[Q&A] Toyota ngừng sản xuất, công nghiệp ô tô Việt Nam có 'mất phanh'?

09/04/2015 08:36 AM | Kinh doanh

Việt Nam không phải là nước đầu tiên Toyota tuyên bố sẽ ngừng sản xuất ô tô. Đầu tháng 2 năm 2014, hãng ô tô này cũng tuyên bố sẽ dừng sản xuất xe hơi tại Úc đến cuối năm 2017 và chuyển sang mô hình công ty kinh doanh và phân phối xe hơi.

Mới đây tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết hãng này đang cân nhắc ngưng sản xuất ô tô tại Việt Nam, thay vào đó là nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN. Nếu viễn cảnh này xảy ra, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không hề nhỏ.

Q: Toyota đã từng tuyên bố ngừng sản xuất ở nước nào khác chưa?

Việt Nam không phải là nước đầu tiên Toyota tuyên bố sẽ ngừng sản xuất ô tô. Đầu tháng 2 năm 2014, hãng ô tô này cũng tuyên bố đến cuối năm 2017 sẽ dừng sản xuất xe hơi tại Úc và chuyển sang mô hình công ty kinh doanh và phân phối xe hơi. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất nội địa Úc những dòng xe như Camry, Camry Hybrid hay động cơ 4 kỳ của hãng này sẽ bị xóa sổ đến cuối năm 2017.

Toyota không phải là hãng đầu tiên tuyên bố ngừng sản xuất tại Úc, năm 2013 hai nhà sản xuất ô tô lớn là Ford và Holden cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Q: Tuyên bố ngừng sản xuất của Toyota tại Úc được dự đoán sẽ tạo ra tác động gì?

Bộ trưởng công nghiệp Úc Ian McFarlane từng ước đoán có 30.000 người trong ngành công nghiệp ô tô sẽ mất việc ít nhất trong 3 năm nếu Toyota rời khỏi nước này.

Theo phân tích của hãng Allens Consulting Group, các nhà sản xuất ô tô nội địa tại Úc tiêu tốn khoảng 2,25 tỷ USD với các nhà cung cấp thuộc chuỗi cung ứng tại tiểu bang Victoria và 600 triệu USD tiểu bang Nam Australia. Việc các hãng như Toyota dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành công nghiệp phụ trợ.

Bloomberg cho biết ô tô và linh kiện là ngành xuất khẩu lớn thứ 3 của Úc năm 2012 sau dược phẩm, quặng nhôm. Chính vì vậy, quyết định ngừng sản xuất của Toyota cũng sẽ có tác động không nhỏ đến cán cân thương mại của Úc trong thời gian tới.

Q: Toyota vào Việt Nam lâu chưa?

Toyota Việt Nam được thành lập từ tháng 9/1995 và đi vào hoạt động tháng 10/1996 với tổng vốn đầu tư 89,6 triệu USD. Công ty này là liên doanh giữa 3 đối tác lớn gồm: Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản (70%), tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (20%) và công ty TNHH KUO Singapore (10%).

Q: Các sản phẩm nổi bật của Toyota ở thị trường Việt Nam là gì?

Toyota Việt Nam có 2 nhóm sản phẩm chính gồm: Sản xuất và lắp ráp các dòng xe tại Việt Nam như Camry, Corolla Altis, Innova, Vios, Fortuner và nhập khẩu các dòng xe Land Cruiser, Hilux, Yaris, Land Cruiser Prado, Hiace và Toyota 86. Công suất hàng năm của Toyota là 36.500 xe.

Q: Thế lý do nào khiến Toyota tính ngừng sản xuất tại Việt Nam?

Theo Tổng giám đốc Công ty liên doanh Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta, tới năm 2018, mức thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ xuống 0% khiến cho việc nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiên, gỡ ra rồi lại lắp lại.

Toyota Việt Nam sẽ phải đưa ra quyết định: tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu.

Q: Toyota có vị trí như thế nào tại Việt Nam?

Toyota hiện là nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam, cũng là hãng đứng đầu về dòng xe PC. Năm 2014, Toyota chiếm 30,6% thị phần ô tô trong nhóm thành viên hiệp hội ô tô Việt Nam. Về dòng xe PC, hiện Toyota chiếm khoảng 42,1% thị phần VAMA.

Toyota còn thường xuyên nằm trong top 10 doanh nghiệp FDI nộp thuế lớn nhất trong nhiều năm qua, với mức thuế đã nộp năm 2013 vào khoảng 500-600 tỷ đồng. Công ty này đang cung ứng hơn 1.600 việc làm cho lao động Việt Nam.

Q: So với Úc, quyết định của Toyota tại Việt Nam có gì khác không?

Có khá nhiều điểm tương đồng.

 

Tiến sỹ Khương Quang Đồng. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư.

Theo tiến sĩ Khương Quang Đồng, chuyên gia làm việc trong ngành này 30 năm tại Pháp, Nhật cho biết: Việc các nhà sản xuất ô tô đóng cửa nhà máy tại Úc trong 2 năm qua xuất phát từ các nguyên nhân như: giá sản xuất quá cao, gấp đôi so với châu Âu, gấp 4 so với châu Á, thuế nhập khẩu ô tô chỉ 5%, xe nội địa có giá thành cao gấp 4 lần không thể cạnh tranh được với các xe sản xuất ở châu Á nhất là khi đồng tiền Úc quá cao, thị trường phân tán ra quá nhiều nhãn hiệu và mẫu xe do đó số lượng của mỗi mẫu xe quá ít.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với Úc như giá sản xuất quá cao vì 90% linh kiện phải nhập khẩu, thị trường phân tán nhiều nhãn hiệu và thuế nhập khẩu xe từ ASEAN sẽ không còn vào năm 2018.

Q: Quyết định của Toyota sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?

Quyết định này sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ảnh hưởng trực tiếp là những người làm việc cho Toyota cũng như các công ty nằm trong chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp này.

Theo dự đoán của tiến sỹ Đồng, các tập đoàn ô tô có thể sẽ đóng cửa một số nhà máy lắp ráp ở Việt Nam để chuyển qua Thái Lan, Indonesia hay Malaysia khi hiệp ước AFTA xóa bỏ hàng rào thuế nhập khẩu giữa các nước ASEAN được áp dụng.

Hiện tại, Việt Nam đang có sự bất hợp lý khi có đến 17 công ty lắp ráp ô tô nhưng công nghiệp hỗ trợ chỉ có 33 công ty công nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 181 công ty cấp 2. Tại Thái Lan, con số này lên tới 3.500 công ty sản xuất phụ tùng cho ô tô.

Một khi các công ty lắp ráp ngừng sản xuất tại Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ còn non trẻ Việt Nam sẽ không còn đường sống.

Q: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần làm gì để thích nghi nếu điều này xảy ra?

Tiến sỹ Khương Quang Đồng cho rằng ngành công nghiệp ô tô thế giới sẽ chuyển sang ô tô điện và từ từ thay thế xe xăng dầu. Chính vì vậy, Việt Nam nên có mặt trong cuộc đua phát triển ô tô điện, thay vì chỉ tập trung vào xe xăng dầu.

Theo ông Đồng, về phương diện kỹ thuật, ô tô điện có thiết kế và sản xuất đơn giản hơn nhiều so với xe xăng dầu và Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm được. Vì vậy bên cạnh việc tìm cách phát triển công nghiệp ô tô chạy bằng xăng dầu nhờ hợp tác quốc tế thì nên bắt đầu xây dựng nền công nghiệp ô tô điện quốc gia.

>> Vì sao Toyota tính ngưng sản xuất tại Việt Nam?

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM