựng, áp dụng và ban hành chính sách cước mới.

"Thị trường viễn thông chỉ phát triển nếu có cạnh tranh"

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường, và thị trường viễn thông Việt Nam có được sự phát triển hôm nay chính là do đã sớm mở cửa cho cạnh tranh. "Yêu cầu quan trọng nhất đối với viễn thông là lúc nào cũng phải duy trì áp lực cạnh tranh. Chúng ta không muốn một doanh nghiệp quá mạnh, áp đảo hết các đối thủ khác mà mong muốn tất cả các doanh nghiệp đều mạnh".

Đối với đề xuất "điều chỉnh các quy định liên quan đến doanh nghiệp thống lĩnh" mà Viettel đưa ra, Thứ trưởng lưu ý rằng, quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp SMP không chỉ chịu quy định của Luật Viễn thông mà còn phải tuân theo Luật Cạnh tranh. Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông khi rà soát lại các văn bản, thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông để cập nhật, chỉnh sửa (nếu có) phải tuân thủ đúng theo các Luật đang có hiệu lực.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải băn khoăn khi Viettel đang là nhà mạng có thị phần dẫn đầu thị trường, hơn 50%, lại kiến nghị xin được "bình đẳng với các mạng nhỏ hơn". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, theo nguyên tắc thì các nhà mạng lớn bao giờ cũng phải chịu sự quản lý chặt hơn từ phía Nhà nước.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhất trí rằng, sau 4 năm, thị trường viễn thông đã có những thay đổi lớn nên việc điều chỉnh, cập nhật quy định là hợp lý, miễn là để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy vậy, Bộ trưởng chỉ ra rằng, Viettel đang có một ưu thế lớn mà các mạng còn lại không có được, đấy chính là cơ chế lương đặc thù.

"Ba mạng viễn thông độc lập cùng một sân chơi, cùng một thị trường, kinh doanh cùng một loại hình dịch vụ, nhưng Viettel đang được ưu ái hơn về cơ chế trả lương. Hai doanh nghiệp còn lại vừa yếu hơn, vừa nhỏ hơn, nhưng lại không được ưu ái bằng thì rất khó cạnh tranh. Viettel có thể dễ dàng kéo người, hút chất xám từ MobiFone, VinaPhone sang vì mức lương rất tốt".

Nói cách khác, nếu bài toán về lương này không được Nhà nước giải quyết bằng cơ chế thì chắc chắn sẽ tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp, chỉ có điều, lần này là theo chiều hướng ngược lại, doanh nghiệp thống lĩnh lại có ưu thế hơn so với các đối thủ non-SMP.

Theo Trọng Cầm

Cùng chuyên mục
XEM