[Q&A] Nhà máy lọc dầu Dung Quất và nỗi lo đóng cửa

15/04/2015 08:55 AM | Kinh doanh

Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam, cũng là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Q: Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tầm cỡ như thế nào?

Theo giới thiệu của công ty TNHH MTV Lọc- hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất thì đây nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam, cũng là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Dự án này được chính thức khởi công ngày 28/11/2005 với diện tích khoảng 810 ha gồm 345 ha mặt đất và 471 ha mặt biển.

Công ty quản lý của nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn điều lệ đăng ký đến ngày 04/12/2012 là 35.000 tỷ đồng do tập đoàn dầu khí Việt Nam làm chủ sở hữu.

Q: Nhà máy lọc dầu chắc Dung Quất chỉ chuyên sản xuất dầu? Có đối thủ cạnh tranh nào không?

Không hẳn! Danh mục nghề kinh doanh của công ty BSR gồm: kinh doanh, xuất nhập khẩu, tàng trữ và phân phối dầu thô, sản xuất, bán buôn và bán lẻ các sản phẩm dầu mỏ, sản phẩm trung gian, nhiên liệu sinh học, hạt nhựa Polypropylene, cung cấp dịch vụ hàng hải và cảng biển liên quan đến ngành lọc- hóa dầu. Nguồn dầu thô chế biến của nhà máy lọc dầu Dung Quất gồm: dầu thô Bạch Hổ- Việt Nam và dầu thô nhập khẩu.

Mặc dù là một đơn vị thuộc tập đoàn dầu khí Việt Nam nhưng BSR cũng phải gặp phải cạnh tranh khi giá xăng lấy từ kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong rẻ hơn 100-200 đồng/lít so với lấy từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh đó dự án lọc dầu Nghi Sơn khi vận hành thương mại giữa năm 2017 sẽ cạnh tranh trực tiếp với Dung Quất, theo dự báo xăng dầu Nghi Sơn sẽ chiếm toàn bộ thị trường phía Bắc.

Ngoài ra, dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô đặt tại Phú Yên cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh mới của Dung Quất trong 4 năm tới do có lợi thế nằm gần thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước: Đông Nam Bộ. Trong 6-7 năm tới, một số dự án lọc dầu phía nam đi vào hoạt động cũng sẽ khiến thị phần BSR bị thu hẹp lại.

Q: Ai mua dầu, nhiên liệu của nhà máy lọc dầu Dung Quất?

Ngoài những doanh nghiệp trong nước là đối tác giao dịch, mới đây BSR cho biết Bộ quốc phòng quyết định sử dụng nhiên liệu so nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất. Sản phẩm nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu diesel L-62 của NMLD Dung Quất đã chính thức được Cục Nhiên liệu và Chất cháy tên lửa - thuộc Bộ Tham mưu bảo đảm vật tư – kỹ thuật các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga cấp phép sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt kể từ ngày 16/10/2014.

Từ trước đến nay, nhiên liệu Jet - A1 phục vụ quốc phòng luôn phải nhập khẩu từ Liên bang Nga. Nhiều thời điểm biến động về chính trị, kinh tế đã gây khó khăn về việc vận chuyển, đảm bảo cơ số cần thiết phục vụ tập luyện và sẵn sàng chiến đấu. Bộ Quốc phòng cho biết từ nay đã có thể tự chủ một phần nhiên liệu cho khí tài quân sự được sản xuất tại NMLD Dung Quất.

Q: Nhà máy lọc dầu này đóng góp được gì cho đất nước?

Theo thông tin từ BSR, Năm 2013 sản lượng sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt trên 6,61 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt 154,4 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách 28,4 ngàn tỷ đồng. Năm 2014 sản xuất hơn 5,8 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt 127.796 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch, nộp ngân sách 23.241 tỷ đồng.

Bảng xếp hạng 500 doanh ngiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 cũng ghi nhận BSR là doanh nghiệp đứng vị trí thứ 6. Năm 2013, BSR đóng góp 3,5% GDP của cả nước và là doanh nghiệp đóng góp 90% doanh thu của tỉnh Quảng Ngãi.

Cách đây 1 tháng, BSR là 1 trong 2 đơn vị của tập đoàn dầu khí Việt Nam lọt vào Top 10 doanh nghiệp có sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa cao do Bộ công thương tôn vinh.

Q: Gần đây có thông tin nhà máy lọc dầu Dung Quất đứng trước mối lo đóng cửa, tại sao lại thế?

Lý do được BSR đưa ra là do có sự thay đổi chính sách của Nhà nước. Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, tại Biểu thuế đi kèm với Thông tư số 165/2014/TT-BTC, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu khác theo Thông tư 164/2013/TT-BTC và 186/2014/TT-BTC có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong Biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu. So sánh thuế nhập khẩu tại thời điểm 13/04/2015 BSR và doanh nghiệp nhập khẩu có xuất xứ từ các nước Asean như sau:

Với mức thuế chênh lệch lớn như vậy, BSR cho rằng sản phẩm của công ty không thể cạnh tranh được ngay tại thị trường nội địa. Theo tính toán của BSR, mức chênh lệch giữa Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là rất lớn.

Cụ thể, năm 2015, với giá dầu cơ sở 60 USD/thùng, sản phẩm xăng RON 95 chênh lệch 11,44 USD/thùng (tương đương 1.538 đồng/lít); xăng RON 92 là 10,92 USD/thùng (tương đương 1.469 đồng/lít). Đối với dầu mazut, chênh lệch thuế tạo ra chênh lệch giá khoảng 2,56 triệu đồng/tấn và mặt hàng nhựa PP có độ chênh lệch là 496.248 đồng/tấn.

Q: Hôm nay Bộ tài chính ban hành giảm mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 20%, mối lo của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã không còn nữa?

Ngay sau quan ngại của BSR hôm qua, ngày 14/4/2015, Bộ tài chính công bố thông tư 48/2015/TT-BTC với nội dung quan trọng: giảm mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu và có hiệu lực từ hôm nay. Theo văn bản này, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng xăng động cơ, dầu nhiên liệu thuộc nhóm 27.10 giảm từ 35% xuống còn 20-25%. Thuế nhập khẩu nhiên liệu bay giảm còn 10%, nhiên liệu diesel cho ô tô còn 10%.

Việc giảm thuế nhập khẩu phần nào giải tỏa nỗi lo cho BSR tuy nhiên nếu đơn vị này được áp dụng mức suất thuế nhập khẩu ưu đãi như hàng hóa có xuất xứ từ khu vực ASEAN, thì theo tính toán của PVN, các khoản nộp ngân sách của nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ giảm đáng kể. Theo đó năm 2015 sẽ giảm 14.305 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2018 mỗi năm sẽ giảm khoảng 16.251 tỷ đồng.

>> Dung Quất bị bác đề xuất ưu đãi, Formosa yên tâm hưởng lợi

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM